MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của các DNNN phát triển tích cực

Đây là nội dung trong báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo này, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm). Tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng).

Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).

Lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của các DNNN phát triển tích cực - Ảnh 1.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Cụ thể như: TĐ Hóa chất Việt Nam, TĐ Điện lực Việt Nam, TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, TĐ Dầu khí Việt Nam...

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí... là những DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Lũy kế tính đến 31/12/2016 các DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.

Bên cạnh nhiều tồn tại, hạn chế, báo cáo thẩm tra của Quốc hội cũng ghi nhận nhiều kết quả nổi bật mà DNNN đã đạt được.

Hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng. Tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh bởi khủng hoảng tài chính (2008-2012), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2016), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) nộp NSNN 131.400 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2016),…

Hiệu suất sinh lợi trên doanh thu của DNNN năm 2015 đạt 5,6%, gần bằng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (5,8% năm 2015) và cao hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm (1,9% năm 2015) .

Lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của các DNNN phát triển tích cực - Ảnh 2.

DNNN có hiệu suất sử dụng lao động đạt cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp và có xu hướng tăng lên trong cả giai đoạn, từ 17,3 lần năm 2000 lên 18 lần năm 2015. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng giảm dần hiệu suất sử dụng lao động, từ 23,8 lần năm 2000 xuống còn 14,2 lần năm 2015. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hiệu suất sử dụng lao động thấp nhất, giảm từ 18,7 lần năm 2000 xuống 12,4 lần năm 2016.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên