MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Dệt may Thành Công (TCM): Không thể buông bỏ bất động sản, bất đắc dĩ phải dừng việc nới room ngoại lên 100%

06-04-2018 - 15:21 PM | Doanh nghiệp

Do đang đầu tư 3 dự án bất động sản (BĐS), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) chính thức trình cổ đông dừng việc nới room ngoại lên 100% sau hơn 1 năm thử đủ mọi cách!

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng nay ngày 6/4/2018, một trong những nội dung được cổ đông Dệt may Thành Công quan tâm chính là việc hoãn đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, do vướng phải 4 ngành nghề kinh doanh gồm: (1) Bán hóa chất, máy thu thanh thu hình, (2) mua bán thuốc lá, xì gà, sách, báo tạp chí…, (3) dịch vụ lưu trú ngắn ngày và đặc biệt là (4) kinh doanh BĐS.

Riêng với BĐS, hiện Công ty đang hợp tác với Eland – nhà đầu tư chiến lược – liên doanh thực hiện dự án TC1 với tổng chi phí đầu tư ban đầu (chưa tính tiền đất) khoảng 38 triệu USD. Trong đó, TCM sở hữu 85% và Eland nắm 15% vốn, dự án dự kiến khởi công vào tháng 8/2018. TC1 được chia thành 4 block, block 1 sẽ được chào bán vào tháng 1/2019 gồm hơn 600 căn hộ và office, diện tích mỗi căn hộ từ 65-70 m2 có giá bán dao động trong khoảng 900-1,000 USD/m2. Tuy nhiên đến nay phía Công ty vẫn chưa chốt được thời gian cụ thể triển khai cũng như chào bán sản phẩm.

Đây cũng chính là catalyst được nhiều CTCK kỳ vọng vào bức tranh tăng trưởng tương lai của TCM. Điển hình CTCK Bảo Việt (BVS) trước đó có đưa ra đánh giá cao tiềm năng từ mảng bất động sản tại TCM trong tương lai, dự kiến mang về khoản lợi nhuận đột biến.

Không buông được BĐS, Công ty hướng đến Holdings để huy động vốn ngoại?

Khởi xướng vào cuối năm 2016, câu chuyện nới room được xem nhân tố không kém phần quan trọng đẩy giá cổ phiếu TCM thăng hoa mặc cho bối cảnh thị trường dệt may ảm đạm. Việc cổ đông chính thức thông qua phương án tăng room ngoại từ 49% lên 100% (tại ĐHĐCĐ thường niên 2017) theo đó gần như thổi một làn gió mới vào thị giá TCM, bên cạnh kết quả kinh doanh Công ty có phần khởi sắc. Giá tăng mạnh, thanh khoản cũng dồi dào, TCM lúc bấy giờ như một viên ngọc sáng lội ngược dòng khi đa số doanh nghiệp cùng ngành còn lại kém xanh.

ĐHĐCĐ Dệt may Thành Công (TCM): Không thể buông bỏ bất động sản, bất đắc dĩ phải dừng việc nới room ngoại lên 100% - Ảnh 1.

Giao dịch cổ phiếu TCM 3 năm qua.

Được biết, Công ty đã chính thức nộp hồ sơ tăng tỷ lệ sở hữu cho UBCK vào ngày 1/9/2017, tuy nhiên đến nay sau nhiều cố gắng TCM chính thức trình cổ đông hoãn công tác này lại. Đồng thời, Công ty cho biết sẽ tìm giải pháp khác thay thế cũng như đợi sự thay đổi từ quy định pháp luật.

Chia sẻ bên lề Đại hội, nhiều cổ đông có đề xuất chuyển sang mô hình Holdings nhằm huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện TCM cũng đồng tình với quan điểm trên và trần tình thực ra đã có nghĩ đến chuyện này. Tuy nhiên, mọi kế hoạch phải được chuẩn bị bày bản, sao cho có lợi cho cổ đông và phải trình cổ đông thông qua mới có thể tiến hành.

Kế hoạch giảm do mảng sợi cắt giảm

Tại Đại hội, TCM cũng trình kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu hơn 3.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 189,5 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu được đưa ra đều điều chỉnh, chỉ bằng 98% thực hiện năm 2017.

Giải thích điều này, ông Trần Như Tùng – Thành viên HĐQT cho biết thực ra mảng kinh doanh cốt lõi vẫn đang tăng trưởng. Con số suy giảm thứ nhất do chưa tính những khoản bất thường (thu từ chuyển nhượng), thứ hai do Công ty đang giảm dần mảng sợi – đã và đang là mảng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Ông Tùng nói thêm, nếu tính những yếu tố bất thường thì con số kinh doanh thu về sẽ tương đương, có khi vượt so với năm ngoái.

Liên quan đến nhà máy Thành Công – Vĩnh Long, sau hơn 2 năm thành lập đến nay Công ty đang dần giảm lỗ, năm 2016 lỗ 2,4 triệu USD thì con số năm 2017 đã giảm về đâu đó hơn 1 triệu USD. Theo ước tính đến cuối năm nay nhà máy sẽ bù đắp hoàn toàn chi phí hoạt động.

Bổ sung, ông Park Woo Hyuk – Giám đốc Ngành may – chia sẻ dự kiến 2 năm nữa nhà máy này sẽ chính thức thu được lợi nhuận. Đến cuối năm nay, Vĩnh Long mặc dù sẽ hòa chi phí hoạt động, song vẫn còn những chi phí khác liên quan đến tài chính phát sinh, ông Hyuk nói thêm.

Trước việc CPTPP thông qua, đại diện TCM cho biết sẽ tận dụng để phát triển sang những thị trường được hưởng lợi, có châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ trước mắt sẽ vẫn là thị trường chính, không chỉ riêng cho TCM mà cả những doanh nghiệp khác.

Cháy nhà máy quý 4/2017 – Công ty bảo hiểm vẫn chưa trả tiền

Liên quan đến vụ cháy trong quý 4/2017, đến nay Chủ tịch Công ty là bà Phan Thị Huệ cho biết đã xác định nguyên nhân do chập điện. Theo đó, Công ty đang trong quá trình sửa chữa hệ thống, đồng thời cố gắng trang bị để phòng tránh rủi ro tương tự trong tương lai.

Được biết, vụ cháy TCM đã mua bảo hiểm, song đến nay Công ty vẫn chưa nhận được đồng nào. Tổng bảo hiểm dự kiến là 25 tỷ, sắp đến đơn vị bảo hiểm sẽ thanh toán trước 8 tỷ. Theo bà Liên, yêu cầu bảo hiểm đưa ra là TCM phải xây dựng lại nhà máy trên chính khu vực đã cháy trước đó.

Một nội dung đáng quan tâm khác, TCM kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5%/mệnh giá để bù đắp cho tỷ lệ cổ tức điều chỉnh năm 2017. Dự kiến vốn điều lệ đến 31/12/2018 là 542,3 tỷ đồng, hình thức chi trả sẽ bằng tiền mặt và/hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh năm 2018.

Mặt khác, Công ty cũng đề xuất bãi bỏ Ban Kiểm soát khỏi ban lãnh đạo, đồng thời bổ nhiệm bổ sung hai Thành viên HĐQT độc lập.

Nguyên Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên