MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Ngân hàng VIB: Cổ đông hỏi chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ bao giờ thành tỷ phú trên sàn chứng khoán

29-03-2018 - 11:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáng nay ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại Hà Nội. Tất cả các tờ trình được cổ đông đồng thuận với tỷ lệ tuyệt đối 100%.

Mục tiêu lãi 2.005 tỷ

Theo báo cáo tại đại hội, năm 2017 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và đạt 187% so với kế hoạch đại hội cổ đông giao cho. Tổng tài sản đạt hơn 123 nghìn tỷ, đạt 103% kế hoạch; tăng trưởng tín dụng đạt 26% - cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân toàn ngành; nợ xấu duy trì dưới 3% và ngân hàng đã mua lại thêm được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC.

Kế hoạch 2018, ngân hàng sẽ tăng lợi nhuận trước thuế lên 2.005 tỷ đồng, huy động vốn khách hàng tăng 20% và tín dụng tăng 25% (theo khả năng của VIB và được NHNN phê duyệt bổ sung) hoặc 14% (theo phê duyệt ban đầu từ NHNN). Hệ số an toàn vốn sẽ duy trì mức 13% trong khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tỷ lệ cho vay trên huy động là dưới 80% theo quy định (năm 2017 là gần 75%).

Tăng vốn lên 8.100 tỷ

Ngân hàng có kế hoạch vốn điều lệ thêm hơn 2.400 tỷ đồng lên tối đa 8.100 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ được triển khai làm hai đợt. Đợt 1 là chào bán và phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới cho nhà đầu tư tối đa là 10% vốn điều lệ, tức khoảng hơn 56 triệu cổ phần. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Đợt hai là chia cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ phát triển, lợi nhuận để lại và thặng dư vốn cổ phần, mức tối đa không quá 2.455 tỷ tương đương hơn 245 triệu cổ phần. Đối tượng là các cổ đông hiện hữu của VIB tính đến thời điểm chia cổ phiếu thưởng.

Các nguồn để tăng vốn hiện có thặng dư vốn cổ phần trên 1.158 tỷ; quỹ đầu tư phát triển 700 tỷ (vừa trích lập năm 2017); quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ hơn 884 tỷ và lợi nhuận lũy kế hơn 211 tỷ đồng.

Phần vốn tăng thêm sẽ được VIB sử dụng hơn 1.450 tỷ để cấp tín dụng cho khách hàng có tìn hình tài chính ổn định, tiềm năng phát triển, ưu tiên nhóm khách hàng thuộc đối tượng ưu tiên của Chính phủ; 600 tỷ để đầu tư tài sản thanh khoản; 200 tỷ để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, năng lực quản trị rủi ro và 200 tỷ còn lại để đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới.

Một nội dung cũng rất đáng chú ý nữa là, ngân hàng xin cổ đông thông qua việc xử lý cổ phiếu quỹ. Trong số hơn 33,8 triệu cổ phiếu quỹ, ngân hàng sẽ dành một phần để chia cho cán bộ nhân viên; một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu còn lại sau khi chia cho nhân viên sẽ được chia hoặc bán cho các nhà đầu tư có tiềm lực và đóng góp tốt cho hoạt động của ngân hàng.

Sẽ lên sàn HoSE

Một tờ trình nữa ngân hàng xin cổ đông thông qua là về việc niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2018 hoặc 2019. Việc lựa chọn thời điểm niêm yết sẽ do HĐQT lựa chọn trên cơ sở ủy quyền của cổ đông.

Ngoài ra ngân hàng cũng sẽ bầu bổ sung một thành viên HĐQT, đồng thời thông qua quyết định miễn nhiệm đối với ông Michael John Venter – một trong hai đại diện của đối tác chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) tại VIB. Ứng viên để cổ đông lựa chọn chỉ có duy nhất ông Michael John Murphy.

Về thù lao của lãnh đạo ngân hàng, năm 2017 VIB được cổ đông phê duyệt phương án dùng 2% lợi nhuận trước thuế để trả thù lao cho HĐQT và BKS (tổng cộng 11 người nhưng trong đó 3 người thuộc CBA nên CBA chi trả lương), tương đương với con số hơn 28 tỷ đồng (do lợi nhuận đạt gần gấp đôi kế hoạch). Năm 2018 lãnh đạo ngân hàng chỉ xin cổ đông phê duyệt mức thù lao tối đa là 1,5% lợi nhuận trước thuế, như vậy nếu đạt được 2.005 tỷ thì thù lao cũng khoảng ngoài 30 tỷ đồng.

ĐHCĐ Ngân hàng VIB: Cổ đông hỏi chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ bao giờ thành tỷ phú trên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

ĐHCĐ của VIB sáng 29/3

Hỏi đáp của cổ đông

Cổ đông hỏi: Kế hoạch lợi nhuận là 2.005 tỷ, vậy mức này tính trên trích lập dự phòng là bao nhiêu?

Ông Hoàng Linh Giám đốc ban Tài chính VIB trả lời: Mức trích lập dự phòng dự kiến khoảng 420 tỷ.

Quý 4/2017, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động của VIB giảm xuống mức 48%, trong khi các kỳ trước là hơn 60%, vì sao lại có sự thay đổi này?

Ông Hoàng Linh Giám đốc ban Tài chính VIB: Chỉ số về chi phí trên doanh thu quý 4/2017 giảm xuống 48% là nhờ doanh thu tăng mạnh trong quý 4. Có nhiều thuận lợi để ghi nhận về doanh thu tăng như thị trường huy động vốn thời điểm đó rất thuận lợi giúp tăng thu nhập lãi; bên cạnh đó thời điểm cuối năm các đối tác kinh doanh quyết toán các giao dịch; doanh thu từ bán bảo hiểm…giúp cho thu tăng lên trong khi chi phí được quản lý tốt – duy trì như quý 3.

Năm 2018, kế hoạch lợi nhuận hơn 2.000 tỷ là mức sàn và kỳ vọng sẽ đạt cao hơn. Chi phí trên doanh thu dự kiến là 51%, nếu tốt hơn thì dưới 50%

Ông Đặng Khắc Vỹ - chủ tịch HĐQT bổ sung: Chi phí trên doanh thu CIR cải thiện dần qua từng năm, đến quý 1/2018 chỉ số này chỉ còn 52%. Lợi nhuận đang tăng lên còn chi phí giảm xuống giúp cho việc tăng trưởng lạc quan hơn. Lợi nhuận của VIB quý 1 đã vượt 500 tỷ, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2017.

Nhiều ngân hàng đang cạnh tranh với VIB, vậy lợi thế của ngân hàng trong mảng bán lẻ là gì, định hướng của mảng này trong năm 2018 ra sao?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Thị trường ngân hàng đang rất sôi động, mỗi ngân hàng có một trường phái khác nhau.

Xu hướng 1 là nhiều ngân hàng chạy đua về quy mô, chú trọng rủi ro nhưng rủi ro đặt lên hàng thứ cấp.

Xu hướng 2 là chạy theo chất lượng, họ bỏ qua về quy mô (thường là ngân hàng nước ngoài).

Xu hướng 3 trong đó có VIB là vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo chất lượng. Nghe có vẻ lý thuyết nhưng đều có cơ sở rõ ràng. Quý 1/2018 mảng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng khoảng 13% trong khi thị trường Hà Nội chỉ tăng khoảng 2%, điều này cho thấy VIB đang tăng trưởng rất tốt. Về chất lượng VIB cũng được ghi nhận tích cực, thông qua đánh giá của NHNN, các chỉ số của Moody’s và các định chế tài chính nước ngoài khác...chứng tỏ VIB đang phát triển cân bằng giữa quy mô và chất lượng.

ĐHCĐ Ngân hàng VIB: Cổ đông hỏi chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ bao giờ thành tỷ phú trên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ

Kế hoạch bán cổ phiếu quỹ và chia cổ phiếu thưởng của VIB dự kiến thời gian nào?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Việc mua cổ phiếu quỹ của VIB năm 2017 rất tốt. Sau khi được ĐHCĐ đồng ý chia cổ phiếu thưởng 2017 (vì có lợi nhuận chưa chia và thặng dư vốn), trước lúc định chia cổ phiếu thưởng thì nhận được đề nghị mua của đối tác với giá 22.000 đồng và kỳ vọng cổ phiếu sẽ lên cao như mức 40.000 đồng hiện nay, nên ngân hàng quyết định mua cổ phiếu quỹ.

Về chia cổ phiếu thưởng 2017 cho cổ đông lẽ ra đã thực hiện nhưng theo quy định của NHNN thì một số cổ đông của VIB như CBA sau khi nhận cổ phiếu thưởng sẽ vượt quá tỷ lệ sở hữu do đó việc chia cổ phiếu thưởng chưa thực hiện được.

Hiện nay ngân hàng đang xem xét, nếu có cổ đông nào đặt vấn đề với mức phù hợp thì sẽ bán cổ phiếu quỹ và sau đó chia cổ phiếu thưởng để đảm bảo đúng tỷ lệ sở hữu của luật. Hi vọng sẽ bán cổ phiếu quỹ này trong khoảng quý 3 hoặc chậm nhất là đầu quý 4.

Cổ đông hỏi: Chiến lược phát triển ngân hàng số thế nào. Năm 2017 VIB đã mua lại CBA chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh vậy việc mua lại này đã hỗ trợ gì vào kết quả kinh doanh nói chung và hoạt động bán lẻ nói riêng của ngân hàng?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Trong 8 mục tiêu kinh doanh của ngân hàng bán lẻ thì có ngân hàng số và được ưu tiên hàng đầu. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là vấn đề giúp giảm thiểu chi phí cho ngân hàng. Ví dụ hiện VIB đã có MyVIB là app rất tốt, được người dùng đánh giá cao. Hoặc như trên Website, ngân hàng cũng đang xây dựng chuyển đổi để phục vụ cho tất cả các hoạt động ngân hàng, trở thành kênh hoạt động có tỷ trọng lớn song song cùng ngân hàng truyền thống...

Việc mua lại chi nhánh của CBA không đóng góp nhiều vào mạng lưới, tuy nhiên lại đóng góp những quy trình, công nghệ, các sản phẩm, cách tiếp cận với khách hàng... rất tốt phục vụ cho hoạt động bán lẻ, đó là lý do mà VIB mua lại chi nhánh này. VIB sẽ nhân rộng mô hình đó của CBA ra các chi nhánh...

Cổ đông hỏi: Ông Vỹ đã có 23 năm ở vị trí cao nhất ngân hàng, vậy bao giờ ông trở thành tỷ phú từ VIB trên sàn chứng khoán?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Trong các cuộc họp, tôi và các  cộng sự luôn nhắc đến 5 vấn đề lớn, đó là khách hàng, sản phẩm, nhân viên bán hàng, nền tảng bán hàng và rủi ro chứ chưa lần nào nhắc đến việc khi nào có ai trong số chúng tôi trở thành tỷ phú. Mặc dù vậy, từ khi niêm yết, giá cổ phiếu VIB 17.000 đồng, nay đã lên 40.000 đồng thì tôi tin các cổ đông sẽ là những người sở hữu tài sản lớn. Tôi cũng cho rằng, mức giá cổ phiếu hiện nay vẫn chưa phản ảnh hết giá trị thực của VIB.


.....

Sau phần hỏi đáp, VIB tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung thành viên HĐQT và biểu quyết về các nội dung. Tỷ lệ biểu quyết đạt mức tuyệt đối là 100% số cổ đông có quyền biểu quyết có mặt tại đại hội. Cổ đông cũng bầu ông Michael John Murphy vào HĐQT với tỷ lệ nhất trí 100%.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên