MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Davos vẫn gọi tên Tổng thống Donald Trump

23-01-2019 - 07:50 AM | Tài chính quốc tế

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, căng thẳng chính trị, chiến tranh thương mại, Brexit... là những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Khai mạc ở Davos - Thụy Sĩ hôm 22-1 (giờ địa phương) với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chào đón khoảng 3.000 quan chức chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Dự báo ảm đạm

Sự tề tựu đông đảo này sớm bị phủ bóng bởi những dự báo bi quan được rút ra từ cuộc khảo sát của Tập đoàn Kiểm toán PwC (Anh) trước thềm WEF. Theo kết quả khảo sát gần 1.400 giám đốc điều hành (CEO) trên thế giới, khoảng 29% cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong 12 tháng tới. Đây là tỉ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2012 và cao gấp 6 lần so với năm ngoái.

Sự thay đổi rõ rệt nhất diễn ra ở Mỹ, nơi tỉ lệ CEO lạc quan giảm từ 63% trong năm 2018 còn 37% trong bối cảnh suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông Bob Moritz, Chủ tịch PwC toàn cầu, nhận định: "Đó là một sự đảo ngược hoàn toàn so với năm ngoái và tâm trạng u ám bao trùm mọi nơi trên thế giới. Với tình trạng gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, không có gì khó hiểu khi sự lạc quan giảm sút".

Ảnh hưởng từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nằm trong số lo ngại hàng đầu, tiếp theo đó là các vấn đề như tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút, căng thẳng chính trị, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)...

Theo Reuters, trước nguy cơ Mỹ tăng thuế lên 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vào ngày 2-3 tới nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược hoạt động. Cũng trong cuộc khảo sát, chỉ có 17% CEO Trung Quốc xem Mỹ là thị trường nước ngoài quan trọng nhất, giảm từ mức 59% trong năm 2018. Khảo sát đồng thời nhấn mạnh xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc "án binh bất động" và tập trung thị trường nội địa thay vì mở rộng ra nước ngoài.

Davos vẫn gọi tên Tổng thống Donald Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer (trái) phát biểu bên cạnh nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab tại hội nghị ở Davos hôm 22-1 Ảnh: REUTERS

Trung Quốc chưa thay được Mỹ

Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là người có bài phát biểu khai mạc tại diễn đàn kéo dài 4 ngày, thế chỗ người đồng cấp Mỹ Donald Trump - hủy chuyến đi vì chính phủ đóng cửa một phần. WEF năm nay cũng vắng bóng Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì những khủng hoảng trong nước.

Theo đài CNBC (Mỹ), ngay cả khi ở nhà, tổng thống Mỹ vẫn là tâm điểm chính của sự kiện thường niên này bởi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, nghi vấn rút Mỹ khỏi NATO... chắc chắn tiếp tục được bàn luận. "Sự vắng mặt của phái đoàn Mỹ tại Davos phản ánh chính xác các vấn đề toàn cầu trong năm qua" - bà Cailin Birch, nhà kinh tế toàn cầu tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (Anh), nhận định hôm 21-1.

Dù ông Trump vấp phải nhiều chỉ trích nhưng theo tờ Financial Times (Anh), Trung Quốc khó lòng trở thành "nhà vô địch của chủ nghĩa quốc tế" như họ mong muốn. Hai năm trước cũng tại diễn đàn ở Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tự định hình mình là người bảo vệ toàn cầu hóa, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp mở cửa kinh tế để làm giàu cho nước này lẫn thế giới.

Thế nhưng, giờ đây, ông Tập lại thắt chặt kiểm soát đối với thị trường và khiến một loạt công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, khó hoạt động hơn tại Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tăng cường khống chế lĩnh vực công nghệ vốn đang tăng trưởng mạnh. Thay vì cải cách hơn nữa, Trung Quốc tiếp tục ưu ái các tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, hỗ trợ các dự án xây dựng không cần thiết, nới lỏng tín dụng...


Theo Xuân Mai

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên