MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Vinamilk: HĐQT rất trăn trở khi thực hiện kế hoạch nới room

21-05-2016 - 10:42 AM | Doanh nghiệp

Một đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài trấn an rằng việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các cổ đông hưởng lợi nhiều hơn từ giá cổ phiếu sẽ tăng, chứ đừng lo ngại sẽ bị thâu tóm.

Sáng nay (21/5) tại TP.HCM Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Tại đây, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2016, theo đó doanh thu dự kiến của Vinamilk đạt 44.560 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2015.

9h Khai mạc đại hội

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc công ty VNM, nhấn mạnh rằng trong suốt năm 2015 công ty thực hiện chiến lược không tăng giá bán sản phẩm, nhưng so sản lượng tăng cao nên tổng doanh thu trong năm tăng trưởng mạnh.

Trong năm 2015, tổng doanh thu VNM đạt 40.233 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 9.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 7.770 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu mua 216 triệu lít sữa từ các trang trại trong cả nước với chất lượng sữa cao.

Theo báo cáo tài chính trình bày tại đại hội, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 10,020 tỷ và 8,266 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2015 (mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp dự kiến tỷ lệ 17.5%). Cổ tức năm 2016 tiếp tục được chi trả với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

Cũng theo tờ trình tại ĐHCĐ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2012 - 2016 của Vinamilk sẽ được điều chỉnh giảm từ 12.996 tỷ đồng xuống 12.500 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào công ty con - liên kết khác dự kiến giảm 1.000 tỷ, chỉ còn hơn 1.346 tỷ đồng.

Theo đề xuất của HĐQT, Vinamilk trình cổ đông phương án chi trả tiếp cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, cùng với lần tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 tỷ lệ 40% thực hiện vào 4/9/2015 trước đó, tổng mức cổ tức năm 2015 sẽ lên tới 60%, mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo đó, dự kiến VNM sẽ chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho các cổ đông, tương đương 82,3% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2015. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, Đại hội đã thống nhất phương án chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ tối thiểu 50%.

Song song đó, HĐQT đã trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20% (tương đương tỷ lệ phát hành 5:1). Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng sẽ trong quý 3/2016. Vốn điều lệ dự kiến của Vinamilk sau khi phát hành sẽ tăng thêm 2,419 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo phương án này, Vinamilk sẽ bán gần 9,44 triệu cp cho CBCNV. Trong đó, Vinamilk sẽ bán 522.795 cổ phiếu quỹ (thu hồi từ đợt phát hành ESOP 2007-2011) và phát hành thêm hơn 8,9 triệu cp mới, tương đương với 0.74% tổng số cổ phần đã phát hành.

Tại đại hội này, HĐQT còn trình cổ đông tờ trình về chuyển chuyển đổi công ty Lamsonmilk thành một đơn vị trực thuộc (chi nhánh) của VNM theo hình thức áp nhập doanh nghiệp. Bà Mai Kiều Liên, người đại diện theo pháp luật của công ty, sẽ thực hiện các thủ tục có liên quan để hoàn tất việc sáp nhập này.

Vấn đề "nóng" nhất tại kỳ đại hội năm nay là các cổ đông trông đợi: khi nào thì VNM sẽ thực hiện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sẽ là bao nhiêu?

10h thảo luận:

Nới room ngoại có làm mất thương hiệu Vinamilk?

Đa số cổ đông lo lắng về việc VNM thực hiện nới room cho nhà đầu tư ngoại. Bởi theo giải thích của các cổ đông, doanh nghiệp cần có "chủ quyền" của mình chứ không thể bán hết cho các đối tác có tiềm lực tài chính nước ngoài.

Và nếu công ty thực hiện nới room cho khối ngoại thì kế hoạch thoái vốn của SCIC sẽ như thế nào? Một số cổ đông cũng mong muốn VNM tiến ra niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài để thu hút thêm nguồn lực phát triển vững mạnh trong bối cảnh kinh tế đất nước mở cửa.

Ở một góc độ khác, một đại diện nhóm cổ đông nước ngoài trấn an rằng việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các cổ đông hưởng lợi nhiều hơn từ giá cổ phiếu sẽ tăng, chứ đừng lo ngại sẽ bị thâu tóm.

Trả lời câu hỏi, lãnh đạo của VNM cho biết, HĐQT không biết rõ kế hoạch thoái vốn của SCIC. VNM rất trăn trở khi thực hiện kế hoạch nới room. VNM muốn trở thành tập đoàn đa quốc gia, giá trị thương hiệu của VNM hiện giờ đã trị giá 7 tỷ USD. Do vậy, các cổ đông nước ngoài có vào cũng vì thương hiệu quốc gia, chứ không bao giờ có câu chuyện xóa bỏ thương hiệu.

Theo bà Liên, VNM sẽ cố gắng lấy được thị phần từ các đối thủ cạnh tranh. Kế hoạch năm 2017 đề ra là 3 tỷ USD sẽ phấn đấu đạt được dù còn nhiều khó khăn.

Việc niêm yết ở thị trường nước ngoài sẽ không thực hiện được do hiện thời sở hữu nước ngoài đã là 49%. Do đó khi VNM có kế hoạch nới room lên bao nhiêu % thì sẽ được tính toán thêm trong tương lai.

Mối lo lớn nhất của Vinamilk vẫn là sữa của bà con nông dân

Về cơ hội khi gia nhập TPP, bà Liên cho rầng đó là cơ hội và áp lực. Với VNM thì lo lắng lớn nhất vẫn là sữa của bà con nông dân. Còn nguồn sữa ở các trang trại luôn có mức giá tốt so với giá sữa thế giới. VNM đã có kế hoạch cho 3 năm tới là giá thu mua sữa từ người dân phải bằng giá sữa thế giới. " Có làm được như vậy thì chúng tôi mới trụ vững được. Phaỉ tận dụng cơ hội tốt từ hội nhập quốc tế", bà Liên nói.

Theo đề xuất của một số cổ đông, trong thời gian tới VNM cần có sản phẩm nước ép trái cây các loại, gia tăng liên kết với đối tác nước ngoài nhằm giải quyết nguồn nông sản cho nông dân trong nước.

Trả lời một trong các chất vấn của đại hội, bà Mai Kiều Liên cho biết VNM đầu tư vào An Bình Bank 82 tỷ đồng và đang xem xét chuyển nhượng.

______

Các nội dung trình đại hội đều đã được thông qua


Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên