MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để nông nghiệp Việt Nam "cất cánh", hãy để người nông dân tự quyết định trên mảnh đất của mình

Dù tổn thất khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016 nhưng nông nghiệp vẫn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp lớn cho an ninh lương thực,ổn định xã hội, kim ngạch xuất khẩu. Nhưng để ngành nông nghiệp tăng tốc phát triển, mở rộng hạn điền liệu đã là đủ?

Trong cuộc họp tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành hồi cuối tháng 12/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: Năm 2016 là một năm cực kỳ gian nan, vất vả, khó khăn với ngành NN&PTNT. Không gian nan sao được khi nửa đầu của năm nông nghiệp tăng trưởng âm sau một thập kỷ.

Theo số liệu của chính Bộ này, 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành tăng trưởng - 0,18%, trong đó lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với khoảng 3% giá trị. Bà Nguyễn Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, sản xuất lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm do hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng này cũng có số dân di cư cao nhất cả nước khoảng 6-7% dân số và phần lớn là nông dân bỏ ruộng, tìm việc làm ở thành phố.

Đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng của ngành đã bật lên với mốc 1,2%, nhưng khó khăn thách thức với nông nghiệp vẫn chưa giảm khi biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường. Thế nhưng, dù tổn thất khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016 nông nghiệp vẫn được xem là trụ đỡ, động lực quan trọng để nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.

Một trong bốn nút thắt quan trọng cần được gỡ

Tạp chí Con số và sự kiện của Tổng cục thống kê tháng 8/2016 chỉ ra khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp của cả nước, đóng góp hơn 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển trong giai đoạn 2006-2015.

Xét về cơ cấu vốn, nguồn vốn tư nhân chiếm vị trí thứ hai, chỉ đứng sau vốn nhà nước và tăng từ mức 22% năm 2000 lên 38,4% năm 2014. Khu vực kinh tế nhà nước giảm từ mức 47% năm 2006 xuống mức khoảng 40% năm 2014. Đây là xu hướng lành mạnh để nền kinh tế trở về với sự phát triển bình thường của kinh tế thị trường. Đó là chưa kể tới việc nhiều tổng công ty, tập đoàn Nhà nước vốn được xem là những "quả đấm thép" như Vinalines, Vinashin,… thua lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Thực tế chứng minh kinh tế tư nhân luôn đóng vai trò dẫn đầu phát triển kinh tế đất nước.

Điều này cũng đúng trong lĩnh vực hẹp hơn là nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển càng không thể thiếu sự phát triển của kinh tế tư nhân và tích lũy tư liệu sản xuất là yếu tố quan trọng để khu vực kinh tế này phát triển như kỳ vọng.

Thế nhưng, thực trạng ngành nông nghiệp đang gặp phải những rào cản lớn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, người chăn nuôi ở Việt Nam cần bình quân 3,5-4,0 kg thức ăn để sản xuất 1 kg thịt lợn, so với mức 2,5 kg tại Mỹ. Điều này dẫn đến thịt lợn, thịt bò Việt Nam đắt gần gấp rưỡi thịt ở Mỹ dù thu nhập trung bình người Việt chỉ bằng 10% người Mỹ và một trong những nguyên nhân là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, phân mảnh, không thể áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã nêu ra 4 nút thắt quan trọng cần được gỡ bỏ. Trong đó có vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là nút thắt hàng đầu.

"Đúng là, tích tụ và tập trung đất đai rõ ràng là một trong các nút thắt cần sớm gỡ bỏ để nông nghiệp tăng tốc bứt phá, tuy nhiên cần hiểu đúng bản chất trong quy định của Luật Đất đai về hạn điền – Đó là rào cản về thể chế.", tiến sĩ Trần Tú Cường, Trưởng Ban quản lý Đất đai và Bất động sản, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết.

Gần 40 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đất đai, ông Cường cũng chia sẻ một quan điểm khá thú vị. Đó là thực tế, quy định hạn điền( trong Luật Đất đai là qui định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất) hiện nay không hề gây khó cho người nông dân.

Cụ thể, tại điều 70 Luật đất đai 2003 có quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 ha với mỗi loạt đất. Hạn mức giao đất được sửa đổi chi tiết hơn trong điều 129 Luật đất đai 2013, hạn mức giao đất nông nghiệp đã được cụ thể hóa cho mỗi loại đất và cho cụ thể từng vùng: "Với mức không quá 3 ha với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long, không quá 2 ha với các tỉnh, thành phố khác.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta".

Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo điều 130 Luật đất đai 2013 có quy định không quá 10 lần hạn mức đất giao cho hộ gia đình. Như vậy, một hộ gia đình có thể có qui mô đất sản xuất nông nghiệp và cây lâu năm để sản xuất lên đến 50 ha ở vùng đồng bằng; 250ha ở trung du và miền núi. Đây là diện tích rất lớn với kinh tế hộ gia đình.

"Trên thực tế, hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, có thể thấy gần như hộ gia đình chưa bao giờ đạt tới mức giới hạn sử dụng trong quy định của Luật. Quy định hạn điền chỉ gây khó cho doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất với quy mô lớn", ông Cường cho biết.

Với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, câu hỏi đặt ra là quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ( hạn điền) nên là bao nhiêu? thời hạn sử dụng đất có cần phải qui định giới hạn hay không? đang là vấn đề lớn cần giải đáp để quyết định việc thu hút đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực này, trong khi đây vốn là ngành rủi ro và khó sinh lời. Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vinamit trong một cuộc hội thảo cuối năm 2016 đã từng chia sẻ rằng, công ty ông mất tới 30 năm đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ và lỗ tới hàng trăm tỷ đồng để thấy cái khó khăn của đầu tư nông nghiệp.

Một số liệu khác của Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp cũng hé lộ lý do các doanh nghiệp tư nhân không mặn mà đầu tư vào ngành này: Có đến 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận đất đai, 70% doanh nghiệp trở ngại về tiếp cận tín dụng; 82,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận được bảo hiểm trong nông nghiệp và 77% doanh nghiệp hạn chế về việc tiếp cận các chính sách về khoa học công nghệ.

Hạn điền chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể cần hoàn chỉnh

Tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đang cản trở áp dụng khoa học công nghệ, nhưng tiến sĩ Cường trăn trở câu trả lời không đơn giản chỉ là mở rộng hay xóa bỏ hạn điền.

Vấn đề quan trọng hơn là ngành nông nghiệp Việt Nam nên tích tụ, tập trung đất đai đến mức nào là hợp lý?

"Hạn điền chỉ là một trong những rào cản có tính hệ thống liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai như tài chính, đầu tư, quyền tài sản đất đai…. Điều quan trọng nhất cần nhắc tới ở đây, là vai trò then chốt của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh", ông nhận định.

Còn nhớ trong hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào cuối năm ngoái, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng quyền tài sản đất đai mới là gốc rẽ vấn đề. Bởi Nông nghiệp Việt Nam bất lợi về quy mô, đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Chỉ có giải quyết chuyện sở hữu đất đai thì mới giải quyết được vấn đề.

"Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra Việt Nam có vấn đề nặng về quyền tài sản, tức là quyền sở hữu đang có vấn đề", tiến sĩ Thành nhấn mạnh.

Quay lại với quan điểm của tiến sĩ Cường, hiện Nhà nước đang vừa đảm nhận vai trò quản lý công, vừa đại diện sở hữu toàn dân về đất đai, tức là vẫn giữ nguyên mô hình nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hay còn gọi là nền kinh tế chỉ huy. Điều này trái với nguyên lý của nền kinh tế thị trường, khi sở hữu tư nhân là một trong 3 yếu tố quyết định, bên cạnh việc tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và vai trò điều tiết của Nhà nước.

Thực tế theo quy định hiện nay của pháp luật, doanh nghiệp nông nghiệp muốn mở rộng quy mô có thể lập dự án thuê đất từ nhà nước, tuy nhiên tại sao vào thời điểm này, các doanh nghiệp thường không "chuộng" hình thức này?

"Thủ tục hành chính rắc rối tạo ra sự nhũng nhiễu của bộ máy, cùng với quy định về thời hạn sử dụng và tiền thuê đất… của nhà nước đẩy giá thành sản phẩm lên rất cao, trong khi đầu tư nông nghiệp cần vốn lớn, nên việc thuê đất rủi ro cao hơn so với việc nhận chuyển nhượng trực tiếp từ những người đang được sử dụng đất", ông Cường phân tích.

Nêu quan điểm "Hãy để người nông dân tự quyết định việc sử dụng trên mảnh đất của mình", tiến sĩ Cường cho rằng điều cốt lõi để phát triển ngành nông nghiệp là giải quyết bài toán về sở hữu, đồng thời không nên cực đoan hóa việc mở rộng, xóa bỏ hạn điền. Có như thế mới có thể đảm bảo vừa tích tụ, tập trung ruộng đất, vừa đảm bảo quyền lợi người nông dân như lời phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Nếu tích tụ, tập trung ruộng đất một cách hình thức, phong trào, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực của chủ thể thì chắc chắn sẽ thất bại".

Theo Kim Thủy

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên