MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may đuối sức

Đơn hàng chỉ “đủ ăn” và có nguy cơ “đói” trong những tháng tới; giá XK giảm trong khi hàng loạt chi phí tăng lên; nhu cầu của các thị trường NK giảm… là những khó khăn đang “bao vây” khiến các DN dệt may như rơi vào vũng lầy. Hơn nữa, mục tiêu XK của ngành cũng có nguy cơ không hoàn thành.

Đơn hàng “chạy” mất

“Chưa có gì sáng sủa” là câu trả lời của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về tình hình XK dệt may. Thực tế, DN XK dệt may đang gặp khó khăn như tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng không dồi dào, giá cả không tăng trong khi chi phí tăng, đơn hàng lớn ký được thì giá rẻ. “Cầm cự và chống chọi là những gì mà DN dệt may đang làm”, ông Hồng nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Thăng, Trưởng phòng thị trường Công ty CP May Đáp Cầu cho hay: Hiện nay, hợp đồng của công ty chúng tôi đã đủ đến tháng 7. Tuy nhiên, có nhiều hợp đồng đã ký từ những tháng trước và sau Tết trong tâm thế “vơ bèo vạt tép” nên giá XK không cao, so với năm ngoái giảm khoảng 10%. Giá XK không tăng, trong khi các chi phí khác liên tục đội lên như tăng lương, bảo hiểm… nên đã “ăn vào” lợi nhuận của DN. Một yếu tố khác nữa cũng đang làm "khó" các doanh nghiệp, đó là yêu cầu của các thị trường NK ngày càng khắt khe hơn, chặt chẽ hơn. Ông Thăng ước tính, kim ngạch XK dệt may của Công ty trong 5 tháng đầu năm đạt 300 tỷ đồng, tăng 5% nhưng mức tăng này không xuất phát từ việc tăng giá, tăng năng suất mà là do Công ty tự mở rộng quy mô sản xuất.

Không chỉ vậy, một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, lại bị khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia, khiến lượng đơn hàng tại Việt Nam bị hụt. Theo ông Hồng, đơn hàng có xu hướng chạy sang Bangladesh và Campuchia do 2 nước này có giá nhân công rẻ, cộng thêm với việc được ưu đãi thuế quan. Ví dụ như Campuchia, khi XK sang Mỹ được ưu đãi thuế 0% chứ không phải như Việt Nam phải chờ đến khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Những khó khăn nêu trên đã khiến cho kim ngạch XK chung của toàn ngành dệt may trong tháng 5 và 5 năm đầu năm 2016 tăng ở mức thấp. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, XK dệt may trong tháng 5 ước đạt 1,75 tỷ USD, chỉ tăng 3,8% so với tháng 5-2015. Tính chung 5 tháng, kim ngạch XK ngành dệt và may mặc ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sự tăng trưởng này chủ yếu là do sự đóng góp của các DN FDI trong khi các DN ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.

Đuối

Việc thiếu đơn hàng trước mắt các DN vẫn có thể khắc phục được nhưng theo ông Thăng, từ tháng 8, đơn hàng có vẻ “đuối”. Do vậy, câu hỏi nhận định về những tháng tiếp theo sẽ ra sao, rất nhiều DN không trả lời được. Cũng bởi những khó khăn này, mục tiêu XK 31 tỷ USD trong năm 2016 của ngành đã được điều chỉnh xuống mức trên 29 tỷ USD. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng tỏ ra lo lắng cho mục tiêu XK của ngành dệt may có khả năng không đạt nên đã khẩn trương yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ xem xét lại Thông tư 37/2015/TT-BCT về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm với các sản phẩm dệt may.

Trên thực tế, năm 2015, XK dệt may có đà tăng trưởng trên 10%, XK dệt may Việt Nam sang các thị trường lớn đều đạt mức tăng trưởng khá, từ 7-13% so với năm 2014. DN trong ngành tiếp tục kỳ vọng ngành dệt may sẽ duy trì được mức tăng trưởng đó trong năm 2016. Tuy nhiên, tình hình XK dệt may từ đầu năm cho đến nay không mấy khả quan. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kinh tế thế giới chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hồi phục. Thị trường như châu Âu, Nhật Bản và một số nước đang phát triển khác tín hiệu tăng trưởng kinh tế không cao nên xác định tổng cầu năm 2016 của thế giới vẫn chỉ tương đương năm 2015. Trong bối cảnh này, việc tăng trưởng kim ngạch XK của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ đạt từ 8-10% bởi vì các Hiệp định thì chưa có hiệu lực, cầu thấp, đơn giá thấp nhưng tăng trưởng về sản lượng có thể đạt từ 11-12%.

Như vậy, khó khăn của ngành dệt may đã được đặt ra ngay từ đầu năm và “tình trạng này có thể kéo dài". Theo ông Hồng giải pháp hiện nay là DN liên kết với nhau chia sẻ đơn hàng. Do vậy, phía DN mong muốn được tạo thuận lợi hơn nữa để XK dệt may có thể khởi sắc trong những tháng tới.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên