MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Sáng 5/1, báo cáo trước Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quan điểm về tổ chức không gian phát triển trong thời kỳ tới là phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về định hướng phân vùng và liên kết vùng, dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia đề xuất tiếp tục tổ chức không gian phát triển đất nước thành sáu vùng kinh tế - xã hội; đồng thời xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để triển khai thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Về định hướng phát triển của các loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, dự thảo đề ra yêu cầu là hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam - Ảnh 2.

Quy hoạch tổng thể quốc gia yêu cầu đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Với đường sắt, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam , trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hoà - Vũng Tàu.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về cảng biển, nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực như Vân Đồn, Cát Bi, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc… Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 92-95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Ngoài ra, trên cơ sở định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia yêu cầu nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sân bay chuyên dùng gắn với các vùng sản xuất, trung tâm du lịch quy mô lớn; tận dụng, phục hồi các sân bay cũ, sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng.

Theo Văn Kiên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên