MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ bất thường BIDV: Cổ đông đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt thành nhiều đợt

22-10-2016 - 10:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Vào phút chót trước khi diễn ra ĐHCĐ bất thường sáng nay, BIDV đã đưa ra thông báo kế hoạch chi trả cổ tức năm 2015 theo tỷ lệ 8,5% cổ phiếu bằng tiền mặt.

Sáng nay (22/10), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV - mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Mục đích cuộc họp là sửa đổi điều lệ của Ngân hàng, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT.

Tờ trình của Hội đồng quản trị BIDV đã đề nghị bác bỏ nội dung “Chủ tịch Hội đồng Quản trị là người đại diện pháp luật của BIDV” và “đại diện cho BIDV trong quan hệ tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”.

Đại hội dự kiến sẽ thông qua việc sửa đổi khoản 5, điều 2 có nội dung thành “Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của BIDV”.

ĐHCĐ đã tiến hành biểu quyết trực tiếp về nội dung sửa đổi người đại diện pháp luật với tỷ lệ nhất trí đạt 100%.

Trong khi đó, một trong nội dung của ĐHĐCĐ bất thường hôm nay được chờ đợi nhưng không được đề cập đến là việc sẽ thông qua chủ tịch HĐQT mới thay cho ông Trần Bắc Hà nghỉ hồi tháng 9 vừa qua. Hiện ông Trần Anh Tuấn, thành viên HĐQT đang được giao trách nhiệm phụ trách HĐQT.

Bất ngờ trả cổ tức bằng tiền mặt

Hội đồng quản trị BIDV đã có thông báo về việc chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2015. Theo đó tỷ lệ chi trả 8,5% cổ phiếu bằng tiền mặt. Ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách người sở hữu cổ phiếu dự kiến là ngày 04/11/2016 và ngày thực hiện chi trả là 21/11/2016.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2016 ngân hàng đã thông qua nội dung chia cổ tức thấp hơn kế hoạch ban đầu (lớn hơn 9%) và bằng cổ phiếu chứ không phải bằng tiền mặt.

Vào thời điểm tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính bất ngờ có văn bản đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt.

Như vậy, với việc thông qua phương án trả bằng tiền mặt, BIDV sẽ phải chi khoảng 2.700 tỷ đồng để nộp cho Bộ Tài chính.

Lợi nhuận 9 tháng đạt 5.623 tỷ đồng

Đến hết quý III/2016, tổng tài sản của BIDV đạt 956 nghìn tỷ, tăng 11,5% so với đầu năm và đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng cổ phần.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đến hết 30/09/2016 đạt trên 912 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với đầu năm. Trong đó dư nợ tín dụng đạt trên 698 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,72%.

Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 887 nghìn tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 754.000 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm. Cơ cấu huy động vốn chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng nền vốn ổn định từ khách hàng dân cư, số dư đạt trên 427 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, chiếm 57% tổng huy động vốn.

Hoạt động bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong kết quả kinh doanh của ngân hàng với dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 19% so với đầu năm, tỷ trọng đạt 24% tổng dư nợ. Doanh thu dịch vụ ròng đạt 2.685 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng 9 tháng ước đạt 5.623 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 71% kế hoạch năm.

Cổ đông đề xuất cổ tức chia nhiều đợt

Cổ đông: Tại sao lại thay đổi người đại diện pháp luật?

Tổng giám đốc Phan Đức Tú: Luật doanh nghiệp 2014 quy định cho phép Người đại diện pháp luật là hơn 1 người. Nhưng ngân hàng còn phải tuân thủ Luật các TCTD, trong đó quy định Người đại diện pháp luật chỉ là 1 trong 2 vị trí là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc. Do đó, ngân hàng triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để sửa nội dung Tổng giám đốc là người đại diện pháp luật vào Điều lệ.

Cổ đông: Tôi đề xuất ĐHCĐ thường niên năm sau nên chia cổ tức thành 2 đợt, đợt 1 tạm ứng tiền mặt và đợt 2 chia một phần bằng cổ phiếu, nếu tăng vốn thì cổ đông sẵn sàng mua. Rút kinh nghiệm năm nay, nên chia nhiều đợt sẽ tiện hơn, như nhiều ngân hàng khác chia thành 2 đợt cổ tức. Còn nếu ngân hàng kêu khó khăn trong việc tăng vốn thì chúng tôi sẽ sẵn sàng góp. Hiện giá cổ phiếu BID là hơn 17.000 đồng/CP nếu phát hành chia cổ tức với giá 10.000 đồng/CP thì cổ đông sẽ có lợi.

Ông Phan Đức Tú: Ngân hàng ghi nhận ý kiến và sự quan tâm của cổ đông tới hoạt động của BIDV. Sau 3 quý hoạt động, BIDV vừa công bố kết quả kinh doanh với nhiều tín hiệu khả quan.

Tín dụng gia tăng ngay từ đầu năm và bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN giao năm 2016. Chúng tôi cũng đã đề nghị tăng trưởng nếu được NHNN cho phép tăng lên 20% nhưng khó có thể lên được mức này theo tín hiệu như hiện nay mà chỉ tăng ở mức 18%. Vì vậy, chúng ta sẽ giữ mức tăng trưởng huy động hơn 19% một chút để đảm bảo hoạt động của ngân hàng.

Chỉ tiêu lợi nhuận đạt 7900 tỷ đồng và sau 9 tháng đã hoàn thành 71% kế hoạch. Chia cổ tức năm 2016 dự kiến lớn hơn hoặc bằng 7%. Nợ xấu dưới 3% chúng tôi nghĩ kiểm soát được.

Về cổ tức, BIDV đã trình phương án chia cổ tức và đến ngày 21/10, cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8,5%. Ngày 4/11, sẽ chốt cổ đông và 21/11 sẽ chi cổ tức cho cổ đông.

Ngân hàng cũng ghi nhận ý kiến của cổ đông về thực hiện chia cổ tức năm 2016 2 đợt là chính đáng, chúng tôi sẽ kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền vì quyền chi cổ tức là quyền của cổ đông lớn nhà nước vì cổ phần Nhà nước chiếm trên 95% và trình xin ý kiến các cổ đông tại ĐHCĐ.

Hệ số CAR trên 9% gần chạm ngưỡng của NHNN, và sắp tới ngân hàng sẽáp dụng chuẩn mực Basel II, vì vậy chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu là điều ngân hàng rất cân nhắc. Việc trả tiền mặt để nộp ngân sách sẽ rất khó để tăng vốn.

Cổ đông: Tốc độ cho vay và huy động, huy động tăng trưởng nhanh hơn, LDR đã được cải thiện là bao nhiêu? Tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là bao nhiêu?

Kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2016 là 7.900 tỷ thì chi phí dự phòng ước tính là bao nhiêu?

Trái phiếu VAMC khá lớn nếu trích lập 20% ảnh hưởng đến lợi nhuận của BIDV. Ngân hàng có xin giảm thời gian trích lập không?

Ông Phan Đức Tú: Chúng tôi đang điều hành huy động vốn tăng nhanh hơn tín dụng. Hiện tỷ lệ LDR là 81,7%.

Về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, BIDV vẫn đáp ứng được yêu cầu NHNN.

Với kế hoạch trích lập dự phòng cả năm, ngân hàng dự tính trích từ 6,5 – 7 nghìn tỷ. ( Tuy nhiên chỉ sau 9 tháng đầu năm, BIDV đã trích lập gần 7 nghìn tỷ - PV).

Về bán nợ cho VAMC, trái phiếu hơn 20.500 tỷ đồng. Quy định trích mỗi năm là 20% và hiện vẫn đang trích mức này với tổng trích hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, cân đối trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC và trích dự phòng rủi ro các khoản nội bảng của ngân hàng. Chúng tôi sẽ không xin giảm thời gian trích lập. Cổ đông hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên