MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đe doạ sẽ đáp trả quyết liệt đối với những động thái của Mỹ, nhưng Trung Quốc đã cạn kiệt vũ khí và có thể sẽ lún sâu vào "vũng bùn" khủng hoảng của nền kinh tế mới nổi

23-11-2019 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

Tuyên bố sẽ không "ngồi yên" nếu Mỹ can thiệp vào vấn đề Hồng Kông. Tuy nhiên, hiện tại, "kho đạn dược" của Bắc Kinh đang rất hạn chế, vì hầu hết đã được sử dụng trong chiến tranh thương mại.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Noah Smith. Ông là tay viết quen thuộc của Bloomberg Opinion, hiện là trợ giảng cho giáo sư ngành tài chính tại Đại học Stony Brook.

Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn nhưng lại khá mơ hồ rằng họ sẽ đáp trả nếu Mỹ thông qua một dự luật - trong đó có yêu cầu Nhà Trắng bảo vệ nhân quyền và đảm bảo quyền tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, "kho đạn dược" của Bắc Kinh hiện đang rất hạn chế. Và hầu hết tất cả những lựa chọn này đều đã được sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Tổng thống Trump.

Cách thức trả đũa rõ ràng nhất của Trung Quốc sẽ làm ngừng mua hàng hoá của Mỹ. Thế nhưng, chính quyền ông Tập đã áp thuế với 135 tỷ USD giá trị hàng hoá từ nền kinh tế lớn nhất thế giới và doanh số bán sản phẩm từ Mỹ sang Trung Quốc đã sụt giảm mạnh.

Theo đó, ngành nông nghiệp Mỹ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Số vụ trang trại phá sản đã tăng 24% trong năm nay và một báo cáo của Liên đoàn Cục Nông nghiệp Mỹ (AFBF) cho thấy gần 40% thu nhập của nông dân trong năm nay sẽ đến từ các khoản thanh toán bảo hiểm hoặc trợ cấp của chính phủ. 

Đe doạ sẽ đáp trả quyết liệt đối với những động thái của Mỹ, nhưng Trung Quốc đã cạn kiệt vũ khí và có thể sẽ lún sâu vào vũng bùn khủng hoảng của nền kinh tế mới nổi - Ảnh 1.

Thay đổi về xuất khẩu từ Trung Quốc đến các tiểu bang của Mỹ (tháng 9/2018 đến tháng 9/2019).

Đây là một thảm hoạ kinh tế đối với rất nhiều nông dân Mỹ và là "nỗi đau đầu" của nhiều nhà xuất khẩu khác. Tuy nhiên, thiệt hại đã hiện rõ. Không có nhiều ý kiến kỳ vọng rằng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ hồi phục kể cả khi chiến tranh thương mại kết thúc vào ngày mai, bởi Bắc Kinh đã tìm thấy những nhà cung ứng khác.

Thậm chí các nhà xuất khẩu Mỹ - những bên vẫn bán hàng tại Trung Quốc, cũng phải thừa nhận rằng những gì đang diễn ra là rất bất ổn. Nếu suy nghĩ thấu đáo, có thể họ đang tìm kiếm thị trường thay thế. Do đó, Trung Quốc không còn nhiều vũ khí để đe doạ trên "mặt trận" thương mại.

Một loại vũ khí lớn trong "kho" của Trung Quốc là đầu tư. Từ trước đến nay, chính phủ nước này là bên nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ rất lớn và chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản. Trong những năm qua, nhiều ý kiến đã lo ngại rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là yếu tố tác động khiến nước này bán tháo toàn bộ lượng trái phiếu đó, khiến hệ thống tài chính và kinh tế Mỹ bị tổn hại.

Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra động thái này đã bị "thổi phồng" quá mức bởi 2 lý do. Đầu tiên, theo những gì đã diễn ra gần đây, chỉ đơn giản là Mỹ không cần đến tiền mặt của chính phủ Trung Quốc. Năm 2015 và 2016, Bắc Kinh đã chứng kiến tình trạng dòng vốn chảy ra mạnh nhất trong lịch sử, với khoảng 1 nghìn tỷ USD tháo chạy khỏi nước này. Do đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm mạnh, hầu hết trong đó là trái phiếu Mỹ.

Đe doạ sẽ đáp trả quyết liệt đối với những động thái của Mỹ, nhưng Trung Quốc đã cạn kiệt vũ khí và có thể sẽ lún sâu vào vũng bùn khủng hoảng của nền kinh tế mới nổi - Ảnh 2.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.

Nếu Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của Bắc Kinh, thì lợi suất trên trái phiếu Mỹ lẽ ra đã tăng lên. Thay vào đó, lợi suất trái phiếu Mỹ lại sụt giảm.

Nếu Trung Quốc cắt giảm 1/4 lượng trái phiếu Mỹ đang nắm giữ và không gây ra sự thay đổi đáng kể trong chi phí đi vay của Mỹ, thì mối đe doạ mà 3/4 còn lại gây ra có thể là không lớn. Cũng như những nền kinh tế phát triển khác, Mỹ chỉ đơn giản là đang ngập chìm trong vốn tài chính.

Đe doạ sẽ đáp trả quyết liệt đối với những động thái của Mỹ, nhưng Trung Quốc đã cạn kiệt vũ khí và có thể sẽ lún sâu vào vũng bùn khủng hoảng của nền kinh tế mới nổi - Ảnh 3.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ.

Sử dụng "kho" dự trữ để trả đũa phản ứng của Mỹ đối với Hồng Kông có thể đặt Trung Quốc vào tình thế nguy hiểm hơn Mỹ. Không có hỗ trợ dự trữ, thì những gì xảy ra vào năm 2015 - 2016 sẽ tái diễn và dẫn đến một cuộc khủng hoảng cơ bản của thị trường mới nổi ở Trung Quốc, khi dòng vốn tháo chạy khiến đồng tiền tệ bị rớt giá đột ngột, hệ thống tài chính sụp đổ và nền kinh tế bất ngờ chững lại.

Vũ khí cuối cùng mà Trung Quốc có thể sử dụng là hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, tay viết của Bloomberg - David Fickling, lưu ý rằng mối đe doạ này cũng chỉ là rất nhỏ. Khi Trung Quốc cắt giảm lượng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản hồi năm 2010 vì mâu thuẫn địa chính trị, Nhật Bản chỉ cần hợp tác với một công ty của Úc để tìm kiếm nguồn cung mới, nhanh chóng "phản đòn" với sự độc quyền của Trung Quốc. Do đó, Mỹ có thể làm thực hiện động thái tương tự. 

Tham khảo Bloomberg

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên