MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẹp hẳn nạn đầu cơ làm sốt giá mới mong hút được vàng trong dân

18-07-2016 - 09:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Một khi việc đầu cơ làm giá để tạo ra các cơn sốt vàng nhằm thu lợi ích ở mức thấp nhất, người giữ vàng chỉ còn lợi ích "cất giữ giá trị", thì lúc đó người giữ vàng sẽ mới tính đến chuyện gửi vàng lấy lãi hoặc bán vàng lấy tiền Đồng.

Câu chuyện tìm cách huy động 500 tấn vàng trong dân được bàn luận sôi nổi trong suốt nhiều ngày qua. Các ý kiến ủng hộ có, phản đối có, thậm chí kịch liệt phản đối cùng cảnh báo nguy cơ xảy ra bất ổn thị trường tài chính và vàng hóa quay trở lại cũng có.

Song, trên tất cả, những khuyến cáo nhằm mong đợi cơ quan quản lý xem xét kỹ lưỡng vấn đề, nghiên cứu tất cả các mặt thiệt hơn và đưa ra một giải pháp hài hòa để có thể thu hút được nguồn vàng, nguồn tiền nhàn rỗi phục vụ nền kinh tế nhưng lại không ảnh hưởng đến một bên là các mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi và một bên là niềm tin của người dân vốn gửi gắm vào vàng xưa nay.

Cần phân định rõ vai trò của vàng

Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính ngân hàng, để thu hút được nguồn vốn trong dân thì trước tiên NHNN cần phải thay cách đối xử với vàng.

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu chính sách độc quyền vàng. Khi ấy, vàng miếng SJC có giá hơn hẳn so với các loại vàng khác, khiến nhiều người giữ vàng e ngại. Nhưng rồi người ta cũng quen dần.

Sang năm 2013, đứng trước những biến động khó lường của giá, NHNN tiến hành chính sách bán đấu thầu vàng cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Cùng với đà lao dốc của vàng thế giới, 1,82 triệu lượng tương đương gần 70 tấn vàng đã được NHNN bán ra trong năm ấy đã giúp giá vàng từ mức 46 triệu đồng/lượng giảm về còn 35 triệu đồng/lượng.

Từ đó đến giữa năm nay, chủ yếu là do may mắn vì thị trường thế giới bình lặng, một phần vì người dân không mặn mà vì giá vàng biến động ít, NHNN đã không còn phải can thiệp trực tiếp vào thị trường, nhưng cho biết vẫn sẵn sàng hành động khi cần thiết. Gần đây, NHNN lại được giao nhiệm vụ nghiên cứu các biện pháp khả thi nhằm hút nguồn vàng, tiền nhàn rỗi phục vụ nền kinh tế.

Vị chuyên gia trên cho rằng, mục đích huy động vàng trong dân là tốt xét trên khía cạnh vĩ mô. Nhưng cần phải xem NHNN nhìn nhận bản chất của vàng như thế nào. Nếu coi vàng là tiền mà phải quản lý thì sẽ cản trở việc lưu thông vàng như là một hàng hóa bình thường. Còn nếu xem vàng như là hàng hóa cần quản lý thì NHNN phải giải thích được lý do vì sao phải đối xử với vàng như vậy. Chỉ khi coi vàng là một hàng hóa đặc biệt tự thân nó có chức năng tiền tệ thì mới cần phải quản lý, và cũng với chức năng này thì mới có chuyện huy động vàng để phát triển kinh tế.

Để vàng “bò ra khỏi két sắt” người dân, NHNN phải bình ổn được giá trước tiên

Để bình ổn được vàng, vị chuyên gia cho rằng NHNN cần thiết phải có lượng vàng dự trữ để can thiệp được ngay khi thị trường "sốt", giống như đang làm với ngoại tệ. NHNN phải có mua vào và bán ra. Nếu NHNN chỉ có bán (như thời gian qua) mà không mua thì sẽ hao hụt nguồn dự trữ và do đó NHNN nên mua vào dần khi thị trường vàng bình ổn nhằm cân bằng nguồn dự trữ nếu muốn thực hiện đúng vai trò bình ổn.

Hãy để ý rằng trong các cơn sốt vàng, lượng vàng được mua để đầu cơ không lớn đến mức NHNN không thể có "lực" để cung ứng ra thị trường. Cơn sốt vàng không xảy ra đồng loạt trên cả nước mà chỉ xảy ra cục bộ ở các trung tâm kinh tế là các thành phố lớn rồi sau đó mới lan dần xuống các trung tâm kinh tế (các đô thị) khác nhỏ hơn nên việc dập tắt cơn sốt không quá khó.

NHNN cũng rất khó giao việc dập tắt cơn sốt vàng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) đảm nhiệm vì phải có lợi ích như thế nào thì các NHTM mới làm, ngoài ra còn phải tính đến những vấn đề phát sinh khác như kiểm định chất lượng để tránh hàng thiếu chất lượng không đủ chuẩn.

Cho nên trách nhiệm bình ổn giá vàng qua đó để thực hiện chính sách tiền tệ thì vẫn phải do NHNN đảm nhiệm.

NHNN vẫn có thể cung cấp vàng cho các công ty lớn kinh doanh vàng như trước đây, và xây dựng chân rết của mình là các thành viên trong Hiệp hội kinh doanh vàng ở các trung tâm kinh tế. Để khi có cơn sốt xảy ra, thông qua mạng lưới chân rết của mình, NHNN sẽ cấp ngay hạn ngạch mua vàng và bán ngay trong ngày thì cơn sốt sẽ hạ nhiệt. Như vậy NHNN vẫn giữ được vai trò quản lý, điều tiết việc bán ra mua vào để bình ổn giá giống như việc thông qua hệ thống NHTM để bình ổn ngoại tệ vậy.

Vị chuyên gia khẳng định, muốn huy động được vàng thì trước tiên phải bình ổn được giá vàng. Một khi việc đầu cơ làm giá để tạo ra các cơn sốt vàng nhằm thu lợi ích ở mức thấp nhất, người giữ vàng chỉ còn lợi ích "cất giữ giá trị", thì lúc đó người giữ vàng sẽ mới tính đến chuyện gửi vàng lấy lãi hoặc bán vàng lấy tiền Đồng gửi tiết kiệm hay để làm vốn sản xuất kinh doanh, khi đó vàng cất trữ mới "bò ra khỏi két sắt" trở thành nguồn vốn đầu tư đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

Tùng Lâm - Cẩm Vân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên