MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Vinaconex: Chủ tịch SCIC vào HĐQT, có khả năng mua lại toàn bộ phần vốn của Posco ở dự án Bắc An Khánh

20-04-2017 - 11:23 AM | Bất động sản

Hai phương án được Vinaconex xem xét với dự án Bắc An Khánh gồm thương thảo phân chia dự án 50/50 với đối tác POSCO hoặc mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác để tiếp tục triển khai.

Ngày 20/04/2017, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – VINACONEX (VCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 và nhiệm kỳ 2017 – 2022. Bên cạnh công tác tổng kết kết quả thực hiện SX – KD trong nhiệm kỳ 2012 – 2016, Đại hội đồng cổ đông còn thông qua nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho nhiệm mới là: Bầu cử Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát; Định hướng chiến lược của Tổng công ty giai đoạn 2017 – 2022….

Tăng cường M&A để đầu tư dự án mới

Đánh giá về quá trình hoạt động kinh doanh 5 năm qua, Tổng Giám Đốc Đỗ Trọng Quỳnh cho biết, năm 2016, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất của Vinaconex đạt 687,1 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm 2015. Phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức năm 2016 trình cổ đông là 8%, tăng so với mức 7% của năm trước.

Năm 2017, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 4.115,6 tỷ đồng, tăng 19,8% so với thực hiện 2016. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 443,3 tỷ đồng, tăng 21%. Cổ tức năm 2017 kế hoạch là 10%. Trong quý I/2017, Vinaconex đã thu về 572,68 tỷ đồng doanh thu và 79,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Về mục tiêu sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn 2017-2022, VCG đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân từ 10%-15%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ 10% -15%, tỷ lệ cổ tức từ 10%- 12%. Theo đó, dự kiến đến năm 2021, VCG sẽ đạt lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là gần 673 tỷ đồng, tăng 84% so với kết quả đạt được trong năm 2016.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh BĐS năm 2016, ông Quỳnh cho biết công tác đầu tư, tìm kiếm phát triển các dự án mới vẫn được Tổng Công ty ưu tiên, chú trọng. Các dự án đầu tư có hiệu quả trong trung hạn được tích cực hoàn tất khâu chuẩn bị đầu tư và bắt đầu triển khai vào cuối năm 2015: dự án 97 Láng Hạ (Công ty Mẹ), Vinata Towers (Vinata), CT4 (Vimeco), khu Văn phòng và nhà ở Minh Khai (Vinahud)…

"Tổng Công ty đã phát triển thành công dự án mới theo hình thức mua bán lại doanh nghiệp dự án, đó là dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ, dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đối với dự án có quy mô lớn của Vinaconex là dự án KĐT Bắc An Khánh giai đoạn 2, ông Quỳnh cho biết hiện đang khó khăn về tài chính. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Hai phương án được Vinaconex xem xét với dự án này gồm thương thảo phân chia dự án 50/50 với đối tác POSCO hoặc mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác để tiếp tục triển khai.

Tại hội nghị, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thi công và hoàn thành dự án cấp nước sông Đà giai đoạn 2, dự án cấp nước tại Lào Cai và thị trấn SaPa, thuỷ điện Ngòi phát mở rộng,..., hoàn thành công tác đầu tư tại khu công nghiệp CNC 2 Hoà Lạc.

Chủ tịch SCIC giữ chức chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 của Vinaconex

Đại hội cũng thông qua việc giảm số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 xuống còn 7 người, giảm 2 người so với nhiệm kỳ trước đó. Trong khi đó, số lượng thành viên Ban Kiểm soát giữ nguyên 5 người theo điều lệ.

Đáng chú ý, danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới SCIC có 2 thành viên là ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐTV SCIC và ông Nguyễn Anh Tùng chánh văn phòng điều hành SCIC.

Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cũng có hai đại diện góp mặt vào HĐQT lần này là ông Lê Đăng Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, bà Nghiêm Phương Nghi - Trưởng ban đầu tư tài chính Tập đoàn Viettel.

Trong khi đó, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới có tới ba thành viên cũ gồm ông Đặng Thanh Huấn, bà Kiều Bích Hoa, và ông Vũ Hồng Tuấn. Ngoài ra, còn hai thành viên mới gồm ông Nguyễn Minh Quang, Trợ lý dự án - Ban Đầu tư Viettel và bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang từ Vinaconex.

Tại đại hội, HĐQT khóa mới cũng đã tổ chức phiên họp đầu tiên và bầu ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐTV SCIC thành chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022 và ông Nguyễn Trọng Quỳnh tiếp tục là Tổng giám đốc Vinaconex, ông Đặng Thanh Huấn tiếp tục giữ chức Trưởng ban kiểm soát.

SCIC sẽ nhanh chóng thoái vốn khỏi Vinaconex

Trả lời câu hỏi cổ đông về việc SCIC có thoái vốn khỏi Vinaconex hay không, ông Hoàng Nguyên Học - Phó Tổng giám đốc SCIC - Thành viên HĐQT Vinaconex cho biết theo quyết định số 58 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí sắp xếp phân loại các ngành nghề thì ngành BĐS không thuộc diện nhà nước nắm giữ vốn lâu dài. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho SCIC xây dựng lộ trình thoái vốn tại Vinaconex.

"Tuy nhiên, thời gian cụ thể thoái vốn vẫn chưa có cụ thể bởi chúng tôi vẫn đang còn chờ quyết định của chính phủ", ông Học nhấn mạnh.

Trước những thắc mắc của cổ đông về vấn đề VCG là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, nhận được nhiều điều kiện thuận lợi hơn các doanh nghiệp tư nhân tuy nhiên các công ty tư nhân lại có tỷ suất lợi nhuận cao hơn VCG, đại diện ban lãnh đạo Vinaconex cũng cho biết cơ chế của doanh nghiệp tư nhân là chỉ có một người cao nhất có quyền quyết định cao và nhanh. Các công ty tư nhân cũng có nguồn vốn lớn, cơ chế thông thoáng hơn.

"Cũng vì nguyên nhân này mà Chính phủ đã có chỉ đạo cương quyết cổ phần hoá doanh nghiệp, ngay như VCG cổ phần hoá trước nên tỷ suất lợi nhuận của chúng ta cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cổ phần hoá sau", đại diện ban lãnh đạo Vinaconex nhấn mạnh.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên