MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ VietinBank: Nếu áp dụng Basel II thì CAR xuống dưới 8%, bắt buộc phải tăng vốn trong năm nay

23-04-2019 - 11:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Liên quan dự án VietinBank Tower, lãnh đạo ngân hàng cho biết đã có khoảng 15-16 tập đoàn lớn quan tâm, 9 tập đoàn lớn ký thỏa thuận hợp tác để nghiên cứu đề xuất phương án tham gia vào dự án.

Sáng nay, ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019.

Tại cuộc họp, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2019, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 2-5%, dư nợ tín dụng tăng từ 6-7%, nguồn huy động thị trường 1 tăng 10-12%, nợ xấu giữ dưới mức 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 9.500 tỷ, trong đó, LNTT ngân hàng mẹ tối thiểu đạt 9.000 tỷ. Đây là các chỉ tiêu trong trường hợp VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018.

Theo đó, ngân hàng trình cổ đông thông qua 2 phương án là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ.

Theo nguyên tắc xử lý cổ phiếu lẻ, số lượng cổ phiếu phát hành để trả cổ tức cho cổ đông sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị, phần lẻ thập phân sẽ bị hủy bỏ. Vì vậy, trong trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03%, lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức dự kiến năm 2018 là 6,6 tỷ đồng.

Chủ tịch VietinBank bày tỏ, nhu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp bách khi các phương án tăng vốn khác đã được khai thác tới hạn.

Ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, ngoài việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn VietinBank cũng sẽ thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư,...

ĐHĐCĐ VietinBank: Nếu áp dụng Basel II thì CAR xuống dưới 8%, bắt buộc phải tăng vốn trong năm nay - Ảnh 1.

Tại cuộc họp, ngân hàng sẽ tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2019-2024. Danh sách thành viên HĐQT dự kiến có 8 người, bao gồm: ông Lê Đức Thọ, ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Hiroshi Yamaguchi, ông Hideaki Takase.

Danh sách ứng viên bầu vào BKS gồm 3 người là bà Lê Anh Hà, hiện đang là Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro kiêm Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ; bà Nguyễn Thị Anh Thư, đang là Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ; ông Nguyễn Mạnh Toàn, đang là Trưởng phòng Pháp chế, Khối Pháp chế và Tuân thủ.

Đại diện NHNN, ông Nguyễn Văn Thạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN cho rằng VietinBank đã có sự đổi mới, tái cấu trúc hoạt động hướng tới hoạt động theo thông lệ quốc tế, nhưng vẫn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Về tăng trưởng quy mô, sau 5 năm, tổng tài sản cuối năm 2018 ở mức 1,16 triệu tỷ, gấp hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Về chuyển dịch cơ cấu về thu dịch vụ được đánh giá hợp lý và tăng trưởng nhanh. Ngân hàng đã triển khai thành công phương án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016 và vừa được NHNN duyệt phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Vị lãnh đạo NHNN đánh giá, các chỉ tiêu của VietinBank cũng phù hợp với chiến lược của ngành ngân hàng định hướng năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

"VietinBank cũng đi đầu trong thực hiện các chính sách định hướng của Đảng và Chính phủ về thực hiện lãi suất, và hướng tới các nhóm khách hàng ưu tiên,...", ông Thạnh nói.

Sau phần báo cáo và trình cổ đông các nội dung, đại hội sẽ tiến vào phần thảo luận.

Nếu áp dụng chuẩn Basel II, CAR của VietinBank có thể chỉ dưới 8%

Cổ đông hỏi về tỷ lệ an toàn vốn hiện nay của ngân hàng và các biện pháp cải thiện?

Ông Lê Đức Thọ cho biết tỷ lệ an toàn vốn đến cuối năm 2018 của ngân hàng riêng lẻ là 9,6% còn hợp nhất là 10%, đáp ứng quy định của NHNN. VietinBank đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tỷ lệ này, trong đó chủ động kiểm soát tăng trưởng tài sản có rủi ro, phù hợp với thực tế của thị trường.

Vốn điều lệ của Vietinbank suốt nhiều năm qua chỉ dừng ở mức hơn 37.000 tỷ (kể từ từ năm 2013 đến nay). Các nguồn lực từ cổ phần hóa, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài,… đã đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của VietinBank trong những năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của ngân hàng vẫn lớn, những năm gần đây, VietinBank tìm nhiều cách để cải thiện vốn tự có, chẳng hạn như phát hành trái phiếu dài hạn, cơ cấu các khoản đầu tư, cơ cấu các khoản góp vốn vào các công ty con,…

Giai đoạn trước, VietinBank tăng trưởng rất nhanh từ 17-20% và trong 5 năm, quy mô ngân hàng tăng gấp 2 lần. Với quy mô hiện nay, tốc độ tăng trưởng của VietinBank phải được điều chỉnh lại, chỉ khoảng 6%, với điều kiện được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, hoặc được chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Nếu áp dụng Thông tư 41 thì tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có thể chỉ dưới 8%, do đó nhu cầu tăng vốn của VietinBank rất cấp bách là như vậy. Trong mọi trường hợp, VietinBank phải chủ động được việc quản trị an toàn vốn, khẩn trương đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Không có nếu không, VietinBank bắt buộc phải tăng được vốn

Cổ đông hỏi, nếu không được tăng vốn, ngân hàng sẽ làm thế nào? Và bao giờ cổ đông được nhận cổ tức năm 2017?

Ông Lê Đức Thọ: Đối với câu hỏi nếu không được tăng vốn của cổ đông, VietinBank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.

Tỷ lệ cổ tức năm 2017 như đã trình cổ đông năm ngoái dự kiến là 7%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị 7% sẽ chia bằng cổ phiếu, hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Cổ đông hỏi dự kiến chi phí dự phòng năm 2019 là bao nhiêu? Ngân hàng xử lý nợ xấu trong quá khứ đến bao giờ và bao giờ có thể hoàn thành tái cơ cấu?

Ông Lê Đức Thọ: Chi phí dự phòng năm 2019 dự kiến ở khoảng 7.600 tỷ. Ngân hàng sẽ cố gắng thúc đẩy kinh doanh, song song với hoạt động xử lý nợ xấu. Trong điều kiện cho phép, VietinBank sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ này. Như nội dung đã báo cáo với cổ đông, NHNN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đối với VietinBank.

Hàng chục nhà đầu tư lớn quan tâm dự án VietinBank Tower

Cổ đông hỏi về tiến độ tái cơ cấu dự án trụ sở ở Ciputra, ngân hàng đã tìm được nhà đầu tư nào chưa?

Ông Lê Đức Thọ cho biết, việc xây dựng và phát triển trụ sở là để tương xứng với quy mô và tầm vóc của ngân hàng. Tuy nhiên, dự án này có quy mô rất lớn, nếu chỉ dùng làm trụ sở thì chưa phát huy hết được tiềm năng. Tại ĐHCĐ bất thường năm 2018, ngân hàng cũng đã trình cổ đông cho phép tái cơ cấu lại dự án Ciputra, trong đó có 3 phương án.

Kể từ khi được thông qua phương án tái cơ cấu dự án đến nay, tòa tổ hợp này nhận được nhiều nhà đầu tư quan tâm.  Và đến thời điểm này, chúng tôi đã thành lập các ban, tổ giúp việc, hội đồng tái cơ cấu dự án và giao cho 1 Phó TGĐ trực tiếp làm chủ tịch hội đồng tái cơ cấu dự án, cùng nhiều chuyên gia và cán bộ các bộ phận khác nhau để thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu.

Đã có khoảng 15-16 tập đoàn lớn quan tâm, 9 tập đoàn lớn ký thỏa thuận hợp tác để nghiên cứu đề xuất phương án tham gia vào dự án. Chúng tôi đang lựa chọn các nhà tư vấn trong việc thực hiện các công việc khẩn trương, đảm bảo quy định pháp luật, thu hồi tối đa giá trị đầu tư.

Cổ đông hỏi về tình hình kết quả kinh doanh Quý 1/2019

Ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc cho biết đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ngân hàng giảm 17.000 tỷ đồng xuống 1,15 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm còn 884.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4 dư nợ đã tăng trở lại khoảng 10.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 0,4%.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong Quý 1 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Lợi nhuận cải thiện dù dư nợ giảm là nhờ cơ cấu lại thị trường cho vay, tập trung vào phân khúc có NIM cao hơn, phân khúc bán lẻ, tăng cường cho vay VND...

---------------

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua. Theo đó, VietinBank sẽ được chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. HĐQT được ĐHĐCĐ ủy quyền quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 sau khi có phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ VietinBank cũng đã thông qua nhân sự trúng cử HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 bao gồm: ông Lê Đức Thọ, ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Hiroshi Yamaguchi, ông Hideaki Takase. Thành viên BKS nhiệm kỳ 2019-2024 bao gồm: bà Lê Anh hà, bà Nguyễn Thị Anh Thư, ông Nguyễn Mạnh Toàn.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên