MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH nói thẳng với Bộ trưởng Nông nghiệp về “phân bón giả” Thuận Phong

09-06-2018 - 17:49 PM | Thị trường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có tới 735 cơ sở sản xuất phân bón, đăng ký công suất tới 29 triệu tấn, 20.000 đầu tên phân bón. Sự vô lối và mất trật tự ghê gớm đến mức như thế, đến 90% là vô cơ, chỉ có 10% là hữu cơ.

Dự thảo Luật Trồng trọt được Quốc hội thảo luận vào chiều 08/06, trong đó ban soạn thảo dành hẳn một chương quy định về phân bón.

Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng dự thảo mới chỉ đưa ra khái niệm chung về phân bón, trong khi thực tế phân bón được chia làm nhiều nhóm, nhiều loại.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, chính vì chưa tách bạch rõ ràng nên các quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón, quản lý chất lượng, nhãn, đặt tên trong dự thảo luật còn nhiều quy định chưa phù hợp.

Do vậy, Đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị cần phân loại rõ phân bón như phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ, phân vi sinh,... Trên cơ sở đó có các quy định về sản xuất, kinh doanh cho từng nhóm, loại phân bón cho phù hợp.

ĐBQH nói thẳng với Bộ trưởng Nông nghiệp về “phân bón giả” Thuận Phong - Ảnh 1.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng).

Đối với việc quản lý nhà nước về quy hoạch và sản xuất phân bón, Đại biểu Dung cho rằng đây vẫn là khâu yếu trong những năm qua. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại chưa thấy quy định.

Theo số liệu hiện nay, cả nước có 735 cơ sở sản xuất phân bón, với tổng công suất hơn 29 triệu tấn/năm. Nhưng nhu cầu thực tế chỉ khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại, dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn đến mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ. Về sản xuất, phân bón hữu cơ chỉ chiếm 1/10 so với công suất sản xuất phân vô cơ. Về sử dụng, cũng mất cân đối lớn khi mỗi năm chúng ta sử dụng 11,5 triệu tấn phân vô cơ, còn phân hữu cơ chỉ có 1 triệu tấn/năm.

“Điều này cho thấy phải bổ sung các quy định về quản lý nhà nước trong quy hoạch sản xuất phân bón, quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, có định hướng và khuyến khích sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, chuyển đổi canh tác từ vô cơ sang hữu cơ, nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sạch”.

Trong lĩnh vực quản lý phân bón, câu chuyện Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại Thuận Phong tại Đồng Nai có dấu hiệu làm phân bón giả, được phát hiện suốt hơn 2 năm qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Cũng trong thời gian qua, vụ việc của công ty Thuận Phong vẫn luôn được các ĐBQH nhắc đến mỗi khi có dịp. Góp ý cho dự thảo Luật Trồng trọt, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tỏ ra “quan ngại” về thị trường phân bón.

Theo ông Cương, với công suất sản xuất dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng, cộng với vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, càng khiến thị trường phân bón rơi vào “tình trạng bát nháo”.

ĐBQH nói thẳng với Bộ trưởng Nông nghiệp về “phân bón giả” Thuận Phong - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).


Trước mặt Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói thẳng:

“Một vụ sản xuất phân bón giả mười mươi như công ty Thuận Phong, theo tôi, so với nạn phân bón giả cũng chỉ hơn cái móng tay một chút, nhưng đến nay vẫn thể hiện một sự bất lực.”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Do đó, việc quản lý phân bón nói chung, làm sao để loại bỏ dần, đồng thời chuẩn hóa các loại phân bón cơ bản là rất cần thiết.

“Thưa Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tôi nghĩ Bộ trưởng làm một, hai nhiệm kỳ rồi cũng nghỉ hưu, nhưng tôi mong Bộ trưởng dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực phân bón bởi hiện đang làm thoái hóa hết đất đai, làm bần cùng hóa người nông dân và kéo lùi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Dự thảo luật quy định quản lý điều kiện, quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh phân bón. Các doanh nghiệp phải đăng ký công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường.

Tham gia giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Trồng trọt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận thực trạng “bát nháo” trên thị trường phân bón hiện nay.

“Những vấn đề then chốt hiện nay mang tính chất vừa là yết hầu cần tháo gỡ nhưng vừa là lợi thế, nếu ta tháo được thì thúc đẩy nông nghiệp tiếp tục”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. “Gần như là một định đề, nếu không làm được thì nông nghiệp Việt Nam không thể phát triển được. Vấn đề này cần làm sâu sắc hơn”.

ĐBQH nói thẳng với Bộ trưởng Nông nghiệp về “phân bón giả” Thuận Phong - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.


“Trước vấn đề rất thách thức hiện nay, có tới 735 cơ sở sản xuất phân bón, đăng ký công suất tới 29 triệu tấn, 20.000 đầu tên phân bón. Sự vô lối và mất trật tự ghê gớm đến mức như thế, đến 90% là vô cơ, chỉ có 10% là hữu cơ. Trong tổng số 11 triệu tấn sản xuất chỉ có 1 triệu tấn là hữu cơ, còn lại 10 triệu tấn phân vô cơ. Mặc dù đã có Nghị định 108, kỳ này pháp điển hóa bằng luật để đưa nghị định đó vào, nhưng vẫn phải nhắc lại những vấn đề căn cốt, chúng tôi hoàn toàn đồng tình việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tỏ rõ sự quyết tâm.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong vòng mấy tháng sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận trách nhiệm quản lý nhà nước từ Bộ Công Thương đối với lĩnh vực phân bón, cơ quan này đã loại ra được hơn 2.000 sản phẩm phân bón.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thông tin về công tác bảo vệ thực vật hiện nay. Với 20 triệu ha đất canh tác, lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp Việt Nam là 100.000 tấn/năm. Tỷ lệ thuốc hóa học rất lớn, mà thuốc này rất độc, gồm các gốc. Do đó, những nội dung căn cốt này phải thể hiện rõ, biểu hiện quyết tâm cao của cơ quan quản lý, phân rõ chức năng, nhiệm vụ để chúng ta tháo gỡ cho được các nút thắt. Đây cũng là cơ hội tốt khi hoàn thành bộ luật này để xác định là căn cứ pháp lý quan trọng để cả hệ thống chính trị, nhất là cơ quan quản lý và các đối tượng tham gia tổ chức thực hiện ngành hàng này phải thực hiện.

Theo Nguyễn Tuân

Infonet

Trở lên trên