MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa: Thiệt khách hàng, “hành chính hoá” thị trường

Thông tin Bộ Giao thông Vận tải đang cân nhắc về khả năng áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa khiến người tiêu dùng lo ngại về việc khó tiếp cận dịch vụ hàng không giá rẻ trong thời gian tới. Về phần mình, các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc áp giá sàn là phi thị trường, trái với Luật Giá và Luật Cạnh tranh. Đồng thời, hạn chế khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng hạ giá thành sản phẩm của các hãng hàng không.

Trái chiều đề xuất quy định về giá sàn vé máy bay

Theo nguồn tin của Báo Lao Động, Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế Quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19.12.2014. Theo đó, bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, bộ đang cân nhắc về khả năng áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này. Được biết, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa nhận được sự ủng hộ của một số hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Jetstar, nhưng vấp phải sự phản đối từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet.

Trong văn bản góp ý với Bộ GTVT, Jetstar cho rằng cần thiết phải có giá sàn để xây dựng khung giá. Hãng này lập luận trong 3 năm qua sự phát triển nóng của ngành hàng không đã tác động mạnh và gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga cũng như giao thông khu vực quanh các sân bay lớn. Bên cạnh đó, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không buộc phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để hút khách. Điều này được cho là làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Hãng này cũng cho rằng giá vé máy bay thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác, đồng thời nêu ví dụ về việc Indonesia cũng áp giá sàn để phòng ngừa cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành. Jetstar đề xuất xác định mức giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Theo đó, giá chi phí trực tiếp gồm có chi phí thuê, quỹ đại tu, thuê kho vật tư khí tài, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phục vụ chuyến bay, chi phí bảo hiểm… và dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.

Trong khi đó, Vietjet tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng kiến nghị không quy định giá sàn. Vietjet cho rằng việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo hãng này, hiện không còn nước nào quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hàng không và số lượng khách nội địa mới vào khoảng 10 triệu lượt/năm. Điều này cho thấy 90% dân số chưa tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá cao hơn mức thu nhập.

Do đó, việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của 80 triệu dân, đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam. Ngoài ra, hãng này cho rằng quy định giá sàn cũng khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng hàng không.

Áp giá sàn là trái với cơ chế thị trường

Hiện Bộ GTVT chưa bình luận gì về vấn đề này, song đề xuất này ngay lập tức đã tạo ra nhiều tranh cãi trái chiều, trong đó người tiêu dùng đặc biệt lo ngại việc tiếp cận dịch vụ hàng không giá rẻ sẽ trở nên khó khăn, đồng thời cơ hội mua vé giá rẻ sẽ trở nên mong manh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng quy định hiện nay là ngành hàng không chỉ áp giá trần mà không áp giá sàn. Theo thể chế hiện nay, Nhà nước chỉ định giá đối với sản phẩm thị trường độc quyền, trong đó một là độc quyền thuần túy, hai là độc quyền nhóm hay giữ vị trí thống lĩnh thị trường như trong Luật Cạnh tranh (ví dụ như 1 doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần 30%, 2 DN chiếm thị phần 50%, 3 DN chiếm thị phần 60%...). Những trường hợp đó buộc Nhà nước phải định giá. Trong đó, Nhà nước sẽ định giá chuẩn mức giá đối với những mặt hàng độc quyền thuần túy như điện; đối với những sản phẩm trên thị trường có những DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường như xăng dầu, Nhà nước sẽ phải định giá cơ sở, giá trần.

Đối với các hãng hàng không nội địa, Nhà nước quy định giá trần bởi hiện nay chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động. Nếu như trước đây, Vietnam Airlines chiếm thị phần rất lớn lên tới gần 90% thì hiện nay 2 “đối thủ” Jestar và Vietjet chiếm xấp xỉ 80% thị phần, chính vì vậy buộc Nhà nước phải quy định giá trần. Theo quy định, nếu một sản phẩm nào đó có DN thống lĩnh thị trường, đối với ngành hàng không hiện có 2 DN, Nhà nước có thể quy định giá trần và giá sàn. Tuy nhiên, theo luật định chỉ quy định giá trần trong điều kiện đó là DN bán, để DN không được lợi dụng vị thế độc quyền của mình nâng giá lên, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn đối với DN mua giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước mới quy định giá sàn để tránh việc sản phẩm bị mua với giá thấp hơn, gây thiệt hại cho người sản xuất.

“Đối với lĩnh vực hàng không được xếp vào DN bán, cụ thể là bán sản phẩm dịch vụ vận chuyển, do đó đối với những DN này không thể quy định giá sàn mà phải quy định giá trần” - ông Long khẳng định. Ông Long cho rằng, sở dĩ các DN cho rằng nên áp giá sàn là bởi lo ngại không thể cạnh tranh được nếu hãng khác tung ra mức giá dịch vụ thấp hơn. “Việc áp giá sàn làm hạn chế khả năng khuyến khích cạnh tranh, hạn chế khả năng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm của các DN. Lý lẽ nên quy định giá sàn là hoàn toàn phi kinh tế thị trường, phi thể chế, không phù hợp với cơ chế thị trường, không đúng với Luật Giá đã được quy định. Đây cũng là lý do vì sao hiện nay cơ quan quản lý nhà nước không quản lý giá sàn đối với hàng không” - ông Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, giảng viên Đại học GTVT TPHCM - cũng cho rằng, việc có nên áp giá sàn hay không cần phải đối chiếu theo Luật Giá. Ngoài ra, một vấn đề khác cần quan tâm là liệu những dịch vụ hàng không có bị tác động của giá sàn hay không?”. “Hiện nay, các nước trên thế giới đều để cho thị trường tự cạnh tranh, Nhà nước chỉ điều tiết để đảm bảo quyền lợi cho những người dân nghèo. Chính vì vậy, nếu việc áp giá sàn có lợi cho doanh nghiệp, trong khi người nghèo khó tiếp cận dịch vụ là điều không nên” - ông Sanh nói.

Mặt khác, TS Phạm Sanh cho rằng, việc đặt ra giá sàn cho ngành hàng không để “kích cầu” cho ngành đường sắt là không đúng, vì dù nâng giá vé máy bay cũng không thể khiến người ta đi đường sắt nếu điều quan trọng nhất là dịch vụ đường sắt không được nâng cao chất lượng. “Hiện nay, khách hàng đi máy bay chủ yếu là giới thượng lưu, trung lưu. Trong đó, khách hàng đi máy bay giá rẻ đa số là giới bình dân.

Ngành hàng không hiện nay đang đa dạng hóa đồng thời có nhiều lực hút nên phát triển rất nhanh, đặc biệt là lượng khách nội địa rất lớn. Hiện tại, chúng ta cũng đang mở rộng và xây thêm sân bay, do đó nếu lượng hành khách phổ thông giảm xuống là rất nguy hiểm. Bộ GTVT cần cẩn thận xem xét lại Luật Giá, đồng thời tham khảo ý kiến từ Bộ Tài chính để có quan điểm phù hợp, phục vụ đa số người dân và thúc đẩy các ngành vận tải khác phát triển” - TS Phạm Sanh nhận định.

Theo Khánh Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên