MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ TTF: Không thể vay vốn do nợ xấu tại DongABank, tiền đầu tư mới thời gian qua hoàn toàn từ tiền tiết kiệm, thanh lý tài sản

28-04-2020 - 10:40 AM | Doanh nghiệp

Đây cũng là khoản vay duy nhất còn lại ở ngân hàng của TTF. Nếu xóa sạch khoản này, TTF hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng, Chủ tịch TTF nhấn mạnh.

Gỗ Trường Thành (TTF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 để thông qua kế hoạch kinh doanh, chiến lược cho thời gian tới, đặc biệt giữa dịch Covid-19 đồng thời phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ quá hạn tại DongABank.

Cụ thể, TTF dự kiến phát hành 57,94 triệu cổ phần cho DongABank nhằm hoán đổi hơn 123 tỷ đồng nợ vay đã quá hạn từ năm 2016. Giá phát hành của mỗi cổ phần trong đợt này là 2.128 đồng/cp (thị giá hiện nay của TTF là 2.080 đồng/cp), tức 2.128 đồng nợ sẽ hoán đổi được 1 cổ phần: Đây là tỷ lệ do tổ chức thẩm định giá độc lập là Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định VASKA thực hiện ngày 13/4/2020.

Nếu hoán đổi thành công, vốn điều lệ của TTF sẽ tăng từ 3.112 tỷ đồng lên hơn 3.691 tỷ đồng. Cổ phần hoán đổi bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, thời gian tiến hành trong năm 2020.

Ghi nhận tại BCTC kiểm toán 2019, TTF lỗ ròng gần 1.003 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế tính đến 31/12/2020 lên mức 3.019 tỷ đồng, suýt soát với tỷ trọng 97% vốn điều lệ. Việc phát hành cổ phần không chỉ giúp Công ty xóa sạch nợ vay, đồng thời hỗ trợ thoát khỏi nguy cơ lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

ĐHĐCĐ TTF: Không thể vay vốn do nợ xấu tại DongABank, tiền đầu tư mới thời gian qua hoàn toàn từ tiền tiết kiệm, thanh lý tài sản - Ảnh 1.

Do khoản nợ xấu tại DongABank, TTF hoàn toàn không thể tiếp cập tiền vay

Chia sẻ sâu hơn về phương án này, Chủ tịch TTF – ông Mai Hữu Tín – phân trần: "Không còn cách nào khác, bởi TTF không thể nào vay ngân hàng vì khoản vay cũ tại ngân hàng Đông Á là nợ xấu, chưa có điều kiện để trả dứt điểm".

Thực tế, DongABank đã nhiều lần làm việc với TTF, thậm chí khởi kiện về khoản nợ nói trên. Trong đó, bản thân ông Tín cũng đặt nghi vấn về tính xác thực của hồ sơ vay vốn lúc bấy giờ, bởi từ khi tiếp nhận công ty và tiến hành di dời nhà máy để xây tủ bếp, ban lãnh đạo mới phát hiện chất lượng số hàng thế chấp tại Ngân hàng và thực tế khác nhau, giá sản phẩm bên ngoài thấp hơn trên hợp đồng thế chấp.

Chính vì những bất cập đó, TTF không thể đi vay, mặt khác cũng không thể xóa nợ xấu tại DongABank. Do đó, thời gian quan, tiền dùng để xây dựng, đầu tư nhà máy mới đều xuất phát từ các khoản tiết kiệm, thanh lý tài sản, hoàn toàn không huy động được dòng vốn từ ngân hàng. "Đây cũng là khoản vay duy nhất còn lại ở ngân hàng của TTF. Nếu xóa sạch khoản này, TTF hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng", Chủ tịch nhấn mạnh.

3/5 nhà xuất khẩu lớn Việt đóng cửa, khách hàng chậm trả tiền do dịch Covid-19

Năm 2020 TTF tự tin đặt kế hoạch doanh thu hơn 2.427 tỷ đồng, gấp 3,7 lần kết quả đạt được trong năm 2019; kỳ vọng chính thức có lợi nhuận trở lại với chỉ tiêu LNTT gần 70 tỷ đồng. Mục tiêu được đưa ra giữa dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động nghiêm trọng lên hoạt động kinh doanh ngành nói chung và Công ty nói riêng.

Ghi nhận tại Bình Dương, có gần 20 nhà máy đóng cửa và 3/5 nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội) đóng cửa. Không dừng lại, dịch bệnh còn tác động đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Ý, châu Âu… Theo ban lãnh đạo, một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch. Dự kiến, đơn hàng mới sẽ phải ký kết chậm 3-6 tháng.

Mặc dù đối mặt với khó khăn, ban lãnh đạo TTF thẳng thắn chỉ có thể làm hết sức mình, chuyện tương lai không ai có thể nói trước được. Thậm chí, bản thân ông Tín khẳng định năm 2020 sẽ đưa TTF có lãi trở lại, nếu không thành ông Tín sẽ từ chức và không làm nữa!

Thứ mà TTF thiếu là thị trường nội địa

Tính đến hiện tại, 100% nhà máy của TTF vẫn hoạt động nhờ hỗ trợ của khách hàng. Tháng 1/2020, TTF đã khánh thành nhà máy Tủ Bếp với công suất 60 container/tháng, trong đó nhà máy đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm 2020 và dự kiến doanh số xuất khẩu sang Mỹ đạt bình quân 50 tỷ đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, TTF còn đang đầu tư xây dựng nhà máy ván ép mới mang tên CTCP Central Wood với công suất 9.000 m3 mỗi tháng. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định: Đây là địa điểm mà theo ông Tín, có nguồn nguyên liệu tốt nhất cho TTF hiện nay và là nơi có cảng lớn thứ 3 trên toàn quốc.

Mặt khác, TTF sở hữu 2 nhà máy gỗ Đắc Lắc 1 và 2 hiện âm vốn nhưng Công ty quyết định sẽ giữ lại và gộp làm một, thành lập TTF Cao nguyên là pháp nhân đại diện, nhằm phục vụ chuyên sản xuất đồ gỗ ngoài trời.

Được biết, thứ mà TTF thiếu chính là thị trường bán lẻ nội địa, Công ty đặt tham vọng trở thành đơn vị chuyên thi công nội thất cho các công trình bất động sản trong nước song đối tác lớn nhất không thể tạo đủ dự án cho TTF do những thách thức thực tế của thị trường bất động sản thời gian qua.

Còn với mảng xuất khẩu, TTF đang dần có vị thế vững chắc hơn. Năm nay, Công ty sẽ đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga; hiện 70% sản lượng gỗ dành cho xuất khẩu tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia… Dự kiến tháng 5, TTF sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sofa mới, trong đó một nửa công suất sẽ sản xuất cho hãng sofa lớn nhất thế giới.

Liên quan đến hợp tác với Sứ Thiên Thanh, ban lãnh đạo cho biết đang mang lại kết quả nhất định. Hiện công suất của Sứ Thiên Thanh đã được gia tăng. Công ty sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên trong 2-3 tháng tới đi Mỹ. Hợp đồng đã ký, tiền cọc đã nhận và nhà máy đang chạy, ông Tín chia sẻ.

Năm 2019 và 2020, do tình trạng còn lỗ lũy kế và cần vốn kinh doanh, TTF quyết định không chi trả cổ tức.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên