MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ SHB: cổ đông hỏi tại sao quy mô Top 5 nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều ngân hàng khác

23-04-2018 - 17:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ rằng HĐQT cũng rất trăn trở về điều này...

Chiều nay, ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tại Hà Nội.

Sau khi trình bày báo cáo và các tờ trình, ngân hàng công bố kết quả bầu cử, thông qua tờ trình miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT ngân hàng. Với 99,79% phiếu tán thành, ông Trịnh Thanh Hải chính thức trúng cử làm thành viên HĐQT độc lập ngân hàng SHB.

Đại hội tiến vào phần thảo luận:

Cổ đông hỏi: Lợi nhuận thực tế, lãi thực của cổ đông là bao nhiêu? Đề nghị những năm sau chia cổ tức 5% tiền mặt, 10% cổ phiếu. CAR của ngân hàng hiện mới có 11,26% thấp hơn nhiều ngân hàng và đề nghị tăng vốn điều lệ không chỉ bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu mà tính toán những phương án khác?

Ông Đỗ Quang Hiển: Sẽ cố gắng nâng mức chi trả cổ tức lên mức 14-15% những năm sau. Bên cạnh quá trình phát triển thì lợi nhuận, cổ tức cho cổ đông chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. 

Về chuyện tăng vốn, phía NHNN cũng như HĐQT rất mong muốn nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng nhưng khi tăng vốn cũng phải cân nhắc sử dụng vốn vì liên quan tới cổ tức cho cổ đông có bị phân tán. Chúng tôi sẽ tiếp thu trong quá trình hoạt động năm 2018, khi có điều kiện thuận lợi thì sẽ xin ý kiến cổ đông. 

Cổ đông hỏi: Tình hình nợ xấu bán cho VAMC hiện nay như thế nào? Gánh nặng trích lập những năm sau như thế nào khi mà trích lập dự phòng năm vừa rồi khá thấp? 

Ông Nguyễn Văn Lê cho biết, nợ xấu SHB bán cho VAMC còn hơn 8.000 tỷ, ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng theo quy định của NHNN và theo đề án sáp nhập Habubank đã được NHNN và Chính phủ phê duyệt. 

Cổ đông hỏi: Có chiến lược bán vốn cho NĐT nước ngoài hay không?

Ông Hiển cho biết, SHB và SHBFC có nhiều đối tác nước ngoài đến đặt vấn đề, nhưng quan điểm của SHB nếu là cổ đông chiến lược thì phải thực sự chiến lược, tham gia vào quản trị điều hành, công nghệ sản phẩm. Nếu đối tác nước ngoài vào với danh chiến lược nhưng chỉ là đầu tư ngắn hạn không mang tính lâu dài thì không phù hợp quan điểm tìm đối tác chiến lược của chúng ta.

Cổ đông hỏi: Quý 1 kết quả kinh doanh như thế nào? 

Ông Nguyễn Văn Lê cho biết, cuối quý 3/2018, tổng tài sản ngân hàng đạt 286.000 tỷ, huy động vốn đạt trên 220.000 tỷ , dư nợ cho vay đạt trên 202.000 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 502,57 tỷ. Nợ xấu dưới 3%.

Cổ đông hỏi: Tổng tài sản tăng đều, chúng ta top 5 NHTMCP nhưng lợi nhuận lại kém xa các ngân hàng khác. NIM, ROE của ngân hàng mình cũng khá thấp. Có biện pháp gì trong những năm tới để theo kịp các ngân hàng khác?

Ông Hiển chia sẻ: Chúng tôi cũng rất trăn trở khi nằm top 5 quy mô nhưng lợi nhuận còn thấp. Nhưng thứ nhất, SHB là ngân hàng nhận tái cấu trúc năm 2012 nhận sáp nhập Habubank. Do phải cấu trúc các khoản nợ và trích lập dự phòng, cấu trúc lại hệ thống điều hành nên lợi nhuận không thể so sánh thì mọi sự so sánh rất khấp khiễng. 

Trong các năm qua, khi SHB tái cấu trúc thì chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng bền vững, chúng ta kỳ vọng lợi nhuận tăng cao nhưng phải đi cùng với bền vững. Ngân hàng đã có bệ phóng, đang hiện đại hóa công nghệ, thuê tư vấn của tập đoàn lớn để phát triển IT của ngân hàng và công ty tài chính. Trong 3 năm qua cấu trúc lại toàn bộ bộ máy, nâng cao thu nhập cán bộ nhân viên gán với kết quả kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ để thúc đẩy phát triển nguồn vốn, mũi nhọn bán lẻ. SHB chú trọng hợp tác với tập đoàn tài chính đầu tư nước ngoài, đồng hành với họ để phát triển. 

"Cổ đông yên tâm, 2018 bắt đầu là bứt phá, SHBFC ra mắt vào tháng 7 và bắt đầu có doanh thu. Lợi nhuận trong thời gian tới sẽ có sự bứt phá"- ông Hiển nói. 


Cổ đông hỏi: Nguồn thu từ Bancassurance năm vừa rồi tăng cao, liệu nguồn thu này có ổn định trong những năm tiếp theo?

Ông Hiển cho biết: SHB nói riêng và các ngân hàng Việt nói chung đang hướng tới, phải tăng thu nhập từ dịch vụ, giảm dần tỷ trọng thu nhập từ tín dụng. Hướng tới 30-40% thu nhập của ngân hàng đến từ dịch vụ trong 5 năm tới.

Nguồn thu từ mảng bảo hiểm, những năm tiếp theo tiếp tục ổn định, ngân hàng đã có sự thống nhất cam kết tỷ lệ khá cao với đối tác (Dai-ichi).

Cổ đông hỏi: Kế hoạch 2.050 tỷ lợi nhuận trước thuế đã bao gồm doanh thu từ SHBFC chưa? 

Ông Hiển cho biết kế hoạch đề xuất tới cổ đông chưa bao gồm nguồn thu từ công ty tài chính SHBFC. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đưa ra chiến lược cho SHBFC là 5 năm tới lọt top 5 công ty tài chính tiêu dùng về dư nợ cho vay.

Cổ đông hỏi: Marketing ngân hàng hiện nay cạnh tranh khắc nghiệt. Định hướng của SHB như thế nào?

Ông Hiển chia sẻ, trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung, SHB nói riêng thì Marketing rất quan trọng. Trên thế giới, lương Giám đốc marketing còn cao hơn cả Giám đốc nhân sự. Chiến lược kinh doanh là chiến lược cạnh tranh, tìm ra sự khác biệt thì vai trò của Marketing rất quan trọng. Tôi đánh giá Marketing rất quan trọng và đang tìm những nhân sự cấp cao từ nước ngoài, chuyên nghiệp về Marketing.

Cổ đông hỏi: Quý I lợi nhuận của chúng ta tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái? Động lực đến từ đâu và duy trì như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lê giải thích do quy mô tài sản và dư nợ cho vay tăng lên, cùng với nguồn thu từ dịch vụ nên chúng ta có được tăng trưởng ở mức đó.

Ông Hiển nói thêm rằng, bản thân ông chưa quá mừng với 60% mà muốn cao hơn nữa. SHB có những chỉ tiêu mục tiêu tăng trưởng tới hàng nghìn % vì giá trị tuyệt đối còn thấp. Lợi nhuận cũng thế, tăng trưởng 60% nhưng giá trị tuyệt đối còn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.  

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên