MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Eximbank: Người cũ của Nam A Bank chính thức tham gia Hội đồng quản trị, mục tiêu lợi nhuận 1.600 tỷ trong năm 2018

27-04-2018 - 09:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ đông Eximbank rất bức xúc vì uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng và hỏi ông Tổng giám đốc có nên từ chức?

Sáng nay 27/4, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018.

Tính đến thời điểm 9h00, số cổ đông tham dự là 198 cổ đông chiếm hơn 82% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Kế hoạch lãi 1.600 tỷ đồng trong năm nay

Theo các báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành gửi tới cổ đông, năm 2017 Eximbank đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt các kết quả khả quan.Theo đó, tổng tài sản đến cuối năm 2017 là hơn 149 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016; Huy động vốn đạt hơn 117 nghìn tỷ, tăng 14,8%: dư nợ cho vay đạt hơn 101 nghìn tỷ, tăng 16,6%; tỷ lệ nợ xấu 2,27% và lợi nhuận trước thuế 1.018 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2018, ngân hàng sẽ nâng tổng tài sản lên 178 nghìn tỷ, tăng 19% so với năm 2017; huy động vốn tăng 26% và dư nợ cấp tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng.

Đã xử lý được hơn 93% kiến nghị của thanh tra

Ngân hàng cho biết, sau khi có kết luận thanh tra ngày 19/10/2015 của cơ quan thanh tra kiến nghị ngân hàng khắc phục một số vấn đề liên quan đến các khoản phải thu hồi từ Eximland và thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát giai đoạn 2013 – 2015 cũng như dự án trụ sở ngân hàng tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm.

Tính đến hết tháng 3 năm nay, Eximbank đã thực hiện được hơn 93% kiến nghị thanh tra, còn lại hơn 6,4% tích cực chỉnh sửa.

Về liên quan Eximland, khoản phải thu do bán tài sản cố định không đúng quy định đã được điều chỉnh hồi tố ngày 31/12/2014 dẫn đến khoản lỗ lũy kế hơn 834 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã được bù đắp bằng lợi nhuận còn lại sau khi trích lập dự phòng từ các năm 2015 – 2017. Đến nay Eximbank đã xử lý hết lỗ lũy kế. Ngoài ra Eximbank đã thu hồi một phần từ các quỹ đã trích với tổng số tiền là hơn 101 tỷ đồng, trong đó quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và dự phòng tài chính hơn 91 tỷ; quỹ khen thưởng phúc lợi 10 tỷ.

Về các khoản thuế, phí đã nộp liên quan đến Eximland thì sau khi Eximbank kiến nghị xin được khấu trừ số thuế đã được nộp nhưng không được Tổng cục Thuế chấp thuận và Eximbank đã hạch toán ngoài bảng theo dõi thu hồi.

Về kiến nghị thu hồi thù lao HĐQT, BKS đã chi thừa các năm 2013 – 2015 thì thanh tra kiến nghị 80,78 tỷ đồng, ngân hàng cho biết đến nay mới thu hồi được 17 tỷ và ngân hàng cho biết tiếp tục thực hiện thu hồi.

Về tiến độ thực hiện dự án tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (trụ sở chính của ngân hàng), Eximbank cho biết theo tư vấn của công ty Savills Việt Nam, Eximbank đã rà soát dự án và chọn phương án đầu tư Tòa tháp văn phòng 40 tầng, hình thức đầu tư là Eximbank chỉ góp vốn là giá trị đất và không góp tiền.

Với mục tiêu lựa chọn đối tác tốt nhất, Eximbank đã ký kết hợp đồng dịch vụ thuê Savills Việt Nam tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án. Hiện đã có 16 nhà đầu tư lớn của VN và nước ngoài quan tâm đến dự án. Công ty Savills đang tích cực thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất cho Eximbank và thời hạn đưa ra kết quả tư vấn là trong năm 2018.

ĐHCĐ Eximbank: Người cũ của Nam A Bank chính thức tham gia Hội đồng quản trị, mục tiêu lợi nhuận 1.600 tỷ trong năm 2018 - Ảnh 1.

ĐHCĐ Eximbank

Đề nghị mức thù lao cho HĐQT năm 2018 là 2% lợi nhuận trước thuế nhưng không thấp hơn 15 tỷ; chi phí công tác 7,5 tỷ

Eximbank có tờ trình gửi tới cổ đông về thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT năm 2018. Theo đó, tổng mức thù lao cho các thành viên HĐQT năm nay (10 thành viên nếu thêm cả bà Tú) là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất nhưng không thấp hơn 15 tỷ đồng.

Các chi phí thường xuyên phục vụ cho hoạt động của HĐQT, bao gồm cả chi phí công tác, xăng dầu, tiếp khách, cước điện thoại...là 7,5 tỷ.

HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc chi thù lao cho ban kiểm soát năm 2017 là 6,5 tỷ đồng (dựa trên kết quả kinh doanh và tham khảo các tổ chức tín dụng khác).


Eximbank báo cáo cổ đông 2 vụ mất tiền

Hội đồng quản trị đã có báo cáo chi tiết gửi tới cổ đông về các vụ việc khiếu nại lớn chưa được xử lý. Theo đó, trong năm 2017, Eximbank phát sinh 2 vụ rủi ro tiền gửi lớn là vụ khách gửi 50 tỷ đồng vào PGD Eximbank Đô Lương (Nghệ An) và khách hàng Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng vào Eximbank chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Theo HĐQT Eximbank, hai vụ việc này có tính chất tương đồng.

Đối với vụ 245 tỷ, Eximbank cho biết, từ cuối tháng 2/2017, Eximbank phát hiện số dư tiền gửi khách hàng Chu Thị Bình trên hệ thống có sự chênh lệch so với số dư tiền gửi trên các sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ. Ngay khi phát hiện vụ việc Eximbank đã có đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh.

Ngày 12/6/2017, C44 thông báo cho Eximbank là chữ ký của bà Bình trên chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật và ngày 7/12/2017 cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã đối với ông Hưng.

Xét thấy các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình, trong khi vụ án chưa có kết luận của cơ qua điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền tiết kiệm theo yêu cầu của bà Bình. Hai bên hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi chờ phán quyết của tòa, Eximbank cho biết vẫn có thiện chí để cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý và phù hợp quy định của pháp luật.

Sau vụ việc, Eximbank đã tăng cường kiểm tra, rà soát lại huy động vốn trong toàn hệ thống, kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài hai trường hợp là của bà Bình và ở chi nhánh Đô Lương, Nghệ An.

Đồng thời Eximbank cũng rà soát và cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống, đặc biệt là khách hàng có thể kiểm tra tiền gửi qua internet banking, mobile banking, SMS; xác thực việc ủy quyền bằng vân tay, luân chuyển cán bộ nội bộ.

Eximbank sẽ bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị

Trước đó, tài liệu gửi tới cổ đông cho biết đại hội lần này sẽ bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ hiện tại (2015 - 2020), tuy nhiên có tới 4 ứng viên nộp hồ sơ (trong đó có 1 hồ sơ ứng cử viên cập nhật thông tin đã nộp năm 2017).

Trước khi vào đại hội, được biết Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận 1 người trong số 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank).

Và trong tài liệu gửi tới cổ đông hôm nay, Ngân hàng cho biết ngày hôm qua 26/4 đã nhận được 3 đơn đề nghị của 3 ứng viên về việc không tham gia ứng cử vào HĐQT. Do vậy Eximbank đề nghị cổ đông bầu cử một mình bà Tú vào Hội đồng quản trị.

ĐHCĐ Eximbank: Người cũ của Nam A Bank chính thức tham gia Hội đồng quản trị, mục tiêu lợi nhuận 1.600 tỷ trong năm 2018 - Ảnh 2.

Bà Lương Thị Cẩm Tú

Bà Lương Thị Cẩm Tú là cử nhân ngành quản trị kinh doanh loại ưu năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs (Mỹ) và có 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. 

Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí trọng yếu trong các tổ chức kinh tế lớn và uy tín như: Phó tổng giám đốc thường trực - phụ trách kinh doanh Nam A Bank; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; Giám đốc chi nhánh Sacombank; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Đường Ninh Hòa...


CỔ ĐÔNG HỎI - LÃNH ĐẠO EXIMBANK TRẢ LỜI

Sau các báo cáo, đại hội bước sang phần thảo luận.

Cổ đông hỏi lợi nhuận quý 1/2018 của Eximbank bao nhiêu?

Lãnh đạo Eximbank trả lời, hết quý 1, ngân hàng đạt 721 tỷ đồng trước dự phòng rủi ro, chỉ còn 560 tỷ sau khi đã dự phòng.

Cổ đông hỏi: Eximbank còn bao nhiêu cổ phiếu STB, bao giờ thoái vốn hết?

Lãnh đạo Eximbank cho biết toàn bộ cổ phiếu STB, Eximbank đã bán hết, do vậy không còn cổ phiếu STB nữa.

Cổ đông hỏi: Kế hoạch kinh doanh 2018 có thấp không? 

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2017 trừ đi các khoản bán cổ phiếu thì lợi nhuận từ hoạt động bình thường 2017 chỉ là 650 tỷ. Lợi nhuận năm 2018 đặt ra là 1.600 tỷ nhưng thực từ năm 2018 là hơn 1.000 tỷ vì đã có 521 tỷ từ bán vốn tại Sacombank. Do vậy, từ 650 tỷ lên hơn 1.000 tỷ không phải con số thấp.

Cổ đông hỏi: HĐQT làm gì để đưa Eximbank trở lại? 

Lãnh đạo Eximbank cho biết Eximbank từng ở vị trí thứ 5, thứ 6 nhưng 2015 – 2016 rơi xuống vị trí thứ 15, sau đó chặn được sự suy giảm về thị phần, nâng lên vị trí thứ 13 vào năm 2017 về quy mô ngân hàng Việt Nam.

HĐQT đã thông qua từ trong năm kế hoạch chiến lược, kế hoạch tái cấu trúc New Eximbank đến 2020 với các điểm mấu chốt. Đầu tiên là tập trung xử lý tồn đọng, đưa về chuẩn của ngân hàng bình thường; thứ hai là chặn đà giảm của thị phần để nâng thị phần lên nhóm 10 ngân hàng hàng đầu; thứ ba là cải tổ toàn bộ hệ thống nội bộ để lành mạnh hóa, minh bạch hóa; thứ tư là cấu trúc lại toàn bộ tài sản theo hướng bền vững, an toàn…Đến 2020, nếu đạt được tham vọng tăng trưởng tổng tài sản 20-25% thì sẽ trở lại top 10 ngân hàng, nhưng đó là một mục tiêu khá khó khăn.

Cổ đông hỏi: Từ năm 2013 đến nay không được chia cổ tức, năm 2018 có chia không? 

Lãnh đạo Eximbank nói nếu đạt kế hoạch lợi nhuận 1.600 tỷ trong năm nay thì sẽ có khoản chưa chia sau thuế khoảng 1.300 tỷ để có thể chia được.

ĐHCĐ Eximbank: Người cũ của Nam A Bank chính thức tham gia Hội đồng quản trị, mục tiêu lợi nhuận 1.600 tỷ trong năm 2018 - Ảnh 3.

Nhiều cổ đông Eximbank bày tỏ bức xúc vì uy tín bị ảnh hưởng sau các vụ mất tiền

Một cổ đông đã 85 tuổi đứng lên phát biểu ý kiến bức xúc vì các vụ mất tiền của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín. Bà cụ cho biết, cụ là một trong những cổ đông sáng lập, từ xưa đến nay vẫn giữ nguyên đầu tư vào ngân hàng, ngay cả giai đoạn khó khăn cũng không rút tiền ra. Thế nhưng ngay trong nội bộ ngân hàng, ông phó giám đốc chi nhánh rồi nhân viên lại đi rút tiền của ngân hàng và để cho cổ đông phải chịu. Vậy thì trách nhiệm của các ông lãnh đạo là chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc ở đâu?

Một cổ đông khác cũng có chung tâm tư với vị cổ đông già nói trên, và ông thậm chí còn đặt câu hỏi thẳng thắn rằng lãnh đạo ngân hàng có nghĩ đến chuyện từ chức hay không?

Tổng giám đốc ngân hàng ông Lê Văn Quyết trả lời rằng vụ việc mất tiền xảy ra từ lâu, trong đó vụ ở Đô Lương Nghệ An là từ năm 2010 và vụ liên quan đến bà Bình là từ năm 2012-2014.

Sau các vụ việc, ngân hàng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình và không phát hiện thêm trường hợp nào. Ngân hàng đã cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rui ro, đề nghị khách hàng kiểm tra tiền qua internet banking, mobile banking, SMS banking...

Về câu hỏi Tổng giám đốc có nên từ chức hay không? Ông Quyết nói rằng cách đây 2 năm khi được nhận nhiệm vụ, ông đã cam kết sẽ đưa hoạt động ngân hàng trở lại bình thường, và cho đến nay thì nhiệm vụ ấy đã hoàn thành. "Tôi đã chính thức có ý kiến với HĐQT rằng HĐQT nên tìm kiếm chức tổng giám đốc mới phù hợp với chiến lược của ngân hàng, đó là câu trả lời của tôi để các vị cổ đông biết được" - ông Quyết nói.

Đại diện Ban kiểm soát là ông Trần Lê Quyết cũng xin nhận trách nhiệm và cho biết không thể phát hiện ra sự việc vì chữ ký của khách hàng là chữ ký thật. Sự việc đã xảy ra từ giai đoạn 2010 - 2016. Qua đây, BKS cũng đã kiến nghị với Ban điều hành sửa đổi các quy định giao dịch chặt chẽ hơn như là dùng vân tay khi giao dịch... Ông Quyết nói cam kết với cổ đông sẽ không để xảy ra trường hợp tương tự.

Cổ đông sáng lập Trần Minh Châu hỏi cổ tức bao giờ thì có? 

Ông chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc trả lời rằng mấy năm qua ngân hàng hoạt động khó khăn, còn lỗ lũy kế nhưng năm nay hoạt động tốt lên thì sẽ xin NHNN trong năm tới cho chi trả cổ tức cho cổ đông.


13h30, ĐẠI HỘI CÔNG BỐ KẾT QUẢ KIỂM PHIẾU THÔNG QUA CÁC TỜ TRÌNH

Cổ đông Eximbank đã đồng thuận thông qua các tờ trình với tỷ lệ hơn 90% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đối với việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, bà Lương Thị Cẩm Tú đã trúng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 với tỷ lệ xấp xỉ 70% cổ đông đồng thuận.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên