MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề cao tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước, tự tin sức khỏe hệ thống

12-08-2018 - 14:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ xác định "chiến lược phát triển" ngân hàng, chứ không phải "tái cơ cấu" như gần chục năm qua...

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những thông điệp đáng chú ý.

Trong gần chục năm trở lại đây, bao trùm hoạt động hệ thống ngân hàng Việt Nam là yêu cầu tái cơ cấu, tự tái cơ cấu và bắt buộc tái cơ cấu…

Với quyết định trên, có thể nói giai đoạn lịch sử ngành ngân hàng bắt đầu sang trang mới, định hình chiến lược phát triển.

Đề cao vai trò và tính độc lập

Tầm quan trọng của hệ thống được Chính phủ nêu rõ trong chiến lược trên: hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.

Cùng đó, ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và phải được đảm bảo bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Chính phủ xác định, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đóng vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường.

"Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước. Hệ thống các tổ chức tín dụng, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm", Chính phủ nhấn mạnh quan điểm trong chiến lược trên.

Đáng chú ý, quyết định trên cũng đề cập đến vấn đề được thị trường quan tâm trong suốt những năm qua: tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước.

Ở điểm này, Chính phủ đặt mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Là cơ quan trực thuộc Chính phủ, nhưng có thể thấy Ngân hàng Nhà nước có những bước đi chủ động và tương đối độc lập trong một số bước đi những năm gần đây.

Điển hình như ở chính sách điều tiết tín dụng. Năm 2017, Chính phủ nhiều lần định hướng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21-22% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kìm lại ở chỉ tiêu này.

Và năm 2018, dự kiến nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng ở mức tăng trưởng thấp hơn, nhằm giảm thiểu áp lực đối với lạm phát trong tương lai.

Hay ở định hướng chính sách ứng xử với vàng và ngoại tệ. Năm 2017 Chính phủ cũng nhiều lần đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu huy động vàng và ngoại tệ trong dân cư, tuy nhiên cơ quan này vẫn nhất quán quan điểm chuyển hóa nguồn lực thay vì huy động - cho vay như thông thường.

Đến nay Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những kết quả lớn ở lựa chọn nhất quán đó. Thị trường vàng đã được kiểm soát và ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia liên tục gia tăng mạnh mà trong đó có đóng góp lớn từ nguồn lực ngoại tệ chuyển đổi trong dân cư…

Tự tin hơn với sức khỏe hệ thống

Theo nội dung cụ thể, chiến lược phát triển mà Chính phủ đề ra cho thấy triển vọng sức khỏe hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiến lên một cấp độ mới, tự tin và cao hơn.

Trước hết, ở mục tiêu xử lý nợ xấu, Chính phủ đã xác định giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% trong hai năm tới. Với mục tiêu này, mức độ dưới 3% của nợ xấu sẽ trở nên thực chất và được xử lý triệt để, sau nhiều năm sống chung với hai con số và hai cấp độ.

Ở mục tiêu khác, cũng trong hai năm nữa, Chính phủ định hướng phấn đấu các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel 2.

Đây đang là thử thách lớn của phần lớn hệ thống, trong đó áp lực tăng vốn đã thể hiện rõ ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước suốt ba năm nay. Còn khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, sau quá trình tái cơ cấu đã cho thấy sự trở lại mạnh mẽ, đặc biệt ở những thương vụ bán vốn thành công quy mô lớn cho nước ngoài trong năm 2017 và 2018.

Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu niêm yết trên, các ngân hàng Việt Nam thực hiện trước hết phải thực sự tự tin, áp dụng được các chuẩn mực kế toán quốc tế để đáp ứng các điều kiện tại các thị trường lớn có những hàng rào kỹ thuật cao hơn.

Mặt khác, niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài, nới "room" tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam cũng là một điểm liên quan, để tạo hấp dẫn và tăng sức hút. Nhưng điểm này trong nhiều năm qua cho đến nay chưa từng thay đổi, giới hạn vẫn đang là 30% vốn điều lệ.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên