MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến năm 2035, TP Vũng Tàu được quy hoạch như thế nào để "dọn tổ đón đại bàng"?

09-05-2019 - 10:16 AM | Bất động sản

Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo thẩm định số 54/BC-BXD về “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng cho quy hoạch phát triển đô thị TP.Vũng Tàu đã được đề cập trong đồ án này. Đây cũng sẽ là cơ sở để nhiều dự án lớn đang đầu tư vào đây được sớm triển khai trong thời gian tới.

Theo dự thảo quyết định "Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đến năm 2035" do Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ TP.Vũng Tàu với tổng diện tích 15.043ha, phía Đông và Nam giáp biển và một phần huyện Long Điền, phía Tây giáp vịnh Gành Rái, phía Bắc giáp TP.Bà Rịa và một phần TX.Phú Mỹ.

TP. Vũng Tàu được quy hoạch như thế nào?

Không gian TP.Vũng Tàu được chia thành 7 khu vực phát triển, gồm:

- Khu vực đảo Long Sơn là trung tâm công nghiệp dầu khí Quốc gia. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khác; hình thành khu đô thị mới phục vụ công nghiệp dầu khí và khu đô thị sinh thái mật độ thấp, đáp ứng nhu cầu ở đô thị. Cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên vùng ngập mặn. Tổng diện tích đất 4.100ha, trong đó đất xây dựng đô thị 2.670ha. Quy mô dân số tối đa khoảng 45 ngàn người.

- Khu vực Gò Găng phát triển khu đô thị mới gắn với sân bay Gò Găng và khu đô thị sinh thái gắn kết với không gian sinh thái rừng ngập mặn. Hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy, hải sản công nghệ cao. Tổng diện tích đất 1.400ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.265ha. Quy mô dân số tối đa 60 ngàn người.

-Khu vực Bắc Phước Thắng là khu bảo tồn vùng vành đai xanh, vùng cảnh quan sinh thái tự nhiên trên cơ sở hệ thống các sông: Ba Cội, Cỏ May, sông Dinh, Cửa Lấp và rừng ngập mặn. Hình thành các khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái mật độ thấp và trung tâm dịch vụ du lịch gắn với rừng ngập mặn. Tổng diện tích đất 2.324ha, trong đó đất xây dựng đô thị 700ha. Quy mô dân số tối đa 35 ngàn người.

- Khu vực Công nghiệp – Cảng ngoài việc duy trì các khu công nghiệp và cảng hiện có, sẽ mở rộng khu cảng Sao Mai – Bến Đình, phát triển KCN, khu logistics và dịch vụ hậu cần cảng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối. Cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu gắn với khu vực cảng Cát Lở, không gia tăng quy mô dân số tại các khu dân cư hiện hữu. Tổng diện tích đất 987ha, đất xây dựng 745ha.

- Khu vực đô thị hiện hữu của TP.Vũng Tàu sẽ được cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị theo hướng bảo tồn cấu trúc không gian đô thị truyền thống, bảo tồn công trình kiến trúc, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị. Khai thác hiệu quả các quỹ đất công sở sau khi di dời, ưu tiên quỹ đất sau khi di dời cho các chức năng công cộng, cây xanh và hỗn hợp (văn phòng, thương mại, du lịch và nhà ở). Tổng diện tích đất khoảng 2.074ha, trong đó đất xây dựng đô thị 1.716ha. Quy mô dân số tối đa 240 ngàn người.

Trong đó, khu vực Núi Lớn, Núi Nhỏ duy trì các khu công viên rừng kết hợp du lịch, vui chơi giải trí, tạo điểm nhấn cảnh quan trong thành phố. Tại Bãi Sau, duy trì quỹ đất du lịch hiện hữu, ưu tiên phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị.

Đối với khu dân cư hiện hữu, hạn chế gia tăng dân số; khai thác, phát triển dịch vụ du lịch. Khu vực cù lao Bến Đình được cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, hình thành khu đô thị mới hiện đại với chức năng hỗn hợp gồm nhà ở - dịch vụ - thương mại -văn phòng.

- Khu vực Bắc Vũng Tàu (phía Bắc đô thị hiện hữu) sẽ phát triển các khu chức năng: Trung tâm hành chính mới TP.Vũng Tàu; trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao; dịch vụ thương mại; trung tâm đào tạo; hình thành các khu đô thị mới tập trung, hiện đại. Tổng diện tích đất toàn khu vực 2.212ha, trong đó đất xây dựng đô thị 2.200ha. Quy mô dân số tối đa 230 ngàn người.

Trong đó, khu vực Bàu Trũng ưu tiên hình thành công viên văn hóa – hồ điều hòa. Phần còn lại tái thiết đô thị trên cơ sở phát triển khu hỗn hợp với các chức năng chủ yếu, gồm: khu đô thị mới, khu dịch vụ thương mại và văn phòng, khu nhà ở xã hội, tái định cư và chỉnh trang khu dân cư hiện hữu.

Tại khu vực Sân bay Vũng Tàu, sẽ tái thiết đô thị sau khi di dời sân bay sang Gò Găng; phát triển khu hỗn hợp với các chức năng chính: khu đô thị, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng, vui chơi, giải trí...

- Khu vực ven biển Chí Linh – Cửa Lấp sẽ được phát triển thành khu hỗn hợp với các chức năng, gồm: du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sân golf, khu dân cư đô thị, dịch vụ thương mại và các không gian mở công cộng, quảng trường biển. Tổng diện tích đất 1.114ha, trong đó đất xây dựng đô thị 1.034ha. Quy mô dân số tối đa 45 ngàn người.

Ngoài các khu vực chức năng nêu trên, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đến năm 2035 cũng đề cập đến việc xây dựng các công viên cây xanh đô thị với quy mô 450-500ha, gắn kết với các hồ và kênh, rạch tự nhiên để tạo thành mạng lưới không gian xanh, hồ điều hòa trong đô thị như hồ Bàu Sen 30ha, hồ Bàu Trũng 45ha, công viên Núi Lớn 30ha, công viên Núi Nhỏ 50ha, công viên hồ Mang Cá 40ha, công viên Trung tâm Gò Găng 46ha...

Về các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2035, ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, khu tái định cư, công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng, công viên Bàu Sen, công viên hồ Rạch Bà, khu đô thị - dịch vụ Bến Đình và các khu đô thị mới được xây dựng tại các khu đất công; các công trình hạ tầng xã hội như nhà tang lễ, nhà hát, thư viện; đầu tư xây dựng khu Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn, cụm Tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng; cải tạo, chỉnh trang khu du lịch ven biển dọc trục đường Thùy Vân - Bãi Sau.

Hàng loạt ông lớn địa ốc xuất hiện 

Với cơ hội to lớn cho sự phát triển thị trường trong giai đoạn tới, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang đón nhận những dòng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS. Trong đó, nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội giới thiệu những dự án đất nền ven biển, tạo xu hướng đầu tư mới trong thời gian tới.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm hiểu đầu tư. Đơn cử như Novaland đề xuất Dự án Khu đô thị phức hợp trục đường 3/2, diện tích khoảng 99,5ha, thuộc phường 10 và 11, TP. Vũng Tàu. Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha. Tập đoàn SunGroup cũng đã khảo sát, tìm hiểu dự án nghỉ dưỡng khu vực núi Dinh; một tập đoàn địa ốc lớn khác trong nước cũng đang đề xuất rót vốn đầu tư khu vườn thú hoang dã Safari và tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp rộng hơn 500ha…

Mới đây nhất, tập đoàn BRG, Gami Group cũng đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tìm hiểu một số quỹ đất để đầu tư các khu phức hợp cao cấp ven biển Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Korea Infrastructure Company Limited vừa cho biết sẽ sẵn sàng đầu tư 3,2 tỷ USD dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng nếu được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận.

Ngoài ra, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL) đã đề xuất đầu tư vào tỉnh này 5 dự án nghỉ dưỡng và khu công nghiệp cảng biển quy mô khá lớn; Hưng Thịnh, DIC Corp cũng đang phát triển hàng nghìn căn hộ condotel trên các quỹ đất sẵn có tại TP Vũng Tàu.

Không đứng ngoài cuộc, FLC đã khảo sát thực tế các dự án du lịch, khu dân cư mà địa phương này đang kêu gọi đầu tư. Cụ thể, Khu đô thị Tây Nam thành phố Bà Rịa (gần 1.700ha), Khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), Vườn thú hoang dã Safari (hơn 600ha), Chợ Du lịch Vũng Tàu (3,7ha), khu đất góc đường Thống Nhất - Lý Thường Kiệt.

Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên