MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất cán bộ hành pháp, tư pháp không làm đại biểu Quốc hội

13-11-2019 - 09:16 AM | Xã hội

Các đoàn đại biểu Quốc hội chỉ có một đại biểu hoạt động chuyên trách, còn các đại biểu khác tham gia hai kỳ họp, tiếp xúc cử tri là hết thời gian.

Chiều 12-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Đề nghị có 40% ĐBQH hoạt động chuyên trách

Trong tờ trình, Ủy ban Thường vụ QH  đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách (ĐB chuyên trách) ít nhất là 35% tổng số ĐB. Quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số ĐB chuyên trách nhiều hơn tỉ lệ nói trên. Tỉ lệ cụ thể ĐB chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ…

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tán đồng với đề xuất trên, bởi theo bà thực tế QH khóa 14 chưa đạt được tỉ lệ này. “Điều quan trọng là QH tạo điều kiện, cơ sở để ĐBQH phát huy năng lực, trách nhiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ của ĐBQH” - bà nói.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại đề nghị quy định nâng tỉ lệ tối thiểu ĐB chuyên trách ít nhất là 40% để có hướng phấn đấu. Thực tế, dù đã có cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm nhưng QH khóa 14 mới chỉ có 167/483 số ĐB chuyên trách (34,5%) và đề nghị phân tích rõ vì sao chưa đạt tỉ lệ.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích nếu 316 ĐB kiêm nhiệm dành cho QH đúng 1/3 thời gian, với cách quy đổi đơn giản sẽ thấy thực chất chỉ có hơn 260 ĐB hoạt động toàn thời gian.

Ông Nhân cũng bình luận rằng khi số ĐB chuyên trách không đạt, ĐB kiêm nhiệm vì nhiều lý do không bảo đảm cả về chất lượng và thời gian thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH là nan giải. “Nút thắt để tháo gỡ vấn đề trên là nâng tỉ lệ chuyên trách thì lại giữ nguyên như hiện hành” - ĐB Bình Dương nêu nghịch lý.

Theo ông, nếu QH khóa 15 bảo đảm 35% thì số chuyên trách cũng chỉ đạt 175 ĐB. “Với 325 ĐB kiêm nhiệm và với thực trạng như hiện nay, liệu QH khóa mới có tiếp tục điệp khúc gỡ rối, đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao… Nếu tăng chuyên trách là chìa khóa nâng cao chất lượng hoạt động của QH thì còn lý do nào khác để không quy định trong luật?” - ông Nhân nêu.

Đề xuất cán bộ hành pháp, tư pháp không làm đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị mỗi đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương có hai đại biểu chuyên trách. Ảnh: TN

Dời việc thông qua luật đến năm 2020

Cũng liên quan đến quy định về ĐBQH, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng ĐBQH là trung tâm của QH, là chủ thể đại diện thực sự cho nhân dân và cử tri cả nước. Chất lượng ĐBQH phụ thuộc vào tiêu chuẩn, cách lựa chọn và ĐBQH không thể, không nên là công chức hành pháp, tư pháp. Bởi như vậy sẽ khó có thể thực hiện triệt để nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ông đề nghị cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xin chủ trương để triển khai theo hướng lựa chọn ĐB không nặng về cơ cấu ngành…

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu thực tế: Đa số các đoàn ĐBQH chỉ có một ĐB chuyên trách tại địa phương. Theo bà, tất cả nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH giữa hai kỳ họp QH chỉ có ĐB chuyên trách này hoạt động là chủ yếu. Các ĐB hoạt động kiêm nhiệm tại địa phương chỉ dành 30% thời gian trong năm để tham gia hoạt động của ĐBQH thì thực tế chỉ tham gia hai kỳ họp , tham gia tiếp xúc cử tri là hết thời gian đó rồi. Còn các ĐB trung ương ứng cử tại địa phương và sinh hoạt tại đoàn ĐBQH thì rất khó khăn trong việc tham gia hoạt động tại địa phương. “Nhiệm vụ của các ĐB ở trung ương rất nhiều, các ĐB trung ương chỉ cần đi tiếp xúc cử tri, gặp dân, lắng nghe ý kiến của dân là chúng tôi đã mừng rồi” - bà nói và đề nghị để nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn ĐBQH thì mỗi đoàn ĐBQH cần có hai ĐB chuyên trách.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thống nhất với đề xuất của ĐB rằng dự án luật còn nhiều vấn đề lớn cần được nghiên cứu, đánh giá, thảo luận kỹ. Ông cho biết Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, xin phép thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ chín của năm 2020, thay vì thông qua tại cuối kỳ họp này như dự kiến ban đầu.

Quy định về cơ cấu thành viên ủy ban có cái không phù hợp. Chẳng hạn, Ủy ban Quốc phòng-An ninh cơ cấu chủ yếu là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an biệt phái qua làm thường trực ủy ban. Vì sao không là các ĐBQH khác không phải là sĩ quan công an, sĩ quan quân đội tham gia, để khi thẩm tra các luật của công an, quân đội có sự khách quan hơn?

ĐB PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

Tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH là quá dài, phải dừng lại lấy hơi mới đọc hết câu đó. Trong khi thiếu niên, nhi đồng là trẻ em, vậy nên chăng sửa, đổi tên là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Trẻ em…

ĐB NGUYỄN VĂN TUYẾT (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Theo Đức Minh - Châu Luận

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên