MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Vincom Retail (VRE): Mở mới 13 trung tâm thương mại, năm 2019 là bản lề tập trung vào các đại dự án Vincom Mega Mall

11-04-2019 - 10:50 AM | Doanh nghiệp

Tính đến hết ngày 31/3/2019, Vincom sở hữu 66 TTTM với 1,5 triệu m2 diện tích mặt sàn bán lẻ tại 38/63 tỉnh thành.

Sáng nay CTCP Vincom Retail (mã VRE) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Bà Thái Thị Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT vì lí do cá nhân đã gửi văn bản xin vắng mặt tại đại hội, ủy quyền cho Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Mai Hoa tiến hành đại hội. Tại đại hội có một cá nhân Chu Anh Tuấn tự ứng cử vào ban kiểm phiếu.

Một số điểm đáng chú ý của Vincom Retail trong năm qua: khai trương mới 20 TTTM, trong đó có hai Vincom Center, 15 Vincom Plaza và ba Vincom+, đạt kỷ lục về số lượng TTTM mở mới trong một năm. Trong năm qua, Vincom Retail đã đón 160 triệu lượt khách tham quan, mua sắm tăng gần 40% so với năm 2017. Vincom Center Landmark 81 chính thức ra mắt với gần 100 thương hiệu bán lẻ quốc tế đã trở thành biểu tượng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tính đến hết ngày 31/3/2019, Vincom sở hữu 66 TTTM với 1,5 triệu m2 diện tích mặt sàn bán lẻ tại 38/63 tỉnh thành.

Vincom Retail định hướng dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam cả về quy mô và sản phẩm. Năm 2019, dự kiến VRE sẽ mở mới 13 TTTM, nâng tổng số TTTM trong hệ thống lên 79. Năm 2019 cũng là năm tiền đề khởi động cho các dự án điểm nhấn Vincom Megamall với quy mô từ 60.000 - 100.000 m2 tại các khu đại đô thị Vinhomes dự kiến ra mắt trong giai đoạn 2020-2021. Trong đó các dự án như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Sportia đều là các tổ hợp dự án lớn hàng trăm hecta với những trải nghiệm mới về không gian mua sắm hiện đại và phong cách.

Năm 2019 Vincom Retail sẽ triển khai theo 4 mô hình là Vincom Center, Vincom Megamall, Vincom Plaza và Vincom+. Tại các TTTM ở Hà Nội và TP.HCM, Vincom Retail sẽ tiếp tục tiên phong mang các thương hiệu quốc tế lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu các thương hiệu mới về các TTTM tỉnh, thành phố khác.

Về kết quả kinh doanh năm 2018, công ty đạt doanh thu thuần 9.124 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2017, lợi nhuận trước thuế 3.035 tỷ, lợi nhuận sau thuế 2.413 tr đồng, tăng 19% so với năm 2017. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng bán lẻ tăng trưởng 24% so với năm 2017. Tỷ lệ cổ tức 10,5% bằng tiền mặt, tương dương khoảng 2.445 tỷ đồng, được thực hiện trong quý II/2019.

Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2019 ước đạt khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng 6,3% so với doanh thu đạt được năm 2018. Và lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 2.700 tỷ đồng, ước tăng trưởng 11,9% so với năm 2018.

Hỏi đáp tại Đại hội:

Phương án cạnh tranh với Amazon, các trung tâm thương mại khác như Aeon Mall, Shoppee, thương mại điện tử như thế nào?

Xu hướng TMĐT lên ngôi, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng theo hướng tích cực giúp cho thị trường bán lẻ ngày càng sôi động hơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, các giao dịch TMĐT tác động tương hỗ tăng doanh thu và thu hút khách hàng tới TTTM. Một số hãng như H&M, Zara, hay các hãng nội địa mặc dù có kênh online nhưng khách hàng vẫn tới TTTM để trải nghiệm tốt hơn. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tác động tích cực hơn vào sự phát triển của các TTTM.

Xu hướng được các chuyên gia chia sẻ là việc sự tương hỗ rất lớn giữa online và offline,các khách mua sắm mặc dù xem hàng online nhưng vẫn chọn các cửa hàng thực thể để mua sắm. Sau một thời gian Amazon, Alibaba phát triển online họ vẫn phát triển các cửa hàng thực thể. Điều này khiến chúng ta vững tin vào tương lai bán lẻ của Việt Nam.

Các đối thủ ngoại tác động và cạnh tranh như thế nào như Lotte, Big C và Aeon? Sự quan tâm của các nhà đầu tư vào bán lẻ là tín hiệu tốt khi chúng ta nhìn thấy tỷ lệ bán lẻ m2/đầu người ở Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 1/10 Thái Lan. So với các đối thủ, mô hình của Vincom Retail có những điểm khác biệt. Megamall chủ yếu phát triển trong khu đại đô thị Vinhomes để tận dụng lợi thế hệ sinh thái của Vingroup và có lượng khách hàng sẵn có và ổn định. Lượng dân cư nội của các dự án tại khu đô thị Vingroup đo đạc khoảng 150.000 dân thường xuyên tới TTTM, ngoài ra tại các khu đại đô thị còn có các điểm du lịch như biển hồ, vinpearl land hay VinUni kết hợp trải nghiệm giữa vui chơi giải trí thu hút khách hàng ngày cuối tuần và trải nghiệm mua sắm tại TTTM.

Vincom có lợi thế về vị trí và có kinh nghiệm về thị trường bán lẻ việt nam. Chúng tôi là thương hiệu Việt và hiểu thói quen mua sắm của người Việt.

Một quỹ đầu tư: Vì sao đặt kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng? Đâu là lợi thế và khó khăn?

Kế hoạch kinh doanh 2019 chưa tính đến việc vận hành Landmark 81, đó là các trải nghiệm mới mua sắm tại trung tâm mua sắm Vincom. Kế hoạch đặt ra phát triển mới 13 TTTM, tốc độ tăng trưởng doanh thu 25%.

Kế hoạch khai trương 2019 có điểm đáng chú ý: thay đổi mô hình thiết kế Vincom + một hầm một nổi theo format Vincom Plaza với shophouse xung quanh, muốn phát triển Vincom+ thành Vincom Plaza sau 7 năm tiếp theo mà không bị gián đoạn kinh doanh. Điều này tăng sự hấp dẫn về thiết kế đồng bộ hơn giữa các dự án.

Năm 2019 là bản lề cho năm 2020-2021 tập trung vào các đại dự án Vincom Mega Mall.

Năm 2019 có nhiều cơ hội hơn. Một số hãng bán lẻ công bố kế hoạch vào Việt Nam như Uniqlo, Ikiea, F21 và nhiều thương hiệu nữa. Chúng tôi có vinh dự được làm việc với các đối tác này.

Thứ hai, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ nội địa, một số nhãn ký trên 10 TTTM của Vincom. Khi trao đổi với các đối tác nước ngoài họ đánh giá thị trường Việt Nam là thị trường tiềm năng.

Lo ngại phát triển Vincom Plaza tại các tỉnh khi thu nhập của người dân chưa cao? VRE có chiến lược gì để hạn chế rủi ro và thay đổi thói quen mua sắm của người dân?

Bà Trần Mai Hoa: Mỗi thị trường chúng tôi tập trung cơ cấu ngành hàng để phát triển nhãn hàng bán lẻ tại thị trường đó phù hợp với thu nhập người dân địa phương. Vincom+ đa phần là siêu thị phục vụ thói quen mua sắm hàng ngày của người dân. Chúng ta nhìn các tỉnh như Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ phát triển rất tốt. Quãng đường này không ngắn. Mục tiêu cho các Vincom Plaza tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%, ngoài phát triển khách hàng chuỗi sẽ phát triển thêm các khách hàng thuê từ địa phương vào các Vincom Plaza.

Về câu hỏi có nên phát triển thị trường tỉnh không? Đương nhiên phải đi. Thị trường Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Khi đi khảo sát thực địa chúng tôi ngạc nhiên về tốc độ đô thị hóa tại đó. Chắc chắn Vincom sẽ mở 2-3 TTTM tại các tỉnh tiềm năng, còn tại các tỉnh nhỏ sẽ thay đổi cơ cấu ngành hàng hướng đến hàng cơ bản nhiều hơn, mức giá thấp hơn để thu hút người dân.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên