MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Licogi 16: Tăng cổ tức năm 2016 lên 7% bằng tiền, đặt kế hoạch lãi ròng 70 tỷ đồng

26-04-2017 - 14:36 PM | Doanh nghiệp

Năm 2017 sẽ là năm tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu theo đúng định hướng chiến lược 2016 – 2020 trong đó tập trung vào công tác cơ cấu nợ và xoay trục về các dự án trong lĩnh vực PPP mà LCG tham gia với vai trò vừa là nhà đầu tư vừa là thầu.

Sáng ngày 26/04/2017, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của CTCP Licogi 16 (mã LCG) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Trình chia cổ tức bằng tiền 7%

Năm 2016, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.119 tỷ đồng, tăng 9,7%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 71,6 tỷ đồng, tăng 372% so với thực hiện năm 2015; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 68,9 tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch đề ra.

Đối với công ty mẹ, doanh thu đạt 822 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch đề ra.

Năm 2016 hoạt động xây lắp LCG đã ký được nhiều hợp đồng thi công các công trình lớn có giá trị lớn; hoạt động bất động sản hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho khách hàng mua dự án KDC Hiệp Thành, ghi nhân doanh thu bán nền dự án nói trên (công ty con của LCG thực hiện).

Trong năm doanh thu hoạt động của công ty mẹ không đạt kế hoạch do ảnh hưởng khách quan đến từ các dự án như Công trình Hạ Long Vân Đồn, Bắc Giang Lạng Sơn, một số công trình điện…

LCG đã thoái vốn toàn bộ phần vốn tại CTCP Licogi 16.1 và làm giảm lợi nhuận của công ty 2,6 tỷ đồng. Đối với Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF), công ty đã trích lập dự phòng 100% phần vốn đầu tư vào công ty OBF, không tiếp tục góp vốn thêm.

Tổng dư nợ vay đến cuối năm 2016 là 313 tỷ đồng, giảm 127 tỷ đồng so với cuối năm 2015.

Cổ tức năm 2016 đề xuất là 7%, tăng thêm 2% so với kế hoạch đề ra 5%, bằng tiền.

Năm 2017 tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tập trung cơ cấu nợ và xoay trục về dự án PPP

Năm 2017 sẽ là năm tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu theo đúng định hướng chiến lược 2016 – 2020 trong đó tập trung vào công tác cơ cấu nợ và xoay trục về các dự án trong lĩnh vực PPP mà LCG tham gia với vai trò vừa là nhà đầu tư vừa là thầu. Tiếp cận các dự án có quy mô lớn và thực hiện theo hình thức PPP.

Đối với bất động sản, năm 2017, công ty tận dụng cơ hội phục hồi của thị trường bất động sản để kinh doanh đối với các dự án mà công ty đã đầu tư và tồn đọng; đẩy nhanh công tác thu hồi công nợ liên quan đến dự án BĐS. Về lâu dài, LCG hướng đến quỹ đất lớn ở Nhơn Trạch, Đồng Nai, tập trung giải phóng đền bù cho dự án Điền Phước.

LCG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.500 tỷ đồng, tăng 34%, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 70 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2016.

Báo cáo của LCG cho biết, dự án đầu tư BOT tại Công ty BOT 38 cơ bản đã hoàn thành và kế hoạch thu phí năm 2016. Công ty có kế hoạch chuyển giao quyền thu phí cho đối tác lấy nguồn đầu tư thực hiện đầu tư dự án mới. Bên cạnh đó, tháng 1/2017 LCG đã ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng vốn đầu tư 30% tại công ty Phú Hội (chủ đầu tư dự án 83 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai), với giá trị chuyển nhượng phần vốn 320 tỷ đồng. Tính đến quý I/2017 công ty đã đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, tương ứng 32 tỷ đồng.

Thay đổi mô hình quản trị và chào bán cổ phần giá không thấp hơn 10.000 đồng

Một nội dung quan trọng trong kỳ họp năm nay là LCG trình đại hội đồng cổ đông thông qua thay đổi mô hình quản trị theo hướng không có ban kiểm soát bắt đầu từ năm tài chính 2017. Bởi công ty đang đáp ứng được yêu cầu ít nhất 20% thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập; và LCG đang có sẵn phòng kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, mô hình hoạt động Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Ban giám đốc không đáp ứng được kỳ vọng của công ty.

Mô hình hoạt động mới gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Từ năm 2017, Chủ tịch hội đồng quản trị không kiêm nhiệm Tổng giám đốc.

LCG trình đại hội đồng cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên là 1.750.044 cổ phần, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần; và chào bán riêng lẻ 22.000.000 cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện trong năm 2017.

Số tiền thu được dự kiến từ phát hành cổ phần hơn 237,5 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn liên quan đến các dự án đầu tư theo hình thức PPP và tái cơ cấu nợ vay. Cụ thể, vốn phân bổ cho dự án Bình Tiên 100 tỷ đồng; dự án Phú Ninh là 50 tỷ đồng; hơn 87,5 tỷ đồng cơ cấu nợ vay ngắn hạn.

Đại hội thảo luận

Công ty đã chuyển nhượng 30% vốn dự án Phú Hội, kết quả chuyển nhượng thế nào?

Dự án Phú Hội trước đây có 100% vốn của LCG với diện tích 84ha. Công ty đã chuyển nhượng 70% diện tích cho VinaCapital với giá 61USD/m2. VinaCapital định giá đất dự án hàng năm, năm 2016 định giá 29 USD/m2. Vừa rồi đã có đối tác nhận chuyển nhượng dự án với 30% dự án của LCG giá 320 tỷ đồng (giá ghi nhận sổ sách là 308 tỷ đồng). Công ty đã nhận 10% giá trị hợp đồng, trong tuần này LCG nhận đủ 30% giá trị hợp đồng, theo kế hoạch tháng 5 đối tác sẽ chuyển tiền tiếp để làm hợp đồng và đến 31/12/2017 là hoàn tất thanh toán.

Cơ sở nào để LCG đảm bảo kế hoạch kinh doanh năm 2017?

Cơ cấu doanh thu kế hoạch gồm 300 tỷ đồng đến từ bất động sản, 1.200 tỷ đồng đến từ xây lắp. 300 tỷ đồng bất động đến từ ghi nhận doanh thu dự án KDC Hiệp Thành. 1.200 tỷ đồng từ hoạt động xây lắp gồm 260 tỷ đồng đến từ các hợp đồng năm 2016 chuyển sang; LCG đang thực hiện 4 dự án lớn Phú Ninh (606 tỷ đồng); thi công chung cư Hiệp Thành và chung cư ở Bình Tân. Kế hoạch kinh doanh năm 2017 nằm trong tầm kiểm soát của LCG.

Triển vọng đầu tư/tiềm năng thủy điện ở Indonesia?

Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục với chính quyền Indonesia để có giấy phép đầu tư. Tháng 3/2017, chủ tịch LCG đã khảo sát một số dự án thủy điện tại Indonesia. Chúng tôi hi vọng hợp tác này sẽ gia tăng giá trị cho LCG trong thời gian tới.

Kết quả kinh doanh quý I/2017? Ước kết quả kinh doanh quý II/2017?

Hợp nhất doanh thu 222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng. Quý II, doanh thu dự kiến 335 tỷ đồng, lợi nhuận 22,5 tỷ đồng.

Vì sao LCG tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng?

Năm nay LCG có nguồn thu 320 tỷ đồng. 50% số tiền thu được dành cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Điền Phước 95ha (chỉ mới đền bù được 30%); 50% còn lại dùng cơ cấu nợ vay giảm gánh nặng tài chính.

Đối với dự án BOT38, trên giấy tờ LCG nắm giữ 29% BOT38, thực tế LCG giữ 45% BOT38 từ phần vốn của Vinaconex. Tháng 6/2017 dự án sẽ đi vào thu phí thật.

Dự án Bình Tiên công ty phải ký quỹ 135 tỷ đồng vào dự án này, sau này khi thực hiện LCG phải đối ứng 15% tổng mức đầu tư dự án. Nhà máy nước BOO Phú Ninh có vốn điều lệ 240 tỷ đồng, LCG phải góp 48 tỷ đồng; dự án này có vốn đầu tư là 280 tỷ đồng, LCG phải góp đủ 20%.

Khi thực hiện các dự án PPP ở TP. HCM, chủ trương của TP. HCM các dự án BT sẽ trả bằng đất nhưng quỹ đất sạch của TP. HCM đã hết, nên nhà đầu tư vừa phải lo ứng vốn để giải phóng mặt bằng. Mục tiêu của LCG tìm kiếm các nhà đầu tư bất động sản lo vốn để giải phóng mặt bằng, LCG sẽ lo dự án BT. Nhưng các nhà đầu tư bất động sản dùng vốn vay để giải phóng mặt bằng và giao tiền cho LCG khi họ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty đang tiếp cận các dự án PPP ở TP. Hồ Chí Minh đều có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. LCG phải ứng vốn cho dự án BT và ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng.

Công ty luôn trong tình trạng sẵn sàng cho các dự án, việc tăng vốn thêm 240 tỷ đồng là khiêm tốn nhưng công ty cũng tận dụng các nguồn lực khác để đảm bảo vốn hoạt động của công ty.

Theo Hồng Quân

BizLIVE

Trở lên trên