MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là nhóm ngành hấp dẫn được "rót" nhiều tiền thành lập doanh nghiệp nhất trong 11 tháng của năm 2017

Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy là ngành thu hút lượng doanh nghiệp thành lập nhiều nhất trong các nhóm ngành, nghề, tính trong 11 tháng đầu năm 2017.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 11 tháng của năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 140.394 (116.045 doanh nghiệp thành lập mới tăng 14,1% ; 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động). Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế trong 11 tháng theo đó là 2,71 triệu tỷ đồng.

Dữ liệu đăng ký của doanh nghiệp cho thấy lượng doanh nghiệp đăng ký mới tập trung chủ yếu ở các ngành nghề mà đứng đầu là nhóm bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô - xe máy với số doanh nghiệp là 41.627, chiếm 35,9%; Công nghiệp chế biến chế tạo có 14.846 doanh nghiệp, chiếm 12,8%; Xây dựng có 14.695 doanh nghiệp, chiếm 12,7%.

Trong thời gian vừa qua, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy tỏ ra có sự tăng trưởng mạnh khi nằm trong số những ngành có sự gia tăng ở cả 3 chỉ tiêu là số doanh nghiệp, số vốn và số lao động đăng ký.

Tuy nhiên, đây cũng là nhóm ngành dễ bị thị trường khai tử.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy là 8.238 doanh nghiệp, chiếm 39,6%. Cao hơn nhóm xây dựng chỉ chiếm 14,7%, chế biến chế tạo chỉ 12,9%.

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của nhóm ngành này cũng ở vị trí số một với 14.401 doanh nghiệp, chiếm 41,3%, cao hơn rất nhiều so với các nhóm ngành khác. Ví dụ công nghiệp chế biến chế tạo chỉ là 3.981 doanh nghiệp; xây dựng là 4.846 doanh nghiệp....

Cũng trong thời gian này, có 4.146 doanh nghiệp thuộc nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy tuyên bố giải thế, chiếm 38,3%, xếp vị thứ đầu tiên.

Trong thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ của Việt Nam đã đạt được những thứ vị cao trong bản xếp hạng toàn cầu. Cụ thể, theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do hãng tư vấn Mỹ A.T.Kearney thực hiện, thị trường Việt Nam đứng thứ 6, cao hơn các nước đông dân như Indonesia (thứ 8), Thái Lan (thứ 30), Philippines (thứ 18). Điều này chứng minh thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cạnh đó, thu nhập đầu người đang lên của người Việt Nam tạo ra một tầng lớp trung lưu mới khiến cho nhu cầu mua sắm, chi trả cho các phương tiện vốn được xem là xa xỉ như ô tô tại Việt Nam cũng tăng thêm.

Theo bộ phận nghiên cứu FTCR thuộc tờ Thời báo Tài chính Anh, số người tiêu dùng Việt Nam dự định mua ô tô trong thời gian tới gia tăng đáng kể và đang bắt kịp với xu hướng mua sắm ô tô của người tiêu dùng tại các nước láng giềng Đông Nam Á

Theo đó, với số liệu trong 4 năm vừa qua, FTCR nhận thấy sự gia tăng vững về số người tiêu dùng Việt có ý định mua ô tô, cao hơn so với các nước ASEAN khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, tỷ lệ trung bình người tiêu dùng ở thành thị tại các nền kinh tế ASEAN có ý định mua xe ô tô là 1/4. Tại Việt Nam, tỷ trọng trung bình trong năm 2016 và 2017 là trên 15%, tăng so với mức 11,9% năm 2013 và là mức cao nhất trong số 5 nước ASEAN gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên