MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này

02-09-2018 - 11:08 AM | Tài chính quốc tế

Đôi khi đằng sau sự hào nhoáng của những bộ cánh thời thượng là những điều bí mật khiến người ta phải giật mình. Một trong số đó chính là môi trường làm việc cực kỳ độc hại mà những người công nhân dệt may phải chịu đựng. Đi cùng với đó là chế độ đãi ngộ tồi tệ cùng những quy định “không giống ai” của công việc.

Mức lương tối thiểu không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt

Có lẽ điều gây sốc nhất chính là việc mức lương thấp đến mức "khó tin" mà các nhà máy sản xuất đồ thời trang trả cho công nhân. Theo khảo sát từ 300 công nhân đang làm việc tại các xưởng dệt may ở 10 quốc gia Đông Âu cũ, tỉ lệ lương trên mức trung bình thu nhập đang ở mức cực kỳ thấp: Chỉ 14% ở Bulgaria hay U-crai-na cho đến 36% đối với Croatia. Riêng với các quốc gia đang phát triển với lượng nhân công dồi dào như Bangladesh, Pakistan, tình trạng này còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này - Ảnh 1.

Có lẽ điều gây sốc nhất chính là việc mức lương mà các nhà máy sản xuất đồ thời trang trả cho công nhân thậm chí còn chưa đủ để họ có một cuộc sống tạm bợ.

Christa Luginbühl, một trong những tác giả của khảo sát trên, đã nhận xét như sau: "Nghiên cứu này chỉ ra một tình trạng nhức nhối rằng công nhân dệt may tại Châu Âu phải làm việc hàng chục tiếng đồng hồ chỉ để kiếm được đồng lương ít ỏi không đủ để chi trả những nhu cầu thiết yếu nhất. Những chuỗi cung ứng phức tạp và thiếu minh bạch không phải là lý do bào chữa cho việc cắt giảm tiền lương của người lao động một cách khủng khiếp như vậy. Khi mà những thương hiệu thời trang phổ thông như H&M hay Zara đang ghi nhận mức lợi nhuận liên tục tăng cao kể cả giai đoạn khủng hoảng thì điều kiện làm việc tại các xưởng dệt may ngày càng có dấu hiệu đi xuống".

Nhắc đến môi trường làm việc độc hại của người lao động ngành dệt may, có lẽ không ai rõ hơn ngoài chính những công nhân ở các quốc gia đang phát triển. Những người này vẫn phải đánh đổi sức khỏe của mình hàng ngày với mong muốn cải thiện đời sống vật chất nghèo nàn của bản thân.

Lao động trẻ em, bóc lột sức lao động và thậm chí là nạn quấy rối tình dục

Vào một ngày năm 2013, tòa nhà Rana Plaza cao 8 tầng ở thành phố Dhaka, Bangladesh bỗng chốc đổ sập xuống, chôn vùi 1.136 công nhân dệt may xấu số đang làm việc ở trong đó. Thảm kịch này gây chấn động công chúng thời điểm đó, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường làm việc hết sức tồi tệ mà người lao động nghèo tại quốc gia Nam Á này đang phải chịu đựng. Và dần dần người ta mới nhận ra rằng, không chỉ có Bangladesh mà tất cả các quốc gia đang phát triển, nơi các tập đoàn xuyên quốc gia đặt nhà máy dệt may tại đó đều chịu chung cảnh ngộ như vậy.

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này - Ảnh 2.

Vào một ngày năm 2013, tòa nhà Rana Plaza cao 8 tầng ở thành phố Dhaka, Bangladesh bỗng chốc đổ sập xuống, chôn vùi 1.136 công nhân dệt may xấu số đang làm việc ở trong đó.

Những năm trở lại đây, nhiều nơi tại Đông Nam Á bỗng chốc trở thành trung tâm công nghiệp thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may. Tại Cam-pu-chia, quốc gia này luôn nằm trong tâm điểm và là lựa chọn hàng đầu của nhiều tập đoàn khi đặt nhà máy sản xuất tại đây. Cũng kể từ đó, nhiều cuộc biểu tình bãi công đã bùng phát mạnh. Và để thay thế dần, người ta liền chuyển hướng sang Myanmar hay Indonesia, những quốc gia được coi như là "đất nước Bangladesh mới".

Đã từng có báo cáo được viết về tình trạng ngất xỉu hàng loạt xảy ra tại những xưởng dệt áo len tại Cam-pu-chia, còn ở Myanmar nhà chức trách đang tổ chức điều tra những cáo buộc về tình trạng xâm phạm nghiêm trọng quyền con người tại đây. Tuy mức lương đã được tăng lên một chút, nhưng điều kiện làm việc tồi tệ, bóc lột sức lao động của trẻ em, quỵt tiền làm vẫn diễn ra đều đặn và chưa có dấu hiệu được ngăn chặn. Chỉ mới đây thôi, một vụ án mạng nghiêm trọng với nạn nhân là một công nhân dệt may đã dấy lên những lo ngại về sự an toàn của các nữ công nhân đang làm việc tại các xưởng may tại Myanmar. Chính phủ đang điều tra và sẽ hứa sẽ thay đổi luật nếu cần thiết.

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này - Ảnh 3.

Đã từng có báo cáo được viết về tình trạng ngất xỉu hàng loạt xảy ra tại những xưởng dệt áo len tại Cam-pu-chia

Mặc dù phụ nữ là lực lượng lao động chiếm phần lớn trong ngành công nghiệp dệt may, họ chỉ giữ những vị trí hết sức thấp kém với mức lương bèo bọt và hiếm khi có cơ hội được thăng tiến. Nhiều bài báo đã chỉ ra rằng, cuộc sống của họ bị đảo lộn vì nhiều vụ quấy rối tình dục ngay tại nơi làm việc và văn hóa độc hại nơi nhà máy hoạt động.

Một số cáo buộc cho rằng, tại một số xưởng may ở Myanmar các công nhân nữ phải khai báo các triệu chứng của thai kỳ: nếu bị phát hiện có thai công nhân có thể sẽ bị mất việc làm. Lý do cho việc này rất đơn giản: công ty không muốn việc sinh nở ảnh hưởng đến dây truyền sản xuất. Ngoài ra, chi phí nghỉ sinh 98 ngày dành cho phụ nữ mang thai sẽ là một khoảng tốn kém lớn.

Kể cả việc di chuyển đến nơi làm cũng là một sự khó nhọc. Do các nhà máy thường được bố trí gần các trung tâm đô thị lớn nên để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường, những nữ công nhân bắt buộc phải di chuyển từ vùng ngoại ô từ sáng sớm và về nhà khi trời đã tối muộn. Điều này dấy lên nguy cơ bị quấy rối nơi công cộng, đặc biệt khi tan tầm vào buổi tối.

Một nữ công nhân từng chia sẻ với đài ABC về việc cô bị nhóm xã hội đen bắt cóc nhưng lại không dám đứng ra báo cảnh sát bởi nỗi lo bị mất việc: "Tôi đã kể chuyện này với những đồng nghiệp khác. Họ đồng cảm với tôi và nói lại với kíp trưởng và quản đốc. Chúng tôi tha thiết đề nghị với họ rằng, chúng tôi không muốn đi làm về khuya nữa bởi nó thực sự rất nguy hiểm. Đó luôn là điều chúng tôi mong mỏi nhưng chưa bao giờ thành hiện thực."

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này - Ảnh 4.

Phong trào biểu tình đòi nâng cao chất lượng điều kiện làm việc tại các xưởng may tại Bangladesh diễn ra tương đối phổ biến, nhất là kể từ sau vụ sập tòa nhà Rana Plaza

Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ở Cam-pu-chia, giám đốc xưởng dệt bỏ trốn không một dấu vết khi công việc gặp khó khăn, để lại hàng ngàn công nhân không nơi nương tựa. Đồng nghiệp của họ ở Indonesia cũng không khá khẩm hơn là bao, khi liên tục phải chạy đi chạy lại đòi lấy tiền bồi thường khi bị cho nghỉ hưu sớm. Nhiều bài báo còn đưa tin rằng, ở Ấn Độ, công nhân được ưu đãi cấp nhà ở trong các khu trọ của nhà máy, nhưng điều lạ kì ở chỗ họ không được phép rời khỏi đi trong suốt thời gian làm việc.

Dưới sức ép từ cộng đồng, nhất là sau những vụ việc thảm khốc như thảm họa Rana Plaza, các doanh nghiệp bắt đầu có động thái chăm chút hơn tới điều kiện làm việc của công viên. Chính quyền Bangladesh đã áp dụng quy định thắt chặt an toàn nơi nhà xưởng, tổ chức các lớp đào tạo kĩ năng cho công nhân cũng như nâng cao tay nghề của họ, từ đó đẩy mức lương tối thiểu lên. Nhiều tòa nhà đã được rà soát lại và sẵn sàng bị đóng cửa nếu như thiếu an toàn nhằm tránh thảm họa Rana Plaza tái diễn. Dù chính quyền đang cố gắng nâng cao chất lượng làm việc của công nhân dệt may – ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất tại quốc gia này, người ta vẫn tin rằng, đó hoàn toàn chỉ là vì mục đích lợi nhuận thay vì quan tâm thực sự tới quyền lợi người lao động.

Làm gì đến ngăn chặn những sự việc như thế này tiếp tục tái diễn?

Như đã nói ở trên, chính thảm họa Rana Plaza đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, khiến các điều kiện làm việc được nâng cao và thắt chặt hơn. Mức lương cơ bản tăng lên cùng các cơ hội nghề nghiệp thuận lợi hơn tạo điều kiện cho người công nhân được cải thiện đời sống. Tuy vậy, Bangladesh không phải là quốc gia cung cấp các sản phẩm dệt may duy nhất trên thế giới. Những biện pháp trên cần phải được thực hiện tại các "công xưởng" khác, bởi nó không chỉ dừng lại ở việc xâm phạm quyền con người mà còn là phân biệt lao động với phụ nữ.

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này - Ảnh 5.

Một tác phẩm của họa sĩ người Ba Lan, Igor Dobrowolski, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tình trạng bóc lột lao động trẻ em đằng sau những sản phẩm thời trang nổi tiếng

Nên nhớ rằng nạn bóc lột lao động trong ngành dệt may không chỉ xảy ra tại các quốc gia đang phát triển mà nó còn hoành hành ngay tại những quốc gia lớn trên thế giới. Đạo luật Ngăn cấm Nô lệ hóa của Anh có thể có ích trong việc lật tẩy những vụ bóc lột công nhân nước ngoài trong các nhà xưởng tồi tàn ở Anh. Nhưng những quy định của nó lại chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn. Nhìn chung, để chiến thắng tình trạng áp bức này, yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ không ngừng nghỉ cùng với thái độ sẵn sàng vạch trần những tiêu cực mà nền công nghiệp thời trang trên thế giới đang gây ra. Chỉ có như vậy, những sự kiện kinh hoàng như ở Dhaka, Bangladesh mới không tái diễn một lần nữa.

Để làm ra một chiếc áo hàng hiệu, hàng trăm công nhân đã phải sống trong những điều kiện “trời ơi đất hỡi” như này - Ảnh 6.

Nạn bóc lột lao động trong ngành dệt may không chỉ xảy ra tại các quốc gia đang phát triển mà nó còn hoành hành ngay tại những quốc gia lớn trên thế giới

Theo Kienzeratul Spiderum

Helino

Trở lên trên