MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất ngân hàng giữ giấy đăng ký xe trả góp: Có khả thi?

14-07-2017 - 15:24 PM | Tài chính - ngân hàng

“Bộ Công an họ cũng chỉ làm theo quy trình, áp dụng theo cách làm trước đây nhưng rõ ràng là cách này đến nay đã không còn phù hợp khi chúng ta đã có quá nhiều ô tô và nhiều người có nhu cầu vay tiền mua xe."

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
288 bài viết

“Nóng” chuyện ai được giữ giấy đăng ký xe!

Trong thời gian vừa qua, một vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ các chủ xe ô tô trả góp là vấn đề xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc.

Theo đó, nhiều chủ xe phản ảnh về việc bị cảnh sát giao thông xử phạt khi không có giấy tờ gốc, mặc dù chủ xe đã trình giấy tờ bản sao và chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng .

Trên thực tế, phía Bộ Công an cũng đã ra hẳn một công văn khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng. Điều này vốn đã được quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP).

Trước đó, ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng ra văn bản số 3851 gửi các tổ chức tín dụng. Theo đó, yêu cầu bên thế chấp (người vay tiền ngân hàng) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có nhiều nhà băng thực hiện chỉ đạo này bởi lo sợ có thể dẫn đến rất nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu không nắm giữ giấy tờ gốc của phương tiện.

Theo nhiều chuyên gia, nếu các cơ quan quản lý “làm chặt” vấn đề này, tức là quyết liệt yêu cầu các ngân hàng phải trả giấy tờ gốc cho người đi vay thì có thể dẫn tới việc nhà băng phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Để giải quyết vướng mắc này, NHNN mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Đồng thời, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định /2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, NHNN cũng đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD khi lưu thông phương tiện giao thông.

Có khả thi?

Trao đổi với phóng viên BizLIVE về vấn đề này, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là một động thái kịp thời của NHNN để xử lý những vướng mắc trong việc cho vay tiêu dùng, cũng như giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thể hiện tính chủ động trong việc phối hợp với các bộ ngành trong việc xử lý các vấn đề vướng mắc trong khả năng của mình.

“Bộ Công an họ cũng chỉ làm theo quy trình, áp dụng theo cách làm trước đây nhưng rõ ràng là cách này đến nay đã không còn phù hợp khi chúng ta đã có quá nhiều ô tô và nhiều người có nhu cầu vay tiền mua xe. Tôi cho rằng Bộ Công an và NHNN nên sớm có giải pháp để trình Chính phủ”, ông Lực nói.

Cũng theo chuyên gia, đề xuất của NHNN là phù hợp và hoàn toàn khả thi. Ngân hàng là bên cho vay nên được giữ đăng ký lái xe gốc của bên đi vay, sau đó phía công an xem xét bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng đây là chủ xe và đây là xe đang đi vay vốn của ngân hàng.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc các ngân hàng tại Việt Nam cho khách hàng vay tiền mua xe ô tô trả góp và ngân hàng giữ giấy tờ gốc là việc làm hợp lý.

“Việc công an không chấp nhận giấy tờ photo công chứng và giấy xác nhận xe thế chấp của ngân hàng có thể sẽ gây khó khăn trong việc cho vay và giám sát khách vay, quản lý nợ vay đối với ngân hàng. Vì hiện nay, trình độ công nghệ thông tin và trình độ quản lý của Việt Nam chưa cao, chưa đồng bộ như các nước phát triển”, ông Hiếu nêu ý kiến.

“Chẳng hạn ở bên Mỹ, một cơ quan có tên là Sở quản lý cơ giới (Department of Motor Vehicles - DMV) là nơi cấp bằng lái và giấy chứng nhận chủ quyền phương tiện cơ giới (Thẻ chủ quyền).

Khi chủ phương tiện cơ giới thế chấp phương tiện này để vay vốn ngân hàng, trên Thẻ chủ quyền sẽ có ghi chú ngân hàng nào đang nhận thế chấp. Thẻ chủ quyền bản chính sẽ do khách hàng giữ và tham gia giao thông hợp lệ. Ngân hàng sẽ giữ bản phụ. Khi khách hàng trả hết nợ vay, ngân hàng có nghĩa vụ thông báo cho DMV, DMV sẽ cấp lại Thẻ chủ quyền cho khách hàng và không có ghi chú vay nợ”, ông Hiếu nói.

Cũng theo chuyên gia này, về quản lý lâu dài, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên nghiên cứu một phương thức quản lý phù hợp và đồng bộ để tạo điều kiện cho hoạt động của ngân hàng cũng như người dân có quyền vay vốn và sở hữu phương tiện cơ giới.

Theo Trần Thúy - Lan Anh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên