MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ 1 từ gói gọn xu hướng bao trọn thế giới năm 2019

23-12-2019 - 13:30 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận thương mại chỉ là một trong số những làn sóng phân tách đang lây lan trên toàn thế giới.

Tờ Financial Times đã dùng từ "decoupling" (tạm dịch: phân tách) để khái quát về xu hướng địa chính trị bao trùm năm 2019.

Trong suốt mấy chục năm, các chính phủ trên khắp thế giới đã vận hành dựa trên giả định toàn cầu hóa là thứ mà không ai có thể ngăn cản. Dù bất đồng về hệ tư tưởng lớn đến đâu, các nước từ Mỹ, Nga đến Trung Quốc, Nga đều đi theo những chính sách tương tự nhau, dựa trên thực tế là dòng chảy thương mại và vốn toàn cầu luôn không ngừng mở rộng.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với sự kiện chiến tranh thương mại nổ ra, đã làm đảo ngược quá trình này. Những ngày này, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất không còn là toàn cầu hóa (globalisation) mà là phân tách (decoupling): vì nhiều lý do kinh tế và chiến lược, các chính phủ sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào các thị trường và công nghệ bên ngoài.

Quá trình phân tách đang được dẫn dắt bởi nội các của Tổng thống Donald Trump. Mục tiêu rõ ràng nhất của các lệnh trừng phạt thương mại mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc và khuyến khích hoạt động sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng hồi hương. Mỹ cũng làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu công nghệ - mà điển hình nhất là cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc nhập khẩu linh kiện và chip từ Mỹ - với lý do những hoạt động này đe dọa đến an ninh quốc gia. Không chỉ dừng lại ở công nghệ, con người cũng bị phân tách: các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng khó tìm được công việc ở Mỹ.

Mỹ lập luận rằng chính Trung Quốc đã khởi động quá trình này từ 1 thập kỷ trước – khi bắt đầu cấm các công ty công nghệ Mỹ như Facebook và Google bước vào thị trường Trung Quốc. Nhưng những bước đi mới nhất của Mỹ - dù là trả đũa hay không – lại càng thôi thúc Trung Quốc tăng tốc phát triển các công nghệ của riêng mình, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Huawei và nhiều công ty công nghệ, công nghiệp khác của Trung Quốc đang ráo riết tìm cách phát triển nguồn chip và linh kiện ở ngay trong nước.

Quá trình phân tách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho một vài công ty hàng đầu thế giới. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Apple, và phần lớn các sản phẩm của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Trong khi đó, Huawei đang mở rộng nhanh chóng ở thị trường phương Tây và điện thoại của hãng sử dụng hệ điều hành Android của Google, buộc Huawei phải phát triển hệ điều hành của riêng mình.

Nguyên nhân khiến quá trình phân tách diễn ra đến từ các chính trị gia chứ không phải các doanh nghiệp, vì thế có rất nhiều câu hỏi đặt ra về mặt quản trị. Bởi vì giờ đây chủ nghĩa quốc gia chi phối nhiều yếu tố cốt lõi, nhiều quyết định sẽ được thực hiện bởi các chính phủ chứ không phải các tổ chức đa phương hay qua quá trình đàm phán quốc tế.

Mỹ đã có 1 hệ thống khá trơn tru để đánh giá các khoản đầu tư nước ngoài: Ủy ban đầu tư nước ngoài Cfius. Hồi tháng 3, cơ quan này đã buộc các cổ đông người Trung Quốc phải thoái vốn khỏi của ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng giới Grindr với lý do an ninh quốc gia. Phía Mỹ nêu ra mối lo ngại Trung Quốc có thể tiếp cận với những thông tin mà sau này sẽ được sử dụng để tống tiền người Mỹ.

Mỹ đang ngày càng lo ngại về hoạt động gián điệp và phá hoại ngầm. Những người có thái độ cứng rắn chỉ ra nguy cơ phần mềm được cài cắm vào các thiết bị công nghệ nhập khẩu, từ đó đe dọa các cơ sở hạ tầng quan trọng. Rủi ro các dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây có thể dễ dàng bị đánh cắp là 1 nỗi lo ngại khác, khiến các nhà hoạch định chính sách ngày càng chú ý nhiều hơn đến nơi đặt các thiết bị lưu trữ dữ liệu.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc, Nga và các nước khác cũng lo ngại về tình báo Mỹ, đặc biệt sau khi Edward Snowden tiết lộ chính phủ Mỹ có khả năng tiếp cận các thông tin được lưu trữ bởi những gã khổng lồ công nghệ như Google.

Tất cả những áp lực từ quá trình phân tích khiến EU rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khá thú vị. Giống như ở Mỹ, các nước châu Âu ngày càng lo ngại về việc chấp nhận dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Nhiều nước (như Đức và Anh) đang xem xét lại vai trò của Huawei trong cơ sở hạ tầng viễn thông. Hoạt động thâu tóm một loạt cảng biển ở châu Âu của Trung Quốc cũng gây ra nhiều lo ngại.

Ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi các nước châu Âu phải cùng đưa ra động thái phản hồi, ví dụ như thành lập Cfius phiên bản châu Âu. Năm 2020, EU sẽ chính thức vận hành quá trình rà soát các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù sẽ khó có thể triển khai 1 hệ thống mạnh như Cfius, từ nay châu Âu sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với các dự án FDI nhạy cảm tác động đến toàn châu lục.

Trong bối cảnh hiện nay, các định chế quốc tế sẽ phải đấu tranh để duy trì quyền lực, thậm chí là sự tồn tại của mình. Tổ chức thương mại thế giới WTO đang gặp rắc rối khi bị Mỹ ngăn cản bổ nhiệm thẩm phán mới và tòa phúc thẩm – cơ quan giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế - có thể sẽ phải ngừng hoạt động.

Tất nhiên vẫn có khả năng các nền kinh tế hàng đầu nhận ra nguy cơ tất cả các bên cùng bị kéo vào suy thoái nếu quá trình phân tách tiếp tục diễn ra. Chỉ khi những lo ngại này tăng lên, các quy tắc quốc tế và những trọng tài trung lập của WTO mới được ưa chuộng trở lại.

Tham khảo Financial Times

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên