MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Theo tính toán, mỗi tháng Việt Nam phải tiết kiệm từ 21.000 - 27.000 tỷ đồng và sẽ phải vay để trả nợ

Trong năm 2019, đỉnh điểm là năm 2020, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn.

Phát biểu tại Quốc hội, ông Trần Tất Thế - ĐBQH Hà Nam cho biết, trong năm 2018, chúng ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây đạt 7,08%. Thu ngân sách vượt 8% so với dự toán. Bội chi ngân sách giảm, cân đối ngân sách có những bước chuyển biến tích cực. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng, các khu vực kinh tế phát triển tương đối đồng đều.

Những tháng đầu năm 2019 tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kéo nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, có tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Song, với sự điều hành của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát trong quý I/2019.

Tuy nhiên, ông Trần Tất Thế cho rằng, mặc dù thu ngân sách có tăng, nhưng là tăng do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Đây không phải là những nguồn thu bền vững như thu từ sản xuất kinh doanh. Nếu như trong năm 2018 không khai thác thêm 1,2 triệu thùng dầu để bù vào thì tăng trưởng không thể đạt chỉ tiêu đề ra với mức 7,08%.

Mặt khác, trong năm 2019, đỉnh điểm là năm 2020, chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Theo tính toán, mỗi tháng phải tiết kiệm từ 21.000 - 27.000 tỷ đồng để trả nợ. Với tình hình này, chúng ta sẽ phải vay để trả nợ. 

Trong lĩnh vực kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại có tăng so với những năm trước. Nhưng số doanh nghiệp phá sản và dừng hoạt động vẫn còn là con số lớn. Chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta trong năm 2019 sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn. 

Với những thuận lợi và khó khăn như báo cáo Chính phủ và các ĐBQH nêu lên, ông Trần Tất Thế đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét cụ thể những giải pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề trên. 

Thứ nhất, về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế thì kết quả của việc cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế thực chất. Nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý, không phải là cắt giảm thực sự nên mức độ cải thiện môi trường kinh doanh chỉ đạt khoảng từ 45-50% so với trước kia.

Nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn còn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại. Vì có những điều kiện kinh doanh đang được ẩn dưới cụm từ "thực hiện theo quy định của bộ quản lý" hoặc nhập nhiều thủ tục, điều kiện vào làm một.

Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp sẽ khó có thể đạt được nếu các doanh nghiệp, cá thể không mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp do thủ tục phiền hà, phức tạp. Ông Trần Tất Thế đề nghị chính phủ tạo điều kiện quyết liệt hơn nữa, chuyển đổi cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, xóa bỏ căn bản việc một mặt hàng chịu sử quản lý của hơn một cơ quan. Năm 2019, giảm ít nhất 5% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, yêu cầu các bộ ngành kết hợp theo cơ chế một cửa.

Thứ hai, trong hơn 30 năm trở lại đây, số đơn vị hành chính cấp huyện tăng 282 đơn vị, cấp xã tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã, con số này giữ nguyên cho đến nay. Vì vậy chủ trương sát nhập đơn vị hành chính, cải cách bộ máy để tiết kiệm ngân sách cho đầu tư phát triển là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá.

Đại đa số nhân dân đồng tình chủ trương này nhưng sát nhập rồi lại bộc lộ một vài khó khăn vướng mắc. Sau khi sát nhập, quy mô tổ chức Đảng và dân số tăng nhưng chế độ phu cấp cho cán bộ vẫn giữ nguyên như trước đây là không hợp lý. Ông Thế đề xuất, các cấp có thẩm quyền nên phân loại xóm theo quy mô dân số để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp. Hơn nữa, quy mô dân số tăng thì các thiết chế văn hóa cũ sẽ không còn phù hợp nữa, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn nên cần có cơ chế phát huy cơ sở vật chất.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên