MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đây là thời điểm doanh nghiệp cần chắt chiu cơ hội”

TS. Võ Trí Thành đưa ra góc nhìn của ông về các cơ hội kinh tế của Việt Nam trong năm nay...

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

Trước thềm hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 9/3 tại Tp.HCM, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành đưa ra góc nhìn của ông về các cơ hội kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Giữ ổn định trong bối cảnh bất định

Theo ông, hiện đang có những kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trong năm 2017?

Thứ nhất là kịch bản cao, đó là môi trường kinh tế thế giới thuận lợi và Việt Nam chấp nhận đánh đổi ít nhiều giữa ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát, tăng trưởng, gắn với tín dụng, đầu tư và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ tài khóa.

Thứ hai là kịch bản thấp, đó là môi trường thế giới không thuận lợi, Việt Nam trong bối cảnh ấy phải quan tâm chặt chẽ hơn tới kinh tế vĩ mô, ví dụ như câu chuyện phải duy trì mức lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn. Về kịch bản trung, thì năm 2017 nền kinh tế Việt Nam ít được dự báo theo kịch bản này.

Tôi muốn nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang phức tạp bởi những vấn đề địa chính trị, chính sách của nhiều nước lớn chưa rõ ràng. Ví dụ như chính sách của chính quyền mới tại Mỹ còn chưa được rõ ràng, trong khi Mỹ vừa là thị trường vừa là nhà đầu tư lớn trên thế giới, cho nên chính sách của nhiều nước cũng sẽ có những phản ứng khác nhau, gây ra sự phức tạp, bất định cho nền kinh tế thế giới nói chung.

Ngay cả châu Âu, ngoài vụ Brexit thì năm tới nhiều nước sẽ tiến hành bầu cử như Pháp, Đức. Một xu hướng thống nhất các nước EU còn lại, hay là một EU ly tán, hiện chưa rõ ràng.

Thứ hai, dù theo kịch bản nào thì kinh tế thế giới vẫn hồi phục khá yếu và không đồng đều. Trong sự phục hồi ấy thì nhiều nước là đối tác quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới đã suy giảm mạnh trong vài năm trở lại đây, thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và được dự báo năm 2017 vẫn sẽ như vậy.

Đây là điều chưa từng có trong chục năm trước đó, và giờ nó có thể chịu thêm ảnh hưởng từ chủ nghĩa bảo hộ, đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó là những rủi ro về tài chính. Đó là do chính sách tiền tệ trái chiều của EU, Nhật Bản với Mỹ. Mỹ thì bắt đầu thắt chặt chính sách, lãi suất tăng, đồng USD tăng giá trong khu EU và Nhật Bản tiếp tục chính sách lỏng. Những rủi ro của hệ thống tài chính thế giới như ở Trung Quốc còn rất cao.

Như vậy, nó làm cho dịch chuyển dòng vốn, đảo chiều dòng vốn ở nhiều nước đang phát triển có thể diễn ra và đối sách về chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ở nhiều quốc gia trở nên phức tạp. Ngoài ra, cũng có những điểm tích cực như là thương mại dịch vụ, tăng trưởng kinh tế Mỹ, những lợi ích có thể đem lại của nhiều ngành và lĩnh vực gắn với công nghệ mới, công nghệ IT.

Với bối cảnh như vậy thì Việt Nam phải chuẩn bị một kịch bản mà ở đó, mối quan hệ thương mại đầu tư với thế giới có thể khó khăn hơn, các chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trở nên phức tạp hơn.

Tôi nghĩ, Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng vừa phải, khoảng 6% trở lên, thì chính sách kinh tế vĩ mô phải ổn định, đủ linh hoạt, đủ cẩn trọng và có vai trò nỗ lực quan trọng trong việc tái cấu trúc, đặc biệt là xử lý những yếu kém của hệ thống tài chính - ngân hàng và cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, chất xúc tác mà Việt Nam có được kết quả khả quan thì phải tiếp tục nỗ lực cải cách bộ máy hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mà theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 là cực kỳ quan trọng. Đó không chỉ là vấn đề thu hút đầu tư hay tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh mà còn là vấn đề lòng tin vào nền kinh tế.

Việt Nam cũng cần nỗ lực cải cách bên trong, để tận dụng tốt nhất những hiệp định thương mại tự do đã có hoặc sắp có hiệu lực.

Tóm lại, theo tôi chúng ta cần chú ý ba điểm: chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, cẩn trọng; công cuộc cải cách, đặc biệt là tái cấu trúc được đẩy mạnh; cải thiện môi trường kinh doanh.

Với từng kịch bản, theo ông, cơ hội kinh doanh nằm ở mức độ nào?

Việt Nam dù đang nằm trong khó khăn như dòng vốn vào ít hơn, thương mại gặp nhiều rào cản, nhưng vẫn có những thế mạnh nhất định. Vì vậy cơ hội kinh doanh, theo tôi sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến trình cải cách.

Thứ nhất, Việt Nam chơi với thế giới thì cải cách không chỉ là để thích hợp với cuộc chơi của thế giới, mà đó còn là yêu cầu nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn bước ngoặt như hiện nay. Như vậy, dù có hay không những sức ép, cam kết bên ngoài thì trong bối cảnh này, Việt Nam càng phải quyết liệt trong cải cách.

Thứ hai, Việt Nam vẫn có nhiều ưu thế nhất định để hấp dẫn, để góp phần vào việc tạo lòng tin với các nhà kinh doanh và nhà đầu tư, như lợi thế về địa chính trị. Dù quan hệ của các nước lớn, quan hệ của thế giới có biến động, thì ý nghĩa địa chính trị của Việt Nam vẫn quan trọng.

Đây không chỉ là một thị trường 93-94 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang nổi lên, mà qua Việt Nam, họ còn có thế kết nối được với nhiều thị trường một cách thuận lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do.

Xu thế thì không thể thay đổi

Ông nghĩ thế nào về thị trường chứng khoán trong năm 2017? Các lĩnh vực đầu tư nào có nhiều tiềm năng nhất?

Nếu nhìn vào chứng khoán thì năm 2016, mức tăng trưởng VN-Index tương đối cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, dù không mong muốn, nhưng chúng ta không thể không tính tới kịch bản có khả năng xảy ra, đó là kinh tế thế giới phục hồi yếu, nhiều rủi ro, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi đó dư địa của chính sách vĩ mô vẫn còn hạn hẹp, tăng trưởng theo phần lớn dự báo chỉ trong khoảng 6%.

Các lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng của Việt Nam hiện là công nghiệp chế biến, bất động sản, tài chính - ngân hàng. Ngay cả nông nghiệp, dù có giá trị gia tăng tương đối thấp, nhưng đến nay, nếu nhìn nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ hình thành cho đến sản phẩm cuối cùng, thì cũng là lĩnh vực tiềm năng.

Ông đề cập nhiều về thị trường bất động sản, vậy liệu tiềm năng từ thị trường này trong năm 2017 cho cả nhà phát triển và nhà đầu tư cá nhân như thế nào?

Từ cuối 2014, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục và chứng kiến sự hứng khởi, sôi động nhất là phân khúc cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Sự sôi động của thị trường bất động sản đem lại ba hiệu ứng tích cực.

Thứ nhất là nó góp phần vào tăng trưởng cao. Thứ hai là góp phần vào việc xử lý các vấn đề của hệ thống tài chính-ngân hàng thuận lợi hơn. Thứ ba là dấu hiệu để tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Nhưng thời điểm này cũng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mà chúng ta cần phải quan tâm hơn để tránh rủi ro, đó là tỷ lệ giao dịch mua đi bán lại, sự lành mạnh của một số dòng tiền vào bất động sản.

Vì vậy các chính sách cũng đã tăng cường giám sát, nhất là với những dòng vốn lớn hoặc khoản cho vay lớn. Sự vênh giữa các phân khúc về cung và cầu. Vì vậy bất động sản vẫn sẽ có tăng trưởng nhưng nhìn một cách tổng thể thì khó có khả năng hứng khởi như 2016.

Về dài hạn thì theo tôi, tiềm năng của thị trường vẫn rất lớn ở những phân khúc như nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch. Các nhà đầu tư lớn hiện nay cũng có xu hướng chuyển sang đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp vẫn cao.

Xét về góc độ xây dựng chính sách, theo ông, kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ gặp những thách thức gì?

Chính sách vĩ mô của Việt Nam vốn đã ít dư địa trong đó có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, nên việc điều hành lại càng trở nên phức tạp hơn.

Đối với chính sách tài khóa, có thể thấy rất rõ là ngân sách thâm hụt cao, nợ công gia tăng và dòng tiền trả nợ ngày càng lớn, nên việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng là không nhiều.

Về chính sách tiền tệ thì hiện nay phải cân đối quá nhiều mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương đối thấp, dưới 5%, cân đối giữa việc duy trì lãi suất với tỷ giá tăng, giảm thiểu nợ xấu, hỗ trợ cho chính sách tài khóa.

Vì vậy, Chính phủ cần phải cải cách. Thứ nhất là cải cách bộ máy Nhà nước minh bạch, chuyên nghiệp, kiến tạo. Thứ hai là cái cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thực thi tốt Nghị quyết 19 và 35 để đảm bảo trong thời gian nhất định, môi trường Việt Nam sẽ được xem như là thông lệ tốt trong ASEAN. Thứ ba là đẩy mạnh tái cấu trúc, đặc biệt là hệ thống tài chính-ngân hàng.

Nếu có lời khuyên với các chủ doanh nghiệp tại Việt Nam - bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - về bước đi định hướng trong năm 2017, ông sẽ nói gì?

Đây là thời điểm doanh nghiệp cần chắt chiu cơ hội, nắm bắt được xu thế vận động. Những khó khăn có thể ngắn hạn nhưng xu thế thì không thể thay đổi được.

Theo Ngọc Lan

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên