MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẹp loạn thu phí BOT

22-05-2016 - 08:11 AM | Xã hội

Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát các trạm thu phí BOT cũ và mới để xem xét lại mức tăng phí, khoảng cách đặt trạm... Dừng thu phí trạm BOT Sông Phan từ trưa 21-5

Ngày 21-5, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã ký công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý Đường bộ (QLĐB) IV, chủ đầu tư và các địa phương liên quan, yêu cầu dừng thu phí trạm Sông Phan trên Quốc lộ 1 (QL1) - đặt tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - ngay từ trưa cùng ngày.

“Trảm” ngay dự án ầu ơ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định: “Tổng cục đã giao Cục QLĐB IV chủ trì, phối hợp với CSGT, công an, thanh tra giao thông và đại diện doanh nghiệp (DN) dự án BOT (Chi nhánh 319 Sông Phan - PV) dừng thu phí cho đến khi chủ đầu tư khắc phục xong hằn lún ở đoạn QL1 này và các tồn tại đã được nêu trước đó”.

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, đúng 12 giờ ngày 21-5, tại văn phòng trạm thu phí Sông Phan trên QL1, biên bản làm việc về việc tạm dừng thu phí theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ đã được ký kết giữa đại diện lãnh đạo Cục QLĐB IV (ông Nguyễn Công Thanh, phó cục trưởng) và lãnh đạo Chi nhánh 319 Sông Phan (ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc). Chi nhánh 319 Sông Phan đã nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ.

Trước đó, ngày 13-5, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản về việc xử lý các hư hỏng, bất cập của dự án BOT cải tạo QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai gửi các đơn vị liên quan. Theo đó, dự án cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai theo hình thức BOT do Tổng Công ty 319 là nhà đầu tư, Chi nhánh 319 Sông Phan là DN dự án. Công trình đưa vào khai thác từ tháng 3-2015, thời gian bảo hành 24 tháng. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác một thời gian, trên tuyến bắt đầu xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe ở một số nơi, kể cả điểm đen.

Cục QLĐB IV đã có nhiều văn bản nhắc nhở, yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa để bảo đảm an toàn giao thông. Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư, DN dự án khắc phục và nâng cao công tác quản lý, bảo trì công trình. Tuy nhiên, đoạn đường nêu trên vẫn tồn tại hằn lún vệt bánh xe với khoảng 11.000 m2 và chưa hoàn thành xử lý điểm đen. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư, DN dự án khẩn trương tổ chức xử lý điểm đen và khắc phục dứt điểm những nơi hằn lún vệt bánh xe trước ngày 20-5.

Đến ngày 20-5, qua kiểm tra của Cục QLĐB IV, Chi nhánh 319 Sông Phan chỉ mới khắc phục 3.800 m2 đường hằn lún trong tổng số hơn 15.000 m2. Đây là lý do để Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng thu phí tại trạm BOT Sông Phan.

Chiều 21-5, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, cho biết chỉ riêng đoạn QL1 qua 2 huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam của tỉnh này, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 40 khu vực bị trồi, lún rất nghiêm trọng. Nhiều chỗ đường trồi lên 7-10 cm, gây khó khăn cho xe cộ lưu thông, thậm chí rất dễ xảy ra tai nạn.

“Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Tổng Công ty 319 nhanh chóng sửa chữa các đoạn đường kém chất lượng nhưng đơn vị này thực hiện quá chậm. Vì thế, cơ quan chức năng quyết định dừng thu phí trạm Sông Phan” - ông Thanh giải thích.

Không sửa đường hỏng: Phải dừng thu phí

Động thái nêu trên đã chứng minh cho thông điệp của Tổng cục Đường bộ đưa ra vài ngày trước đó: Dự án BOT nào kém chất lượng mà chậm khắc phục, sửa chữa thì phải dừng thu phí.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết ông vừa có công điện gửi các Cục QLĐB I, II, III, IV; Cục QLĐB cao tốc; các sở GTVT Quảng Ninh, Bình Phước và Bình Dương; các nhà đầu tư, DN dự án BOT..., về việc sửa chữa, bảo trì, khắc phục kịp thời các hư hỏng tại những công trình đường bộ theo hình thức BOT đã đưa vào khai thác.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu những cơ quan, đơn vị nêu trên phải quy định thời điểm bắt đầu sửa chữa, thời hạn nhà đầu tư phải hoàn thành việc khắc phục công trình.

“Sau 3 đến 5 ngày, nếu nhà đầu tư không có chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng báo cáo và đề nghị Tổng cục Đường bộ đình chỉ thu phí theo quy định. Tổng cục sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết đình chỉ thu phí đối với những công trình BOT vi phạm chất lượng trong giai đoạn khai thác mà không được sửa chữa kịp thời” - ông Huyện quả quyết.

Nhập trạm thu phí, giãn thời gian thu

Trong một diễn biến liên quan, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông” tổ chức chiều tối 20-5, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho rằng đang có tình trạng phí chồng phí - DN vừa đóng phí trên đầu phương tiện lại đóng phí BOT. Trạm thu phí bủa vây khắp nơi nên DN phải đóng phí vận tải quá nhiều và gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.

“Chủ trương thì đúng, sử dụng đường tốt hơn thì đóng phí nhưng đóng đến bao giờ và đóng như thế nào? Mức phí đang thu chưa phù hợp với sức của người dân. Thời gian tới, khi tiến hành đầu tư các dự án BOT cần phải có lộ trình, cái nào cấp thiết thì làm trước, cái nào chưa thì giãn ra, không nhất thiết phải làm với bất kỳ giá nào” - ông Liên đề xuất.

Theo ông Liên, với dự án BOT và các công trình giao thông nói chung, nên công khai, minh bạch cho người dân biết ngay từ đầu. Nhà nước cần kiểm soát suất đầu tư. Hiện nay, suất đầu tư do nhà đầu tư xây dựng nên sự kiểm soát thiếu chặt chẽ, nếu có vốn ngân sách thì sẽ kiểm soát chặt hơn.

“Tôi rất băn khoăn vì trong nhiều hợp đồng BOT có ghi bảo mật. Tại sao hợp đồng do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính ký không có dấu mật mà bên trong lại có điều khoản bảo mật là không được cung cấp thông tin kinh tế kỹ thuật cho bên ngoài, dẫn tới việc ngay trong nội bộ cổ đông nhà đầu tư cũng nghi ngờ lẫn nhau. Gần như 80 điều khoản trong hợp đồng đều bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư mà không có điều khoản nào bảo vệ người dân” - ông Liên so sánh.

Về ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết rất chia sẻ với DN vận tải. Theo ông, trong quá trình thực hiện các dự án BOT, bộ đã cân nhắc rất kỹ nhằm thực hiện đúng quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70 km và tính toán mức tăng phí sao cho phù hợp lộ trình.

Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT đang rà soát lại tất cả trạm BOT trên cả nước. Trong 71 trạm BOT đang và sắp đưa vào hoạt động, 60 trạm cơ bản đáp ứng khoảng cách theo quy định, 11 trạm cần phải xem xét nhập lại để giãn khoảng cách. Trong vòng bán kính 50 km thì không đặt quá 3 trạm với các dự án BOT khác nhau, nếu có sẽ ghép lại để phương tiện không phải đi qua quá nhiều trạm.

“Bộ GTVT cũng sẽ rà soát lại các trạm BOT cũ và mới để xem xét mức tăng phí. Một số trạm đến hạn hợp đồng 3 năm tăng phí nhưng bộ chưa cho tăng. Các trạm mới cần xem xét thời gian hoàn vốn kéo dài nhất để giảm mức phí. Đồng thời, xem xét giảm tiếp phí cho xe container 20-40 fit để giữ các tuyến đường khỏi xe quá tải” - thứ trưởng cho biết.

Ông Trường tiết lộ đầu tháng 6 tới, Bộ GTVT sẽ tổng kết 5 năm thực hiện dự án BOT giao thông, báo cáo Chính phủ những điều chỉnh quy hoạch đầu tư các dự án, mức phí…. Bộ cũng tiếp tục rà soát, xem xét nhập lại các trạm, giãn thời gian thu phí để mức thu thấp xuống nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu cho trạm, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và đơn vị vận tải.

Nhà nước chưa thể mua lại trạm BOT

Trả lời câu hỏi về việc nhà nước có tính đến chuyện mua lại các trạm thu phí BOT hay không, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng ngân sách còn rất khó khăn, nếu mua lại các trạm BOT sẽ khiến nợ công tăng cao hơn. Do đó, phải cần thêm thời gian, khi kinh tế tốt lên thì mới tính đến việc mua lại trạm thu phí.

“Về chủ trương, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ khi thu nhập bình quân đầu người tương đương khu vực, khoảng 10.000-15.000 USD, thì đặt vấn đề nhà nước mua lại trạm thu phí để việc đi lại của người dân thuận lợi hơn” - ông Trường cho biết.

“Trong tuần tới, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí. Chúng tôi hứa với DN là sẽ vào cuộc tích cực để giảm bớt áp lực tăng phí” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Quá nhiều bất cập

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng dù chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức đúng đắn nhưng việc triển khai thu phí tại nhiều trạm nói chung, các trạm thu phí BOT nói riêng đang tồn tại nhiều bất cập.

Thứ nhất, nhiều trạm đặt chưa đúng vị trí, điển hình như các trạm số 1, 2 trên QL5 cũ. Theo quy định về thu phí đường bộ qua đầu phương tiện, lẽ ra 2 trạm này phải giải thể từ năm 2013. Tuy nhiên, thời gian qua, 2 trạm thu phí này vẫn được duy trì với lý do để hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng khi triển khai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Thứ hai, các trạm thu phí được bố trí quá gần nhau. Ví dụ, tuyến Hà Nội - Thái Bình chỉ 100 km mà có tới 4 trạm thu phí. Thực tế, đã có tình trạng phí đường bộ cao hơn cả tiền xăng, làm đảo lộn chi phí vận tải.

Thứ ba, các trạm BOT vẫn áp dụng thu phí bằng tiền mặt dẫn tới sự thiếu minh bạch, công khai. Điều này được thể hiện khá rõ ở tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Theo Văn Duẩn - Lê trường

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên