MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Nhựa An Phát (AAA): Thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, kỳ vọng đến năm 2025 đạt 1 tỷ USD doanh thu từ nhựa

08-02-2018 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

ĐHCĐ Anphat Plastic đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1.

Sáng nay 8/2/2018 CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (Anphat Plastic – mã chứng khoán AAA) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2018 tại trụ sở chính công ty – cụm CN An Đồng, TT Nam Sách, Hải Dương.

Đến 9h, có 42 cổ đông đến tham dự đại diện cho hơn 52,8 triệu cổ phần tương ứng 63,24% cổ phần có quyền biểu quyết dự họp. Đại hội đủ điều kiến tiến hành.

Đại hội đã thông qua tất cả các báo cáo và tờ trình gửi đến Đại hội với các nội dung quan trọng:

Kết quả kinh doanh năm 2017

Năm 2017 Anphat Plastic đặt mục tiêu đạt 3.300 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận. Kết quả kinh doanh, năm 2017 công ty đạt gần 4.077 tỷ đồng doanh thu, vượt 23,54% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thu về 263,4 tỷ đồng, vượt 19,73% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Tổng sản lượng sản xuất đạt 94.693,5 tấn, hoàn thành 98,64% kế hoạch. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất công ty từng đạt được từ khi thành lập.

Theo báo cáo, năm 2017 được xem là năm có sự tăng trưởng mạnh cả về mặt doanh thu, sản lượng do công ty chính thức đưa nhà máy mới số 6 và số 7 đi vào hoạt động, trong đó nhà máy số 6 đã đi vào hoạt động ổn định, đạt năng suất cao. Còn nhà máy số 7 dù sản xuất sản phẩm mới nhưng không gặp nhiều khó khăn, các sản phẩm tạo ra đạt kết quả tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách.

Song song với đầu tư các nhà máy mới, Anphat Plastic cũng mở rộng thị trường sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật bản và Châu Âu.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2017

Với kết quả đạt được ĐHCĐ đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 với mức cổ tức chi trả tổng tỷ lệ 20%, trong đó đã tạm ứng trước 5% trong đợt 1 thực hiện vào tháng 9/2017. Số 15% còn lại dự kiến sẽ chi tạm ứng cho cổ đông ngay trong tháng 2/2018.

Như vậy Anphat Plastic sẽ dùng khoảng 155 tỷ đồng trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông, chiếm 64,41% tổng lợi nhuận được phân phối trong năm.

Số lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động.

Kế hoạch SXKD năm 2018

Năm 2018 ngoài việc tiếp tục nâng cao sản lượng, công ty cũng tích cực chuẩn bị cho dự án xây dựng công ty con CTCP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát. Công ty mới dự kiến sẽ chuyên sản xuất các dòng sản phẩm nhựa công nghệ cao và linh kiện điện tử.

Mục tiêu năm 2018 đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Sản lượng ước đạt 140.000 tấn. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ từ 15%-20% bằng tiền mặt.

Phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu

ĐHCĐ cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Theo đó Anphat Plastic dự kiến phát hành gần 83,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 1:1. Dự kiến sau phát hành Anphat Plastic tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt gần 1.672 tỷ đồng.

Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu được xác định là 14.000 đồng/cổ phiếu trong khi hiện  trên thị trường giá cổ phiếu AAA đang giao dịch quanh mức 26.750 đồng/cổ phiếu.

Dự kiến chào bán thành công Anphat Plastic thu về khoảng 1.170 tỷ đồng, sẽ dùng 810 tỷ đồng đầu tư nâng vốn sở hữu tại công CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát; còn lại gần 360,4 tỷ đồng dùng đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất số 8 với các dòng sản phẩm bao bì tự hủy sinh học, hạt compounds, nhựa ép, bao bì công nghiệp.

Phát hành cổ phiếu ESOP

ĐHCĐ cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó Anphat Plastic sẽ phát hành tối đa 4 triệu cổ phiếu ESOP, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 40 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành 4,78%.

Đối tượng phát hành là CBCNV công ty nhằm ghi nhận đóng góp của người lao động tại công ty làm nền tảng gắn bó lâu dài và phát triển bền vững cùng công ty. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số vốn thu được dự kiến 40 tỷ đồng sẽ dùng bổ sung vốn lưu động cho công ty.

Số cổ phiếu ESOP này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Số cổ phiếu không thực hiện đăng ký mua hết sẽ do HĐQT quyết định chào bán tiếp cho CBCNV khác trong công ty.

Chấp thuận cho Anphat Holdings được nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 51%

ĐHCĐ cũng thông qua tờ trình cho phép Anphat Holdings được nâng tỷ lệ sở hữu tại Anphat Plastics lên tối đa 51% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Hiện tại Anphat Holdings đang sở hữu gần 26,65 triệu cổ phần AAA tương ứng 31,885 vốn cổ phần công ty. Trong kế hoạch dài hạn Anphat Holdinsg mong muốn được đồng hành cùng AAA để phát triển doanh nghiệp, trở thành tập đoàn sản xuất nhựa tự hủy, nhựa công nghệ cao của Thế giới.

Cụ thể Anphat Holdings sẽ mua cổ phiếu phát hành thêm của Anphat Plastic hoặc mua thêm cổ phần của cổ đông hiện hữu mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai và sẽ thực hiện cho tới khi Anphat Holdings hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu lên đến 51% hoặc có nghị quyết khác về vấn đề này.

Về nhân sự

ĐHCĐ đã thông qua việc đồng ý chấp thuận đơn xin từ chức vị trí thành viên BKS của bà Vũ Thị Minh Nguyệt. Và thông qua đơn xin từ chức vị trí Thành viên HĐQT của ông Phạm Đình Ngư.

ĐHCĐ đã nhất trí bầu ông Đinh Xuân Cường, Tổng Giám đốc CTCP Anphat Holdings vào vị trí Thành viên HĐQT công ty thay thế ông Phạm Đình Ngư xin từ chức. Đồng thời bầu bà Nguyễn Thị Phượng vào vị trí Thành viên BKS thay thế bà Vũ Thị Minh Nguyệt xin từ chức.

Thảo luận tại Đại hội

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT công ty trình bày thêm về vấn đề tăng vốn điều lệ. Theo báo cáo, trong lộ trình phát triển 10 năm tới công ty cần phải cơ cấu lại. Hiện công ty còn các điểm yếu như lực lượng lao động lớn, nhân công giá rẻ, trình độ thấp, công nghệ chưa cao, do vậy chi phí về điện và nhân công quá cao. Do vậy công ty có chủ trương phát triển theo mô hình tập đoàn, chọn hướng cơ cấu lại các hoạt động.

Cụ thể, hiện An Phát đang sở hữu 8 nhà máy với công suất 8.000 tấn/tháng, là nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất khu vực ĐNA, các sản phẩm hầu hết đều xuất khẩu, không bán trong nước, trong đó thị trường Châu Âu và Nhật là tăng trưởng nhất.

Trong tương lai công ty sẽ đi vào 5 ngành cốt lõi liên quan đến ngành nhựa là bao bì nhựa màng mỏng, bao bì công nghiệp PP, bao bì cải thiện môi trường; hóa chất phụ gia ngành nhựa và các sản phẩm hóa dầu; xơ sợi nhận tạo polyester và cung ứng nguyên liệu chuỗi dệt may; tổ hợp nhựa kỹ thuật cao, linh kiện nhựa điện tử, nhựa ô tô và nhựa công nghiệp; nhựa gia dụng và vật liệu nhựa xây dựng.

Mục tiêu dài hạn Anphat Plastic kỳ vọng đến năm 2025 đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu sản xuất của ngành nhựa, và dự kiến lợi nhuận đạt đến 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu gần, nếu tăng vốn thành công năm 2019 ước đạt 7.796 tỷ đồng doanh thu. Về lợi nhuận năm 2019 ước đạt 550 tỷ đồng và năm 2020 đạt khoảng 9.359 tỷ đồng doanh thu và lãi 680 tỷ đồng…

Để triển khai được những kế hoạch trên, công ty cần tập trung thêm nguồn lực. Dự kiến cần huy động 1.210 tỷ đồng trong đó dự kiến 40 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu ESOP. Còn lại 1.170 tỷ đồng hiện đang tính đến 3 phương án: Vay ngân hàng, phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Theo phân tích, nếu vay qua ngân hàng 1.170 tỷ đồng, sẽ gặp nguy cơ rủi ro an toàn tài chính do tỷ lệ đòn bẩy tăng cao. Đối với phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng dự kiến huy động 1.170 tỷ đồng, song rủi ro an toàn tài chính cũng cao do tỷ lệ đòn bẩy tăng cao, nguy cơ pha loãng cổ phiếu và giá cổ phiếu cao.

Đối với phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, cũng huy động 1.170 tỷ đồng nhưng sẽ không bị rủi ro về an toàn tài chính, dự kiến giá cổ phiếu sau pha loãng rơi vào khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu nên nguy cơ pha loãng cổ phiếu là rất thấp. Đây là phương án phù hợp nhất.

Liên quan đến phát hành cho cổ đông hiện hữu, dự kiến bao giờ tiến hành? Ngoài tỷ lệ hơn 31% hiện Anphat Holdings đang nắm giữ, có dự kiến sẽ thêm quyền mua để nâng tỷ lệ sở hữu lên không?

Thông tin tăng vốn sẽ là thông tin tiêu cực đối với cổ đông nhỏ lẻ, do vậy sẽ tiến hành càng nhanh càng tốt. Công ty sẽ tiến hành ngay khi được thông qua. Còn đối với Anphat Holdings – hiện đối tác này đã sẵn sàng mua lại quyền mua để tăng tỷ lệ sở hữu nếu cổ đông nào có nhu cầu chuyển nhượng quyền mua.

Về 2 nhà máy dự kiến đầu tư tới là thông qua công ty con mới thành lập - CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát - Vậy cơ cấu sở hữu sau khi đầu tư thêm 810 tỷ đồng có thay đổi không?

Về cơ bản Anphat Plastic vẫn muốn chiếm tối thiểu 51% để vẫn là công ty mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ góp vốn của các đối tác khác cũng chưa đàm phán xong.

Về mặt tiêu cực, khi tăng vốn để đầu tư vào nhà máy mới, công ty có tính đến rủi ro về nhu cầu thị trường? Và hiện khách hàng của AAA chủ yếu là khách hàng quốc tế, vậy công ty đã tính đến rủi ro về tỷ giá?

Đây không phải là 1 dự án mới lần đầu của Anphat, mà trước đó công ty đã từng mở nhiều dự án mới. Và khi phát triển dự án, công ty đã tính toán, làm việc với các đối tác để tìm ra nhu cầu thị trường, đảm bảo dự án khả thi.

Đối với tỷ giá, không có vấn đề lớn do nguyên liệu nhập bằng USD và bán cũng bằng USD. Bên cạnh đó, một số nguyên liệu nhựa có thể mua tại Việt Nam trong khi xuất khẩu bằng tiền USD nên độ rủi ro về tỷ giá không đáng ngại.

Lợi thế cạnh tranh của Anphat Plastic? So với các công ty tại Việt Nam thì vị trí của Anphat đã được khẳng định nhưng so với các công ty nước ngoài thế nào? Ví dụ bình sữa có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường Việt Nam?

Nhựa cao cấp như sản phẩm bình sữa em bé cần nguyên liệu tốt và thương hiệu tốt. Do vậy cần xây dựng thương hiệu mới có thể có lợi thế cạnh tranh với nhựa nhập ngoại.

Giá thành sản xuất ra bình sữa không lớn, trong khi giá bán trên thị trường hiện rất cao, nhu cầu thị trường lớn. Do vậy nếu Anphat Plastic xây dựng được thương hiệu, quảng bá sản phâm, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ có cửa tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu trong khu vực. Đây sẽ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nếu phát triển thành công.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên