MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dầu thực vật Sài Gòn: Mức phạt lừa dối nhà đầu tư có quá nhẹ?

13-01-2017 - 11:46 AM | Doanh nghiệp

Bằng việc "bơm" một SGO từ vốn 1 tỷ đồng lên gấp 200 lần trong 2 năm rồi "tuồn hàng" ra bán cho các nhà đầu tư. Xem ra dù với giá nào, nhóm cổ đông lớn (HĐQT) SGO cũng đã đạt được mục đích của mình.

20 triệu cổ phiếu SGO của Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn được niêm yết trên sàn HNX từ cuối năm 2015 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên 14.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa 290 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi lên sàn, tổng khối lượng giao dịch của SGO là 56 triệu cổ phiếu, tức là nếu bán cả công ty thì đã "quay" được hơn 2 vòng ở vùng giá từ 12.000 đồng/cp xuống còn 5.000 đồng/cp.

Giá cổ phiếu SGO đã giảm từ 12.000 đồng/cp xuống 1.300 đồng/cp trong đó giao dịch khối lượng lớn tập trung ở vùng giá cao
Giá cổ phiếu SGO đã giảm từ 12.000 đồng/cp xuống 1.300 đồng/cp trong đó giao dịch khối lượng lớn tập trung ở vùng giá cao

Kỳ lạ là một cổ phiếu của một doanh nghiệp nhỏ không tên tuổi bổng chốc có thanh khoản lên đến hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Cùng với sự xuất hiện của các topic hô hào mua vào cổ phiếu này trên các diễn đàn chứng khoán.

Thế nhưng, một năm sau, SGO đang nằm "tê liệt" ở mức giá 1.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch 12/01/2016. Vốn hóa của SGO chỉ còn đúng 26 tỷ đồng, giảm hơn 10 lần so với mức giá ngày đầu lên sàn. Đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tin vào cổ phiếu này đã mất đi hàng trăm tỷ đồng nếu ham lời đua theo cổ phiếu này.

Lừa dối nhà đầu tư

Thông tin mới đây, vào cuối tháng 12/2016, UBCKNN đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với tổng số tiền 330 triệu đồng liên quan đến việc công bố thông tin sai sự thật.

Đáng chú ý là khoản phạt tiền 100 triệu đồng do thông tin công bố không chính xác bao gồm các thông tin công bố trong các chuyên mục Giới thiệu, Liên hệ, Lĩnh vực kinh doanh, Thương hiệu, Phát triển thị trường trên Trang thông tin điện tử của Công ty có nội dung không chính xác.

Theo thông tin từ UBCKNN, SGO đã sử dụng các thông tin, hình ảnh của Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh để làm thông tin của mình (đây là công ty liên kết với tỷ lệ đầu tư là 47,5%).

Bên cạnh đó, thông tin công bố trong Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu của SGO về tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long có nội dung sai sự thật. Cụ thể, theo thông tin tại Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu của SGO, Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long, đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy tinh luyện dầu để có thể sản xuất dầu tinh luyện mang thương hiệu riêng của Công ty bán ra ngoài thị trường, dự kiến sẽ hoàn thành vào Quý I/2016.

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra (ngày 22/8/2016), SGO chưa có Giấy phép xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long, dự án xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long đã ngừng hoạt động từ năm 2014.

Ngoài ra, SGO còn bị phạt 85 triệu đồng do báo cáo có nội dung không chính xác. Ngày 15/8/2016, Công ty gửi văn bản số 12/2016/CV/SGO đến UBCKNN để xin gia hạn thời gian công bố BCTC bán niên năm 2016 đã soát xét với lý do Công ty đang tổng hợp số liệu của Công ty và Chi nhánh nên chưa thể hoàn thành BCTC đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, từ ngày 23/12/2015, Chi cục thuế thành phố Vĩnh Long đã ra thông báo số 3582/TB-CCTTPVL về việc chi nhánh Công ty đã bỏ địa điểm kinh doanh…

Kết quả kinh doanh của SGO cũng có sự sai lệch lớn trong cách công bố thông tin. Theo đó báo cáo bán niên có sự soát xét của Công ty Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K có chữ ký dấu đỏ của kiểm toán công bố ngày 15/11/2016 cho biết lũy kế 6 tháng của công ty lãi 2,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đến 28/12/2016 SGO gửi văn bản đính chính đến cho Sở Hà Nội công bố so với cùng kỳ năm trước lợi nhuận công ty này giảm 72% cùng kỳ 2015 (và báo cáo này được ký từ tháng 7/2016???). Không hiểu tại sao số liệu soát xét của kiểm toán lại có sự sai lệch?.

Báo cáo công bố ngày 15/11/2016
Báo cáo công bố ngày 15/11/2016
Báo cáo đính chính ngày 28/12/2016
Báo cáo đính chính ngày 28/12/2016

Điều đó cho thấy rằng, đã có sự công bố thông tin sai sự thật của SGO, dẫn đến cái nhìn sai lệch về giá trị doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của nhà đầu tư.

Khi đó, việc đọc báo cáo tài chính và những con số lợi nhuận trên báo cáo của công ty này có chăng cũng chỉ là “trò hề”. Nếu đọc theo báo cáo soát xét, công ty không vay nợ, lợi nhuận tăng nhẹ cùng kỳ thì không thấy có dấu hiệu gì.

Đáng chú ý, mặc dù bị phạt vì công bố thông tin sai sự thật song SGO vẫn không bị đưa vào diện cảnh báo hay kiểm soát để cảnh báo nhà đầu tư.

Có hay không tình trạng "kim thiền thoát xác"?

Khi theo dõi những thông tin về dòng tiền của doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn, cũng chính là các thành viên trong Hội đồng quản trị SGO cũng thấy có nhiều vấn đề.

SGO là được thành lập năm 2010. Năm 2013, SGO chỉ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Nhưng trước khi quyết định lên sàn cuối năm 2015, SGO đã nhanh chóng tăng vốn gấp 200 lần sau 2 đợt phát hành năm 2014 và năm 2015.

Trong đợt tăng vốn lần đầu từ 1 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng năm 2014. Các cổ đông chủ chốt đã rót đủ 100 tỷ đồng vào nhưng sau đó, số tiền này đã nhanh chóng được rút ra để rót ngược trở lại công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh, công ty do ông Lê Thiên Thạch, Thành viên HĐQT SGO làm giám đốc.

Trong đó, phần mua lại vốn góp tại công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh là từ cổ phần của ông Thạch, Giám đốc công ty trên với số tiền 30 tỷ đồng được ghi nhận vào cuối 2014. Ngoài ra, 25 tỷ đồng dùng để tạm ứng dự án “ma” tại Vĩnh Long bị UBCKNN xử phạt theo thông tin trên.


Nguồn: BCTC 2015 SGO

Nguồn: BCTC 2015 SGO

Tiếp đến, khi tăng vốn lần 2 lên 200 tỷ đồng vào tháng 02/2015, SGO đã tiếp tục ghi nhận 5 cá nhân trong HĐQT đã tiếp tục góp thêm 100 tỷ đồng vào SGO, cùng với một tỷ lệ như lần 1 năm 2014.

SGO lần nữa rót 65 tỷ đồng nữa vào Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh. Toàn bộ số cổ phần này cũng được chuyển nhượng từ chính 2 thành viên HĐQT SGO là ông Thạch và bà Nguyễn Thị Lệ Hằng.

Nguồn: BCTC Kiểm toán GSO 2015

Điều này cho thấy rằng, việc huy động vốn của SGO thực chất chỉ là từ tay trái sang tay phải, các cổ đông góp vốn vào SGO, sau đó chuyển vào tài khoản của ông Thạch và bà Hằng thông qua việc chuyển nhượng phần vốn của Công ty TNHH Phúc Anh – Hồng Quang.

Tại báo cáo kiểm toán kiểm toán năm 2015 công ty lại phát sinh giao dịch bán hàng hóa với một công ty liên kết có tên là Phúc Anh - Hồng Quang? (mà thực chất là Phúc Quang - Hồng Anh).


Nguồn: BCTC 2015 SGO

Nguồn: BCTC 2015 SGO

Đáng chú ý là trước lúc lên sàn, HĐQT SGO đã kịp thời chia nhỏ số cổ phần đang nắm giữ cho một nhóm cá nhân sở hữu. Riêng bà Hạnh đã sang tên số cổ phần nắm giữ của mình cho đối tượng khác.Cụ thể, ông Trần Ngọc Bửu Trân, Chủ tịch HĐQT sở hữu 520.000 cổ phần tương ứng tỷ lệ 2,6% vốn điều lệ. Ông Lê Thiên Thạch, Thành viên Hội đồng quản trị sở hữu 540.000, tương ứng 2,7%. Bà Lê Thị Kim Trinh và bà Hoàng Thị Thúy Hà, 2 thành viên HĐQT khác cũng cùng sở hữu 520.000 cổ phiếu, tương đương 2,6% vốn của SGO.

Có thể nhận thấy, những người trong nội bộ đã được phân bổ số cổ phần rất "ngẫu nhiên", cũng giống như số cổ phần mà chính họ đã góp vào lúc ban đầu.


Nguồn: BCTC 2015 SGO

Nguồn: BCTC 2015 SGO

Bằng việc "bơm" một SGO từ vốn 1 tỷ đồng lên gấp 200 lần rồi "tuồn hàng" ra bán cho các nhà đầu tư. Xem ra dù với giá nào, nhóm cổ đông lớn (HĐQT) SGO cũng đã đạt được mục đích của mình.

Riêng với ông Thạch và bà Hằng, còn nhận được 95 tỷ đồng từ việc chuyển cổ phần của Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh sang cho SGO bằng tiền của người mới.

Theo Hoàng Trung

Người Đồng hành

Trở lên trên