MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu giá nhà tái định cư: Có lặp lại vết xe đổ?

22-10-2018 - 09:37 AM | Bất động sản

Cách đây vài năm, TPHCM tiên phong trong việc đấu giá nhà tái định cư để giải quyết tình trạng bỏ hoang hàng nghìn căn hộ nhưng… thất bại. Nay, Hà Nội lại đề xuất xin bán đấu giá những căn hộ tái định cư không có người ở. Các chuyên gia cảnh báo khả năng lặp lại “vết xe đổ”.

Nhà xây xong nhưng dân không nhận

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn Thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, đồng thời cũng chưa nộp tiền và nhận nhà. Cụ thể, theo thông báo danh sách gồm: 44 hộ ở nhà N01 - 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 - 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.

Một lãnh đạo Phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, đối với trường hợp nhà tái định cư bỏ trống vì chưa có phương án sử dụng, bố trí cho người dân chỉ chiếm số lượng rất ít, với khoảng 76 căn. Số còn lại tập trung vào trường hợp căn hộ nhà tái định cư bỏ trống do người dân không đến nhận nhà.

“Đây là trường hợp thành phố đã có quyết định bố trí về ở cho hộ cụ thể nhưng người dân lại chưa đến nộp tiền và chưa nhận nhà. Số trường hợp này hiện có số lượng khá lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà tái định cư, Sở có đề xuất thu hồi các căn hộ này sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn” - vị cán bộ cho hay.

Liên quan đến giá bán các căn hộ này, vị cán bộ cho biết, Sở đang nghiên cứu để có mức giá hợp lý. Cũng theo vị cán bộ này, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân được phân nhà tái định cư trì hoãn để rao bán, hưởng chênh lệch.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc khi xây dựng mà người dân không nhận, không đến ở tức là có vấn đề về mặt tổ chức có thể do quy hoạch, giá cả, chất lượng… Bởi dân tất nhiên họ phải cần nhà ở. Chưa kể đến để quá lâu mà không tổ chức xử lý cũng là lỗi của cơ quan quản lý.

Đấu giá theo thị trường không khả thi

Trước đó, TP.HCM cũng đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư nhưng không doanh nghiệp nào vào mua.

Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc chia sẻ,  sở dĩ việc đấu giá không thành công bởi  chủ trương của TPHCM là bán (đấu giá) theo giá thị trường. Nếu đã là giá thị trường thì chỉ có người mua để ở là hợp lý. Còn doanh nghiệp mua theo giá thị trường, sau đó bán lại giá thị trường nữa thì còn lời gì mà mua. Do đó, thành phố muốn bán số căn hộ tái định cư này phải có chính sách bán sỉ như thế nào cho hợp lý.

“ Hiện nay thông tin về đấu giá căn hộ tái định cư vẫn chưa rõ ràng, thực tế không có một kênh nào thông tin công khai, minh bạch. Do đó, nếu muốn đấu giá được, TP cần phải mở thầu, thông tin công khai, rộng rãi để người dân, doanh nghiệp tham gia chứ không phải mù mờ như lâu nay”, vị này nói.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng: Nhà nước có quan điểm không đúng về nhà tái định cư bởi chỗ ở không chỉ là nơi ở mà liên quan đến vấn đề mưu sinh, học hành của con cái, khám chữa bệnh của người dân… Khi lấy đất trong nội thành làm dự án cao cấp, chuyển dân đến tái định cư ở xa cho đất rẻ khiến người dân phản đối không chịu nhận nhà vì điều kiện sống không đảm bảo.

Theo TS. Liêm, việc đem đấu giá nhà tái định cư hoặc chuyển sang nhà thương mại là vô cùng khó khăn trong bối cảnh các chính sách liên quan còn chưa rõ ràng. Do đó, đối với những dự án nhà đã xây rồi cần chuyển thành nhà ở xã hội để người dân gần đó, cán bộ công chức, người dân khó khăn về nhà ở họ mua hoặc thuê giá rẻ.

“Quỹ nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, trong khi quỹ nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng này cũng khan hiếm. Do vậy giải pháp hiện nay là chuyển số nhà tái định cư không dùng đến làm nhà ở xã hội cho người dân là khả thi nhất, vừa giúp an dân vừa giúp giảm lãng phí”, TS Liêm phân tích.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Một nghịch cảnh đang diễn ra ở Hà Nội đó là nhu cầu tái định cư bằng nhà ở rất cao nhưng lại có không ít nhà tái định cư chưa có người ở. Nguyên nhân là chất lượng nhà ở thấp; một số khu nhà có vị trí xa trung tâm thành phố, xa nơi ở cũ... nên người dân không “mặn mà”. Trong mọi trường hợp, việc xây dựng nhà tái định cư phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng theo luật định.


Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên