MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may Việt Nam ngày càng chịu sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, Myanmar

Điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam là chưa phát triển được chuỗi cung ứng khiến giá trị gia tăng thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia... cũng đang gia tăng áp lực cạnh tranh thị phần với Việt Nam...

Đây là nội dung được đề cập tại Hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu”, do Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại-Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/11.


Doanh nghiệp dệt may cần tăng khả năng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)

Doanh nghiệp dệt may cần tăng khả năng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng của ngành dệt may, các chuyên gia trong ngành thừa nhận, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Điểm yếu nhất hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may khiến giá trị gia tăng toàn ngành thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra những thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới, đó là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... Các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp hơn so với Việt Nam.

Để vượt qua được những rào cản và cạnh tranh tốt hơn, ông Hồng cho rằng, các doanh nghiệp cần khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề của công nhân cũng như đổi mới phương thức quản lý, qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

Ông Hồng cũng dự báo, 2018 sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng nếu thực hiện các chiến lược một cách bài bản và đi đúng hướng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang nghiên cứu phương thức kinh doanh hiệu quả hơn, taọ ra giá trị mới nhiều hơn, ví dụ như làm FOB, ODM, tạo ra một giá trị mới và giảm bớt giá trị gia công. Theo ông Hồng, nếu làm được điều đó sẽ tạo ra được giá trị mới, năm 2018 hy vọng rằng tăng trưởng của những phương thức kinh doanh sẽ tốt hơn.

Để khắc phục hạn chế, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.

Các giải pháp được đưa ra là, cần khai thác tối đa thị trường nội địa hơn 90 triệu dân; Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…. cần chú trọng phát triển các thị trường khác như Asean, Liên minh Á-Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ-Latinh…

Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước vào các khâu: sản xuất sợi, dệt, nhuộm, đồng thời nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực để phát triển các nhà máy dệt may thông minh.

9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành trên 75% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong quý 4 đạt 8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 31 tỷ USD. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…đều có mức tăng trưởng tốt./.

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên