MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để gọi vốn phải có ý tưởng đầu tư độc đáo

Sau thời gian dài tìm cách chinh phục, VN Index đã chính thức vượt mốc 600 điểm trong tuần vừa qua. Bên cạnh đó, việc khối ngoại tiếp tục mua ròng cho thấy diện mạo mới tích cực của TTCK, và điều này là cơ sở để kỳ vọng dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng (ảnh), Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), để huy động được vốn trong giai đoạn hiện nay, cần có thêm nhiều yếu tố khác biệt:

Tôi phải nói một cách thận trọng nếu chúng ta đặt kỳ vọng quá nhiều vào TTCK trong năm 2016 e rằng hơi vội vàng. Mặc dù gặt hái được nhiều thành quả nhưng kinh tế Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức, như làm sao duy trì tăng trưởng, giải quyết nợ xấu như thế nào, cần những biện pháp gì để giảm ICOR (tăng hiệu quả đầu tư)… TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế nên cũng không thể tách rời nền kinh tế, nền kinh tế có rủi ro TTCK cũng phải chấp nhận. Khi trình bày tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Việt Nam, nhiều NĐT đã cân đo các rủi ro khi tham gia thị trường nước ta.

Chúng ta nói TTCK Việt Nam hiện được định giá thấp, nhưng thấp hay cao do bên mua và bên bán quyết định, hoặc nếu đo lường phải xem xét một loạt tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn giá rẻ nhưng thanh khoản thấp chưa chắc đã đúng, nhưng nếu có thanh khoản cao, nhiều người giao dịch thường sẽ có giá đúng nhất. NĐTNN không chỉ nhìn vào Việt Nam mà còn có sự so sánh với các nước trong khu vực.

Sau khi chú ý đến Việt Nam, câu hỏi tiếp theo của họ sẽ là ngành nào hấp dẫn, và trong các ngành đó công ty nào đáng để đầu tư. Nghĩa là phải trải qua một chặng đường rất dài để NĐT từ chỗ chú ý, thấy được Việt Nam hấp dẫn (dù con số này rất lớn), rồi mới tiến đến việc bỏ tiền vào các quỹ. Như vậy, việc huy động vốn theo phương thức trước đây như lập ra một quỹ đóng, sau đó giới thiệu tiềm năng của thị trường chung chung rồi huy động sẽ không còn khả thi, vì dòng tiền hiện nay đã có tính chọn lọc cao hơn rất nhiều.

PV - Vậy theo ông, làm sao để có thể chinh phục được các NĐT đang ngày một khó tính hơn?

Ông Nguyễn Duy Hưng: - Khoảng 10 năm trước, chúng ta có thể huy động một lúc 50 triệu USD cho 1 quỹ đóng, với các tiêu chí đầu tư đã được định sẵn kiểu như đầu tư tăng trưởng, cân bằng… Nhưng hiện nay việc chỉ trong thời gian ngắn huy động được số tiền lớn rất khó lặp lại. Trước tiên, công ty quản lý quỹ phải xây dựng được những ý tưởng đầu tư (concept) độc đáo, có những nét đặc trưng riêng và giới thiệu cho NĐT. Chúng ta có thể ví von đây là hoạt động “bán ý tưởng”.

Ban đầu NĐT chỉ bỏ vào số vốn nhất định, tuy nhiên sẽ có những thỏa thuận bỏ thêm vốn nếu hoạt động hiệu quả, hoặc khi có cơ hội đầu tư thuận lợi, như TTCK diễn biến hiệu quả hoặc xuất hiện những ngành nghề có khả năng tăng trưởng. Với cách làm này, các quỹ (hoạt động theo mô hình quỹ mở) nếu muốn gọi được vốn sẽ phải liên tục vận động, làm mới mình, nỗ lực tìm ra những cơ hội đầu tư, đi trước thị trường. NĐT càng thấy hiệu quả càng yên tâm về việc bỏ vốn và quy mô của quỹ cũng ngày một lớn hơn. Và khi quỹ có thêm tiền lại càng có nhiều cơ hội để tiếp cận các khoản đầu tư tiềm năng và cơ hội sinh lời cũng cao hơn.

Hiện tại, tổng giá trị tài sản của SSIAM vào khoảng 6.200 tỷ đồng, trong đó có khoảng 4.000 tỷ đồng là vốn của NĐTNN và con số vẫn tăng lên theo từng ngày. Để đạt được điều này, SSIAM đã kết hợp với 1 thành viên của Tập đoàn Daiwa (Nhật Bản) hoạt động trong ngành quản lý quỹ để liên tục giới thiệu với NĐT châu Âu, Á các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

- Theo ông, đâu sẽ là những ngành có thể tăng trưởng tốt cũng như thu hút vốn đầu tư trong thời gian sắp tới?

- Hạ tầng là một trong những ngành NĐTNN quan tâm và SSIAM cũng đang tích cực giới thiệu cơ hội đầu tư cho họ. Sắp tới đây cơ sở hạ tầng sẽ không được hưởng nhiều vốn ODA nữa, nhưng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn rất cao, vì đây là ngành duy trì được tăng trưởng cho nền kinh tế. Khi không còn nhiều vốn ODA sẽ phải dùng đến vốn tư nhân. Xu hướng này sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư tốt hơn, gián tiếp giúp ICOR giảm xuống. Hiện nay 90% dân số Việt Nam có liên quan đến ngành nông nghiệp, việc đầu tư vào ngành này không chỉ mang lại hiệu quả, lợi nhuận mà còn đem lại lợi ích xã hội, an dân, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển ổn định. Xu hướng tiêu dùng và thực trạng về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng thị trường tài chính tách bạch với thị trường tiền tệ và song hành phát triển thay vì lệ thuộc là rất cấp thiết. Hiện nay, nhu cầu vốn tập trung quá lớn về thị trường tiền tệ, kể cả mua CK cũng phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Chính vì vậy, chỉ cần xuất hiện Thông tư 36 là thị trường chao đảo, thậm chí là tin đồn về việc lãnh đạo ngân hàng bị bắt cũng có thể khiến TTCK bị dao động. Nếu thị trường tài chính đủ sức cạnh tranh với thị trường tiền tệ, trở thành kênh để cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp trong ngành cũng phát triển tương ứng. Đây là mô hình phổ biến tại nhiều quốc gia. Với Việt Nam, để hội nhập sâu rộng cũng phải xây dựng mô hình này.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thái Ca

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên