MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ TPBank: Cổ đông nước ngoài IFC sẽ chi hơn 400 tỷ nắm gần 5% vốn ngân hàng

22-04-2016 - 12:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Với mức giá đưa ra là 13.800 đồng/cp, tổng số tiền đầu tư là 403 tỷ đồng, IFC sẽ trở thành cổ đông nắm gần 5% vốn tại TPBank.

Sáng nay (22/4) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.

Đọc báo cáo tại Đại hội, Tổng giám đốc TPBank - ông Nguyễn Hưng cho biết kết thúc năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng đến cuối tháng 12/2015 đạt 76,2 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm trước. Tổng huy động hơn 68,9 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ khách hàng đạt 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2014. Tổng dư nợ bao gồm cả TPDN là 34,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39%, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 28,2 nghìn tỷ đồng, tăng 42%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1% cuối năm 2014 xuống còn 0,66% tại thời điểm cuối năm 2015. Số lượng khách hàng đến ngày 31/12 đạt gần 1,2 triệu khách hàng.

Năm 2015, TPBank đạt 625 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, với kết quả này, TPBank đã chính thức bù đắp hết lỗ lũy kế và bắt đầu có lợi nhuận thực dương.

Về kế hoạch năm 2016, TPBank đặt kế hoạch quy mô tổng tài sản 91,6 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 695 tỷ đồng, tăng 11%. Số lượng khách hàng dự kiến đạt 1,5 triệu khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Về phương án mua lại cổ phần làm cổ phiếu quỹ, năm nay ngân hàng sẽ dùng 196 tỷ đồng lợi nhuận để lại 2015 dùng để mua cổ phiếu quỹ (nếu có) và/hoặc bù đắp thặng dư vốn cổ phần âm tại thời điểm 31/12/2014. Tổng số cổ phiếu tối đa dự kiến mua lại không vượt quá 10% VĐL ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2015. Nguyên tắc xác định giá mua lại: giá mua lại phù hợp với giá thị trường tại thời điểm mua lại.

Về việc thưởng hoàn thành kế hoạch cho Ủy ban điều hành (EXCO), ngân hàng cho biết căn cứ theo Đề án tái cơ cấu TPBank được Thống đốc NHNN thông qua ngày 2/7/2012, các thành viên EXCO trực thuộc HĐQT đã điều hành hoạt động ngân hàng theo các giai đoạn của Đề án nhằm tái cấu trúc ngân hàng Tiên Phong theo đúng lộ trình đã đặt ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án tái cơ cấu đã được thực hiện thành công và hoàn thành sớm 1 năm so với kế hoạch.

Ngân hàng cho biết thêm từ năm 2012 đến nay, các thành viên EXCO đã cam kết chỉ nhận thù lao theo tiêu chuẩn được HĐQT thông qua, không nhận thưởng từ quỹ lợi nhuận hoàn thành của ngân hàng.

Tính đến 30/6/2015, TPBank đã hoàn thành bù đắp toàn bộ lỗ lũy kế và có lợi nhuận thực vào cuối năm 2015. Vì vậy, ban lãnh đạo xin cổ đông thông qua quỹ thưởng:

Đồng thời, ngân hàng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Eiichiro So. Đồng thời miễn nhiệm chức danh Thành viên BKS nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Shusaku Sawada;

Ngoài ra, Đại hội sẽ thông qua tổng số thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới là 8 thành viên trong đó 7 thành viên hiện tại và bầu bổ sung 1 thành viên. Tổng số thành viên BKS là 3 người, trong đó 2 thành viên hiện tại và bầu sổ sung 1 thành viên. Ngân hàng cũng đề cử 2 thành viên bầu bổ sung là ông Shuzo Shikata và ông Kento Tokimori.

Cổ đông nước ngoài IFC sẽ nắm gần 5% vốn TPBank

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình Đại hội thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Loại cổ phần là cổ phần ưu đãi cổ tức, khối lượng phát hành hơn 29,2 triệu cp tương đương 4,999% vốn VĐL TPBank sau khi tăng vốn. Giá phát hành 13.800 đồng/cp, tổng số tiền đầu tư là 403 tỷ đồng. IFC sẽ được hưởng cổ tức ưu đãi 8,5%/năm.

Ông Phú cho biết IFC từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế với TPBank. Trong năm 2015, TPBank là ngân hàng Việt Nam duy nhất được IFC cung cấp hạn mức tài trợ thương mại 10 triệu USD để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.

Ông Phú cho biết với mức giá xấp xỉ 14.000 đồng/cp trong khi gần đây MobiFone đưa ra mức giá khởi điểm bán đấu giá toàn bộ cp tại TPBank ở mức 8.900 đồng/cp. IFC đã có đôi mắt xanh khi nhìn ra tiềm năng phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.

Phần thảo luận

Cổ đông: Tôi nhất trí với báo cáo và kế hoạch mà ban lãnh đạo đề xuất nhưng đề xuất thêm ban lãnh đạo nên cân nhắc mở rộng mạng lưới điểm giao dịch tại các khu vực tập trung khu công nghiệp, các công ty nước ngoài trả lương cho công nhân viên ví dụ Khu công nghiệp Hà Nam, Bắc Ninh,...?

Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank: Theo thông tư 21 của NHNN thì mỗi năm, một NHTM không được mở quá 5 chi nhánh, vì vậy để mở rộng mạng lưới là không dễ do các quy định pháp lý. Việc mở rộng mạng lưới ở đâu, ngân hàng cần phải cân nhắc phù hợp với nhu cầu phát triển của ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng cũng đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ cho khách hàng như rút tiền miễn phí tại các cây ATM của TPBank hoặc các cây thuộc ngân hàng khác. Mạng lưới ATM của TPBank chỉ có tầm dưới 100 cây nên ngân hàng đã chịu phí hộ khách hàng giúp khách hàng sử dụng dịch vụ tốt hơn.

Cũng phải nói thêm, dù ở phân khúc khách hàng nào, chúng tôi cũng đều tăng cường các dịch vụ không sử dụng tiền mặt.

Cổ đông: Qua các con số trình bày, chúng tôi rất ấn tượng với kết quả đạt được. Vậy kế hoạch ngân hàng niêm yết lên sàn thì sao?

Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú: Cuối năm 2011, giá cp TPBank ở mức 4 .000 đồng. Khi được NHNN duyệt phương án tái cơ cấu, giá cp tăng lên 6.000 đồng. Và gần đây, MobiFone rao bán với giá khởi điểm 8.900 đồng, với 61% số cp được các NĐT đăng ký mua còn khi đấu giá thì chưa biết được giá cp sẽ như thế nào. Trong khi đó, IFC đã mua với mức giá xấp xỉ 14.000 đồng/cp cho thấy giới tài chính đang đánh giá khá tốt về cp TPbank. Dây là những tín hiệu đáng mừng và tích cực , còn với cổ đông, mỗi người sẽ tự đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau.

Về kế hoạch niêm yết, khi đó sẽ căn cứ 3 yếu tố: TTCK tại thời điểm đó có tốt không? Thị trường kinh tế có khả năng hấp thụ khi cp ngân hàng niêm yết? Ngân hàng có đủ tiềm lực tài chính mạnh mẽ không?

Với TPbank, ít nhất sau khi ngân hàng hoàn thiện cân bằng vốn tự có ngang với vốn điều lệ 5.500 tỷ đồng mới có thể nghĩ đến kế hoạch niêm yết.

Kế hoạch năm 2017-2020 sẽ là thời điểm thuận lợi để ngân hàng niêm yết, có thể là Upcom hoặc 2 sở HNX và HSX, khi đó ngân hàng sẽ ngày càng minh bạch.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên