MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do quan trọng nhất khiến việc gộp 2 cái Tết là chuyện không tưởng

Năm nào cũng tranh cãi việc gộp 2 cái Tết hay bỏ Tết cổ truyền nhưng lý do về mặt kinh doanh sẽ khiến cho mọi lý luận của việc gộp chung trở nên vô nghĩa bởi: “Không ai muốn đập nồi cơm của mình”.

Trong khi cư dân mạng chia sẻ rầm rầm các lý do về bỏ Tết cổ truyền hoặc gộp 2 cái Tết với nhiều lý luận, ông Trần Vũ Hoài, một doanh nhân nhưng đồng thời cũng là một “người làm thuê” nổi tiếng chia sẻ một nguyên nhân thuần túy mang tính kinh doanh trên trang cá nhân.

Ông Hoài viết: “Ở công ty tôi làm thuê, đến hết ngày 30/12 anh em sales vẫn còn lặn lội đến khuya để cố gắng chốt target. Cả công ty nghe tin đạt số, mừng lắm luôn, thiếu nước ôm nhau hát múa, vì thế có nghĩa là Tết sẽ vui! Ăn theo Tây, chắc gần 1.000 anh em mất Tết.

Công ty bà xã tôi SME (công ty vừa và nhỏ -pv) thôi, tháng nào cũng xuất, Tây nó đi nghỉ Noel và New Year nhưng container nó vẫn bắt giao vì đó là lúc xuất khẩu cho mùa new arrival của nó! Vì vậy, theo Tây hay theo Ta nó là tương đối…”.

Doanh nhân này nhận xét về các “cư dân mạng” phản đối Tết cổ truyền: “Các ông các bà nghĩ tới người lao động chút đi. Cái giả định tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 ..... tháng 3 .... nó chỉ còn trong ca dao thôi!”.

Trên thực tế, lý do về mặt kinh tế mà ông Trần Vũ Hoài nêu ra cũng là điều mà rất nhiều doanh nghiệp khác không nói ra. Tết đến là dịp hàng hóa được tiêu thụ rất mạnh, các dịch vụ cũng đua nhau hốt bạc. Các mặt hàng phục vụ Tết cổ truyền như bánh, kẹo, đồ uống, quần áo rồi đến các loại hàng hóa lâu bền như đồ điện tử, đồ gỗ… cũng đều tăng doanh số rất cao

Lãnh đạo cấp cao của một công ty hàng tiêu dùng nhanh rất lớn của Việt Nam chia sẻ: “Cư dân mạng cứ bàn ra tán vào chuyện bỏ Tết ta mới gộp vào Tết tây nhưng chẳng mấy người trong số họ thực sự nghĩ: Bỏ đi thì có bao nhiêu tỷ doanh thu bị thiệt hại, bao nhiêu người bị giảm thu nhập, bao nhiêu ngành sản xuất, dịch vụ thường ăn theo Tết bị ảnh hưởng nặng nề? Trong khi đó, việc ăn chơi kéo dài hay lý do khác phản đối Tết cổ truyền chỉ là những người làm hỏng ý nghĩa của Tết gây ra”.

Giám đốc một công ty quảng cáo có tiếng tại TPHCM chia sẻ: “Giờ mà tranh cãi về vụ Tết bị mấy cư dân mạng có tiếng ‘ném đá’ thì ảnh hưởng việc kinh doanh nhưng mà nghe lý luận bỏ hay gộp Tết cổ truyền với Tết dương lịch thì không nhiều người phản đối tự hỏi về yếu tố kinh tế”.

Ông này cho biết, cứ đến cuối năm, nhiều công ty sẽ lên kế hoạch cho quảng cáo từ Tết dương tới Tết âm, kèm theo kế hoạch sản xuất, cung ứng dịch vụ vào những ngày đặc biệt. Hai dịp Tết này cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp chạy doanh thu cuối năm, tăng lợi nhuận. “Tết là nồi cơm của rất, rất nhiều người. Bỏ Tết cổ truyền là nồi cơm bị vỡ. Chẳng ai muốn đập vỡ nồi cơm của mình cả. Tranh cãi trên mạng thì cũng được nhưng làm thật chắc nhiều người quan trọng phải nghĩ rất kỹ chứ không đơn giản. Đụng đến tiền là không đùa được!”, ông này bình luận.

H.Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên