MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Vietcombank: Sẽ giữ lại MB và thoái vốn khỏi 4 TCTD khác, lên kế hoạch lợi nhuận 9.200 tỷ, cổ tức 8%

28-04-2017 - 09:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Vietcombank lên kế hoạch mở thêm 5 chi nhánh và 39 PGD trong năm nay cùng kế hoạch tiến ra nước ngoài với các thị trường Lào, Úc và Mỹ...

Sáng nay ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2017.

Kết thúc năm 2016, Vietcombank có tổng tài sản đạt 787.907 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt 3% so với kế hoạch. Cho vay khách hàng tăng trưởng 19% đạt 460.808 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 25% đạt 8.523 tỷ đồng, đứng thứ hai trong toàn hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,79% xuống 1,46%. Tỷ lệ chi trả cổ tức 2016 là 8%.

Năm 2017, Vietcombank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 11% lên mức 874.577 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 15%, tương đương 547.133 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 14%, lên 684.841 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận tăng 8% so với năm trước, đạt 9.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ cổ tức 8%, không đổi so với năm 2016.

Mạnh tay mở rộng mạng lưới và tiến ra thị trường Lào, Úc và Mỹ

Theo chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành, năm nay Vietcombank sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn, đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh doanh và tuân thủ tỷ lệ an toàn, hướng tới tuân thủ Basel II; tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai phát hành riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn; gia tăng hiệu quả kinh doanh, cơ cấu danh mục tài sản nợ - có, nâng cao chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu,…

Vietcombank cũng sẽ thành lập 5 chi nhánh (ông Thành cho biết theo kế hoạch ban đầu là 6 chi nhánh nhưng NHNN chấp thuận 5 theo quy định) và 39 phòng giao dịch trên toàn quốc trên cơ sở phê duyệt của NHNN. Ngân hàng còn triển khai thành lập Văn phòng đại diện Vietcombank tại NewYork, chi nhánh ngân hàng con tại Úc, Ngân hàng con 100% vốn tại Lào (đã được NHNN cấp phép), Công ty kiều hối, Công ty tín dụng tiêu dùng và Công ty AMC; Triển khai thành lập Trung tâm xử lý tiền mặt tập trung tại Hà Nội.

Có thể tăng vốn thêm tới 3.600 tỷ đồng

Ngân hàng dự định tăng vốn điều lệ thêm 3.598 tỷ đồng bằng phương thức phát hành cổ phần ra công chúng và chào bán riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư có năng lực tài chính. Số lượng cổ phần chào bán tối đa là 359,8 triệu cổ phiếu (tương đương 10% số cổ phần hiện tại).

Mức giá phát hành dự kiến sẽ không thấp hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trên sàn ngày liền kề trước ngày phát hành. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2017 - 2018.

Mục tiêu chính của việc tăng vốn lần này là nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, góp phần đảm bảo mức độ đủ vốn theo yêu cầu của Basel II. Đây cũng là một bước chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.

Bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT

Tại đại hội ngày, HĐQT cũng trình các cổ đông thông qua việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2013 - 2018 thay thế cho ông Yutaka Abe theo đề xuất của đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản bởi Mizuho dự kiến điều động ông Yukata Abe nhận công tác khác.

Mizuho cũng đã thực hiện đề cử thay thế thành viên mới là ông Eiji Sasaki (Giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực châu Á) vào HĐQT nhiệm kỳ hiện tại.

Ngoài ra, danh sách ứng viên HĐQT của Vietcombank còn xuất hiện thêm hai gương mặt mới là ông Nguyễn Mỹ Hào hiện là Giám đốc Vietcombank Sở Giao dịch, ông Phạm Anh Tuấn hiện là Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng Vietcombank.

Đại hội bước vào thảo luận

Các cổ đông hỏi

- Cuối 2013 Vietcombank có PVEP vay 150 triệu USD, đường hướng sắp tới của Vietocmbank ra sao, có phải tái cấu trúc khoản này chưa?

- Xin cập nhật tình hình phát hành cổ phiếu cho đối tác Singapore?

- Vietcombank muốn M&A với tổ chức tín dụng nào?

-Trong 500 tỷ để đầu tư vào công nghệ thông tin, có đầu tư cho corebanking không?

- Vietcombank năm trước có định tham gia mảng tài chính tiêu dùng, hiện nay ra sao?

- Vietcombank sẽ thoái vốn khỏi 5 TCTD như thế nào?

- Vì sao năm trước lợi nhuận tăng cao mà năm nay lại mục tiêu tăng có 8%?

Ông Nghiêm Xuân Thành trả lời

- PVEP là đối tác, khách hàng lớn không chỉ của Vietcombank mà các TCTD khác. Hiện vốn chủ sở hữu của công ty này cũng khá lớn. Song do quy mô hoạt động lớn, được biết đến 2016 Khoan thăm dò khai thác dầu khí có quan hệ với 26 tổ chức tín dụng, trong đó Vietcombank chưa phải lớn. Hiện Vietcombank đầu tư vào PVEP và các mỏ, nếu đánh giá giá dầu hiện tại thì dự án này vẫn hiệu quả.

PVEP còn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank và gửi tiền ở Vietcombank. Ngân hàng đánh giá khoản tiền đó không có vấn đề gì, cũng không lo ngại về khả năng trả nợ nên không đặt vấn đề về cơ cấu khoản nợ này.

- Với đối tác GIC của Singapore, bối cảnh các TCTD tìm đối tác khó khăn, Vietcombank được quỹ lớn củ Singapore quan tâm là điểm tích cực. Nhưng theo định hướng của Chính phủ và bộ ngành, việc giảm vốn, thoái vốn phải thỏa mãn các điều kiện trong đó có giá chào bán không thấp hơn thị giá và định giá, giá của đối tác lại chưa đáp ứng được điều đó nên chưa thành công. Vietcombank đã trình NHNN và Chính phủ song cũng chưa được phản hồi.

Chủ quan ngân hàng nhận định mức giá chào đó khó khả thi trong thương vụ. Với kế hoạch 2017, nhiều đối tác vẫn quan tâm Vietcombank. Hiện ngân hàng vẫn đang đàm phán với các quy định, điều kiện cần thỏa mãn để tìm kiếm đối tác.

Dù giao dịch chưa thành công song nhìn tổng quan trên thị trường thì Vietcombank đánh giá tín hiệu đó là tốt với ngân hàng. Hiện giá Vietcombank sau pha loãng vẫn bằng 3 ngân hàng lớn đi sau cộng lại. Giá của Vietcombank như vậy là khá cao.

- Về M&A tổ chức tín dụng khác, việc này là lâu dài, đưa ra để chớp cơ hội nếu điều kiện cho phép. Thời gian qua ngân hàng cũng chưa lựa chọn được đối tác nào phù hợp.

- Về đầu tư corebanking và kinh doanh, thời gian tới ngân hàng phải đổi mới và nâng cấp đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lai. Với yêu cầu kiểm toán của Nhà nước thì ngân hàng cũng đã có trả lời trên truyền thông…

-Về tài chính tiêu dùng, ngân hàng vẫn quan tâm nhưng quy định của NHNN là một TCTD không được có quá 1 công ty cho thuê tài chính hoặc tài chính tiêu dùng mà hiện Vietcombank đã có công ty tài chính nên thời gian tới phải chờ thêm để xem xét nên lựa chọn kỹ lưỡng xem mô hình nào phù hợp hơn.

- Vietcombank đang sở hữu 5 TCTD, quá 2 TCTD và kế hoạch thoái vốn ra sao thì hiện NHNN quy định 1 TCTD không sở hữu quá 2TCTD.

Mặc dù 5 TCTD nhưng hiện đang tập trung lớn ở MB và Eximbank. MB là ngân hàng hiệu quả, có cổ tức tốt. Với Exixmbank, hiện đã trình và xin ý kiến NHNN, hiện NHNN cho giữ Eximbank và MBB, nhưng thời gian tới Vietcombank sẽ thoái vốn khỏi Eximbank. Giá mua và giá hiện tại nếu Vietcombank thoái thành công ở 2 ngân hàng kia sẽ đem lại khoản lợi nhuận đáng kể tới 700 tỷ. Còn 3 ngân hàng là Saigonbank, OCB và tài chính xi măng thì tổng số tiền chỉ 300 tỷ nhưng thanh khoản thấp nên chưa thoái được. Trước mắt thì ngân hàng sẽ thoái vốn khỏi tổ chức nhỏ kia.

- Kế hoạch kinh doanh chắc chắn đạt 9.200 tỷ và dự phòng rủi ro khoảng hơn 6.000 tỷ. Tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là Chính phủ yêu cầu không giảm thì cũng phải giữ nguyên lãi suất nên có thể ảnh hưởng.

Cổ đông hỏi

- Việc bán 10% cổ phần đã có đối tác nào quan tâm đến ngân hàng chưa?

- Năm 2016 Vietcombank đề xuất hỗ trợ ngân hàng yếu kém, đó là ngân hàng nào?

- Chi khen thưởng phúc lợi đến hơn 20% lợi nhuận, bằng 50% số tiền chia cổ tức là rất cao, đề nghị hạ xuống?

Ông Phạm Quang Dũng trả lời:

- Việc bán cổ phần cho đối tác đến nay có nhiều cổ đông qua tìm hiểu, kể cả GIC của Singapore cũng tiếp tục quan tâm.

Kế toán trưởng Vietcombank bà Phùng Thị Hải Yến trả lời

-Việc chi là theo đúng quy định. Vietcombank năm qua đều vượt kế hoạch kinh doanh nên ngân hàng được chi thêm ngoài mức 20% theo quy định, tổng cộng đã chi hơn 1.400 tỷ - không sai luật.

Ông Nghiêm Xuân Thành trả lời

Năm 2016 đăng ký tham gia tái cơ cấu ngân hàng, tôi khẳng định đây không phải đăng ký mà là nhiệm vụ NHNN giao cho.

Nguyên tắc của ngân hàng là không ảnh hưởng đến tài chính, không hỗ trợ tài chính cho ngân hàng đó mà chỉ cử người sang hỗ trợ quản lý, xây dựng phương án tái cơ cấu.

Đại hội công bố kết quả biểu quyết và bầu cử bổ sung thành viên HĐQT:

Các tờ trình được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao trên 99%.

Về kết quả bầu cử, Đại hội đã bầu bổ sung 3 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2013 – 2018 gồm ông Eiji Sasaki (Giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực châu Á) thay thế cho ông Yutaka Abe theo đề xuất của đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản; ông Nguyễn Mỹ Hào - Giám đốc Vietcombank Sở giao dịch và ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ Vietcombank với số phiếu nhất trí cao trên 97%.


3 thành viên mới của HĐQT Vietcombank nhận hoa chúc mừng

3 thành viên mới của HĐQT Vietcombank nhận hoa chúc mừng

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên