MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất làm 2 dự án điện mặt trời trị giá 9.500 tỉ đồng tại Ninh Thuận

Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) đã đề xuất với UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư là 9.576 tỉ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã có buổi làm việc với Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chủ trương đầu tư 2 dự án điện mặt trời tại tỉnh này.

Theo đó, 2 dự án điện năng lượng mặt trời sẽ được dự kiến triển khai tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với diện tích 554ha, công suất lắp đặt phát điện dự kiến 350MW, tổng mức đầu tư khoảng 9.576 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ quý 2/2018 đến quý 1/2021. Ngoài sản xuất điện năng lượng mặt trời, Genco 3 sẽ kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên phần diện tích dự án.

Tổng công ty Phát điện 3 hiện quản lý vận hành 12 nhà máy nhiệt điện và thủy điện trên cả nước với tổng công suất phát điện 6.549MW, chiếm gần 17% sản lượng hệ thống điện Quốc gia.

Lĩnh vực hoạt động chính của Genco 3 là sản xuất và kinh doanh điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án nguồn điện. Các đơn vị thành viên của Genco 3 bao gồm 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 2 công ty con do Genco 3 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 6 công ty liên kết do Genco 3 nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Hiện nay cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời có công suất từ 20 đến trên 300MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Trong đó đáng chú ý là 2 dự án của Công ty Đầu tư và xây dựng Thiên Tân (tại tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận) và dự án Tuy Phong do Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư với quy mô 66 triệu USD, công suất 30MW tại tỉnh Bình Thuận.

Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cũng nêu rõ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn năng lượng tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ lắp đặt trên nóc nhà.

Mục tiêu nhằm góp phần nâng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể như hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020, khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW đến năm 2030.

Như vậy, theo lộ trình này, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam sẽ phải xây dựng các dự án điện mặt trời với công suất hơn 200MW; từ năm 2020 - 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600MW mới đạt kế hoạch đề ra.

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, trong đó chốt giá mua điện mặt trời ở mức 2.086 đồng/kWh.

Theo quyết định này, các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Theo Tuyết Nhung

Một Thế giới

Trở lên trên