MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lúc bỏ trần lãi suất huy động?

07-01-2017 - 17:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện vẫn đang có những ý kiến khác nhau quanh đề xuất dỡ trần lãi suất huy động.

Kể từ khi có những đề xuất đầu tiên về việc nên bỏ trần lãi suất huy động tại các ngân hàng với những kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đến nay cũng đã khoảng nửa năm. Hiện, vào thời điểm cuối năm âm lịch Bính Thân - giai đoạn mà thanh khoản các ngân hàng thường bước vào mùa căng thẳng nhất trong năm, nhà điều hành chính sách tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước dường như vẫn còn đang lắng nghe và suy xét động tĩnh của thị trường.

Mới đây, tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tổ chức vào ngày 30/9/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã giao các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng.

Rõ ràng, việc bỏ trần lãi suất sẽ đưa hệ thống ngân hàng đến gần hơn với hơi thở thị trường. Các hoạt động thu hút vốn từ dân cư, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong nền kinh tế cũng sẽ minh bạch hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch tin rằng, năm 2017 nên là thời điểm có thể tính tới chuyện dỡ trần lãi suất huy động - một quy định mà theo ông chỉ là biện pháp hành chính “bất đắc dĩ” trong giai đoạn thị trường tiền tệ nhiều biến động.

Còn hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã phát thông điệp giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2017, Quốc hội cũng đã chốt mục tiêu kiểm soát CPI cả năm ở mức chỉ tăng 4%. Như vậy có thể nói kỳ vọng lãi suất thị trường chỉ dao động rất hẹp chung quanh mặt bằng hiện nay mà thôi.

Ngoài ra, nếu dỡ trần lãi suất thì cũng khó có khả năng tái diễn cuộc đua lãi suất như giai đoạn trước đây. Bởi một phần nguyên nhân khá lớn của cuộc đua đó bắt nguồn từ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nhưng thanh khoản toàn hệ thống theo đánh giá của chuyên gia này hiện vẫn khá ổn định. Hơn nữa, “nếu đua lãi suất thời điểm này là ngân hàng tự vạch áo cho người xem lưng, rằng mình đang thuộc nhóm yếu kém”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Nhìn từ mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất, vị chuyên gia trên cũng cho rằng: Hiện chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy nên duy trì việc áp dụng trần lãi suất huy động trong điều hành chính sách trong thời gian tới. Cho dù giá cả một số nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới có tăng lên trở lại, nhưng giá cả các mặt hàng quan trọng với kinh tế Việt Nam là lương thực thực phẩm thì vẫn hầu như đi ngang. Vì vậy sẽ khó có chuyện Việt Nam nhập khẩu lạm phát, dẫn đến lãi suất thị trường nội địa kéo nhau đi lên.

TS. Bùi Quang Tín từ Đại học Ngân hàng TPHCM lại cho rằng bãi bỏ quy định áp trần cho lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng lúc này cũng không còn nhiều ý nghĩa, vì đa số các ngân hàng đang trả lãi cho người gửi tiền ở những kỳ hạn ấy đều thấp hơn 5.5%/năm.

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là việc áp dụng áp trần lãi suất huy động cũng không thực sự cần thiết nữa.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu chính sách đến từ Đại học Ngân hàng TPHCM cũng bày tỏ quan điểm cần xem xét thêm trước khi bỏ trần lãi suất. Dù mục tiêu lạm phát năm 2017 là thấp hơn năm 2016, nhưng đó là một mục tiêu không dễ cho nhà điều hành chính sách tiền tệ. Dỡ trần lãi suất đồng nghĩa sẽ làm giảm hiệu lực một công cụ kiểm soát lạm phát.

Theo Phương Hiền

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên