MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Sabeco: Thaibev chính thức được đưa người vào HĐQT

23-04-2018 - 10:46 AM | Doanh nghiệp

Ngay sau khi giao dịch chuyển nhượng cổ phần hoàn tất vào cuối năm 2017, Thaibev đã gửi yêu cầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT, nhưng đến nay vẫn chưa được trực tiếp tham gia điều hành.

Sáng ngày 23/4, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2018 với nội dung chính là thông qua các tờ trình miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT.

Thaibed tiếp tục yêu cầu đưa người vào HĐQT và tham gia điều hành SAB

Liên quan đến nhân sự HĐQT, Sabeco trình cổ đông thông qua tờ trình miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT Công ty đối với ông Võ Thanh Hà. Thời điểm miễn nhiệm chức vụ có hiệu lực tại thời điểm ĐHĐCD thông qua. Đồng thời, Sabeco cũng đề cử 3 ứng viên HĐQT mới bao gồm:

(1) Ông Koh Poh Tiong, sinh năm 1946, quốc tịch Singapore, hiện là Chủ tịch HĐQT Beer Group (đơn vị sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage).

(2) Ông Tan Tiang Hing, Malcolm, sinh năm 1964, quốc tịch Malaysia, hiện là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken.

(3) Ông Sunyaluck Chaiajornwat, sinh năm 1977, quốc tịch Thái Lan, hiện đang làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan), chuyên về lĩnh vực tài chính ngân hàng và tài chính doanh nghiệp, tài trợ dự án và tái cơ cấu nợ. Thông tin thêm, Sunyaluck có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia vào một số giao dịch liên quan đến tài chính doanh nghiệp, cho vay hợp vốn và tài chính dự án, nơi ông đại diện cho cả người cho vay và người đi vay.

Trước đó, ngày 18/12/2017 trong phiên đấu giá chào bán cạnh tranh 343,68 triệu cổ phần sabeco do Bộ Công Thương sở hữu, có 2 nhà đầu tư tham gia, trong đó Công ty TNHH Vietnam Beverage – công ty liên quan đến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua được toàn bộ số cổ phần này (nhà đầu tư còn lại đặt mua 20.000 cổ phần nhưng sau đó bỏ cọc). Giao dịch thành công, Thaibed trở thành cổ đông lớn nhất Sabeco với tỷ lệ sở hữu 53,59% vốn điều lệ.

Ngay sau khi giao dịch chuyển nhượng cổ phần hoàn tất vào cuối năm 2017, Thaibev đã gửi yêu cầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT, nhưng đến nay vẫn chưa được trực tiếp tham gia điều hành.

Đến ngày 29/3/2018, Văn phòng Chính phủ cũng đã gửi công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương (đại diện sở hữu 36% vốn Nhà nước) xử lý kiến nghị của Thaibev (đang sở hữu SAB thông qua Vietnam Beverage) về việc tham gia HĐQT và điều hành SAB. Tuy nhiên, điều lệ SAB quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát (Điều 13(3)). Tính đến thời điểm này, Vietnam Beverage vẫn chưa đủ thời gian tối thiểu nắm giữ cổ phần là 6 tháng để đề cử người vào HĐQT.

Kết thúc đại hội, cổ đông đã thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên trên, trong đó ông Tan Tiang Hing với 94,522% cổ phiếu có quyền tham dự họp tán hành, kế tiếp là ôngKoh Poh Tiong với con số xấp xỉ hơn 95% và ông Sunyaluck Chaiajornwat trúng cử với tỷ lệ hơn 84%.

Dragon Capital rót thêm 150 USD khi giá rơi mạnh sau game thoái vốn, Sabeco còn hấp dẫn?

Ngày 15/3, nhóm các nhà đầu tư do Dragon Capital quản lý đã nhận chuyển nhượng 15,3 triệu cổ phiếu Sabeco từ nhà đầu tư Nogard Pte. Ltd. Như vậy, nhóm Dragon Capital tăng tỷ lệ nắm giữ tại Sabeco lên khoảng 18,8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,9% cổ phần.

Được biết, hiện Sabeco là cổ phiếu lớn thứ 5 trong danh mục của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) với tỷ trọng khoảng 5,8% - quỹ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng giá trị tài sản ròng gần 1,8 tỷ USD. Được biết đến là một quỹ đóng nên để có một khoản tiền thực hiện một thương vụ lớn như Sabeco, VEIL đã phải bớt đi nhiều khoản đầu tư khác trong danh mục của mình. Điều này cho thấy quỹ này đang kỳ vọng rất lớn vào sự tăng giá trở lại trong tương lai của Sabeco sau một thời gian dài giảm liên tục.

ĐHĐCĐ Sabeco: Thaibev chính thức được đưa người vào HĐQT - Ảnh 1.

Nguồn: Sabeco.

Nói về Sabeco, lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán năm 2017 vừa điều chỉnh về 6.077 tỷ đồng, ghi nhận tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016. Con số tự lập của Sabeco công bố trước đó là 6.315 tỷ đồng, tức tăng trưởng 10,3%. Theo đó, lãi ròng Công ty cũng giảm 189 tỷ đồng, tương ứng 3,7% xuống mức 5.137 tỷ đồng; lợi nhuận thuộc về cổ đông Sabeco chỉ còn 4.711 tỷ đồng, giảm 130 tỷ đồng so với mức 4.840 tỷ đồng do Công ty tự lập. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) Sabeco tương ứng đạt 6.915 đồng.

Trên thị trường, sau khi Bộ Công Thương hoàn tất thoái vốn thì cổ phiếu đơn vị này liên tục rớt mạnh, từ mức đỉnh 339.000 (29/11/2017) đã giảm 35% về mức 222.000 đồng/cp (chốt phiên 20/4/2018).

ĐHĐCĐ Sabeco: Thaibev chính thức được đưa người vào HĐQT - Ảnh 2.

Biến động cổ phiếu SAB 1 năm qua.

Chờ đợi thông tin tiếp theo về khoản tiền tạm nộp 2,790 tỷ đồng

Không chỉ giá tăng mạnh khi Nhà nước thoái vốn hay chuyện HĐQT, Sabeco còn gây chú ý dư luận tại vụ lình xình xoay quanh khoản tiền tạm nộp 2,790 tỷ đồng. Tuy nhiên, nội dung vấn đề này không thuộc phạm vi của ĐHĐCĐ bất thường lần 1 hôm nay, dự kiến Sabeco sẽ xin ý kiến cổ đông trong lần đại hội sắp đến.

Chi tiết vấn đề, căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Sabeco vào thời điểm 31/12/2016 là 89,59%, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Công ty nộp NSNN khoản lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước là gần 2.500 tỷ đồng.

Trước kiến nghị này, Sabeco và nhiều bên liên quan đã lên tiếng phản đối gay gắt, bởi hiện tỷ lệ sở hữu của Bộ Công Thương chỉ còn 36% nhưng lại phải phân chia lợi nhuận đến 89,589% là không đúng. Chưa kể ĐHĐCĐ trước đó (có Bộ Công Thương) đã thống nhất không chia khoản lợi nhuận chưa phân phối này như vậy đây về bản chất không phải là khoản nợ của doanh nghiệp đối với toàn thể cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước.

Hay phía Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng: "Ngay cả HĐQT của Sabeco hiện cũng không có thẩm quyền phân chia cổ tức từ khoản lợi nhuận chưa phân phối mà phải trình cho ĐHĐCĐ 2017 quyết định. Theo quy định, nếu ĐHĐCĐ tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua thì cổ đông Nhà nước chỉ được hưởng tỷ lệ phân chia 36% vì Nhà nước đã bán bớt cổ phần thông qua đấu giá công khai vào ngày 27/12/2017".

Song, giữa tháng 4 vừa qua, Sabeco cuối cùng cũng phải nộp hơn 2.790 tỷ đồng vào NSNN sau khi nhờ Cục thuế Tp.HCM hướng dẫn cách thực hiện. Theo Sabeco, thực hiện việc kiểm toán thuế theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, năm 2016, Sabeco đã nộp bổ sung 4.769 tỷ đồng (làm tròn) thuế tiêu thụ đặc biệt do thay đổi cách tính thuế. Mặc dù đã có kiến nghị với Bộ Công Thương và bộ này cũng đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc đã nộp thuế đúng theo hướng dẫn của cơ quan thuế, nhưng cho đến nay "Sabeco vẫn chưa nhận được văn bản pháp lý nào cho phép Sabeco được miễn nộp tiền chậm nộp thuế theo quy định".

Hiếu Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên