MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Vissan: Vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 14% trong bối cảnh dịch tả lợn, xin dời thời hạn hoàn thành dự án Di dời Nhà máy thêm 2 năm

11-04-2019 - 10:54 AM | Doanh nghiệp

Vissan kế hoạch kinh doanh với 4.850 tỷ doanh thu và 200 tỷ lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 9% và 14% so với thực hiện năm 2018. Với những chỉ tiêu trên, Vissan cũng lên phương án chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 5%/mệnh giá.

Sáng ngày 11/4/2019, CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan (UpCOM: VSN) nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh với 4.850 tỷ doanh thu và 200 tỷ lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 9% và 14% so với thực hiện năm 2018. Với những chỉ tiêu trên, Vissan cũng lên phương án phân phối lợi nhuận 2019 như sau:

+ Trích tối thiểu 15% lợi nhuận cho quỹ đầu tư phát triển;

+ Trích tối đa 1,5 tháng lương bình quân cho quỹ khen thưởng, phúc lợi;

+ Trích tối đa 1,5 tháng lương bình quân quản lý cho quỹ thưởng người quản lý;

+ Cổ tức: 5% năm/mệnh giá.

Chiến lược hoạt động năm 2019, HĐQT dự kiến tăng nhận diện mới trên bao bì thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến, nâng cấp hệ nhận diện chuỗi cửa hàng, phát triển mô hình Vissan Premium. Cùng với đó, Vissan cũng xây dựng đề án nguyền nguyên liệu heo hơi, đặt mục tiêu tỷ lệ nguồn nguyên liệu tự cung ứng 20-30%.

Kết thúc năm 2018, Công ty ghi nhận sản lượng thực phẩm tươi sống và chế biến lần lượt 25.515 tấn và 22.660 tấn. Tương ứng, doanh thu mạng lưới ở mức 4.466 tỷ, tăng 15%, chỉ mới thực hiện 97% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 175 tỷ, thực hiện 98% chỉ tiêu đề ra. Công ty sẽ chia cổ tức 2018 với tỷ lệ 5%/vốn điều lệ, tương đương số tiền chi ra gân 40,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo Ban lãnh đạo Vissan, năm 2018 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của bán lẻ, cho thấy được sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đồng thời, giá heo tăng cao đẩy mạnh chi phí nguyên vật liệu, dẫn đến kết quả Công ty chưa đạt được kỳ vọng. Đối mặt với bối cảnh đó, Vissan năm qua cũng đã nghiên cứu và cho ra mắt 13 sản phẩm mới, mới đây tháng 1/2019 Công ty cũng tung ra thị trường sản phẩm thịt heo thảo mộc không kháng sinh và khai trương cửa hàng Premium đầu tiên tại quận 1, Tp.HCM.

ĐHĐCĐ Vissan: Vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 14% trong bối cảnh dịch tả lợn, xin dời thời hạn hoàn thành dự án Di dời Nhà máy thêm 2 năm - Ảnh 1.

Tách dự án Long An thành hai công trình riêng biệt, lùi thời gian từ 2019 sang 2021

Báo cáo về tiến độ dự án giết mổ tại Long An, đại diện Vissan cho biết tính đến cuối năm 2018, Công ty đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (8 gói thầu), đồng thời đã hoàn thiện thủ tục pháp lý thành lập Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An.

Dự án đã được cấp Giấy phép xây dựng hạng mục Tường rào và cổng tạm, đồng thời đang thúc đẩy hoàn tất hồ sơ mời thầu gói "Cung cấp và lắp đặt dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/giờ" – đây cũng là gói thầu chiếm tổng vốn đầu tư lớn nhất. Công ty cũng đã hoàn thành thi công hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ diện tích 22,4 đất.

Về công tác đầu tư, Công ty triển khai thực hiện được tổng giá trị 36,05 tỷ đồng bao gồm 16,87 tỷ các hạng mục chuyển tiếp từ năm 2017 và 19,18 tỷ các hạng mục đầu tư mới.

Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông phân kỳ dự án thành hai công trình:

+ Công trình 1: Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại huyện Bến Lức, Long An với tổng đầu tư 1.307,5 tỷ đồng.

+ Công trình 2: Văn phòng điều hành kinh donah của Vissan và các khi trung chuyển tại KCN Tân Tạo, Bình Tân, Tp.HCM với tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty cũng trình dời tiến độ chung dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021, thay cho kế hoạch trước đó là vào năm 2019. Riêng năm 2019 Công ty dự kiến hoàn thành thi công xây dựng hạng mục tường rào bao quanh khu đất và cổng tạm; Hoàn thành việc lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà thầu Tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, cung cấp và lắp đặt dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/giờ; Hoàn thành lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán công trình Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An.

Cổ đông ý kiến về nhãn mác, ban lãnh đạo nói gì?

Tại Đại hội, một nhà phân phối kiến nghị Vissan về nhãn mác tương tự nhau giữa những chủng loại sản phẩm khác nhau, khách hàng khó phân biệt rạch ròi dòng sản phẩm pate, thịt mát… dẫn đến doanh số có phần bị ảnh hưởng sụt giảm tại khu vực này.

Tương tự, một cổ đông cũng ý kiến liên quan đến nhãn mác của Vissan bị lỗi, thậm chí dễ làm giả mạo, theo đó ảnh hưởng đến chất lượng cũng như uy tín của Công ty.

Nói về điều này, đại diện Vissan cho biết đối với ngành thực phẩm, thì khi phân phối sản phẩm ra thị trường không bao giờ đảm bảo được 100% sản phẩm không bị lỗi. Lỗi đó có thể từ sản xuất, từ người tiêu dùng, từ việc luân chuyển… Theo thống kê, lỗi sản phẩm Công ty chủ yếu phát sinh trong quá trình phân phối, vận chuyển.

Hiện Vissan đã có đội giải quyết những vấn đề trên. Nếu lỗi ở ngoài thị trường của chuyện phân phối, vận chuyển hay lỗi trong quá trình sản xuất, Công ty cho biết luôn cố gắng giải quyết, không bưng bít.

Còn việc một số mẫu mã giống với Công ty, lãnh đạo khẳng định khi xây dựng mẫu mã mới thì luôn đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời cũng có đội ngũ chăm sóc khách hàng, quản lý thương hiệu. Đối với ý kiến dễ bị giả mạo, Vissan cũng dự kiến tìm hiểu, tiếp cận vấn đề để sớm giải quyết.

Hay việc dễ nhầm lẫn giữa những sản phẩm khác nhau của Công ty, Vissan cho biết việc thay đổi mẫu mã đang là chương trình trung hạn đã được triển khai từ năm 2017. Công ty mục tiêu xây dựng lại các nhãn hiệu tùy theo phân khúc thị trường. Hiện, Công ty đang có 3 thương hiệu với 3 phân khúc khác nhau: Vissa, 3 Bông Mai và Mai Vàng. Theo đó, lãnh đạo Công ty mong muốn nhà phân phối tiếp tục đồng hành với Vissan để hoàn thành công tác gia tăng nhận diện thương hiệu.

Tiến độ thoái của Satra?

Tiếp tục hỏi đáp xoay quanh việc thoái vốn của Satra, hiện Công ty đã xây dựng đề án thoái vốn và phải theo lộ trình công ty mẹ. Dự kiến, Vissan sẽ cổ phần hóa sau năm 2020, sau đó Công ty mới chính thức tính đến chuyện thoái vốn.

Tính đến nay, Công ty vẫn đang trình Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM và đợi kết quả nên không thể chia sẻ chi tiết hơn.

Kiến nghị của Ban Kiểm soát, Công ty chịu nhiều biến động khi tập trung vào sản phẩm từ thịt như xúc xích, thì có chiến lược thay đổi gì để chủ động hơn về tăng trưởng?

Không phủ nhận điều này, HĐQT Công ty cũng cho biết thực tế kinh doanh thịt thì sản phẩm từ thịt luôn chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 80-90%. Còn liên quan đến việc đang đối mặt với dịch tả heo Châu Phi, Công ty vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng 15% sản phẩm từ thịt. Tính đến nay, thì sự việc vẫn chưa có thêm thông tin cụ thể gì cho nên khó để đánh giá. Song, lãnh đạo Vissan cũng đã có kế hoạch nhập thịt đông lạnh về trong kịch bản không tốt.

Nói về thời gian qua, do dịch tả lợn dẫn đến số lương đàn heo giảm, đối mặt nguy cơ thiếu hụt đàn heo. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đầu tiên người dân biết đến dịch tả heo khiến người tiêu dùng vội vàng quay lưng với thịt heo. Đơn cử, thời gian đầu Công ty liên tục bị từ chối đơn hàng, do đó mặc dù đàn heo thiếu hụt nhưng nhu cầu cũng giảm sút nên chưa ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất kinh doanh. Thời gian tới, Công ty dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ việc thiếu hụt đàn dẫn đến chi phí nguyên liệu tăng cao.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên