MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi tìm giải pháp xây nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện căn nhà 150 triệu đồng "phủ sóng" các khu công nghiệp

26-09-2019 - 15:59 PM | Bất động sản

Tỉ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các khu công nghiệp (KCN) khoảng trên 50%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Tuy vậy, hầu hết các KCN tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động.

Đó là thực tế và vẫn là câu chuyện đau đáu được cả phía cơ quan nhà nước lẫn các DN BĐS quan tâm suốt thời gian qua. Đây cũng là chủ đề được các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ tại hội thảo “giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tiền Phong tổ chức mới đây.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tạo ra căn nhà có giá 150 triệu đồng/căn cho công nhân

Tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các KCN khoảng trên 50%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Vì vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ, trường học ở khu vực này càng trở nên bức xúc. Hầu hết các KCN tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động (NLĐ).

Mặc dù, số lượng công nhân tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các KCN chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ và các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho NLĐ, nhất là vấn đề vốn và đất đai.

Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” là một giải pháp nhà ở cho công nhân. Hiện các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng tối thiểu một thiết chế của công đoàn, đó là một tổ hợp công trình được xây dựng đồng bộ trên diện tích từ 3 -5 ha, gồm: nhà ở (căn hộ), nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao (nhà Đa năng) văn phòng tư vấn pháp luật gắn với vườn hoa, cây xanh.

Đi tìm giải pháp xây nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện căn nhà 150 triệu đồng phủ sóng các khu công nghiệp - Ảnh 1.

Một thiết chế của công đoàn như trên sẽ có khoảng 1.000 căn hộ (có diện tích từ 30 m2/căn đến 45 m2/căn, giá bán 150 triệu đồng/căn trở lên), đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho khoảng 4.000 ngàn đoàn viên là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có khó khăn về nhà ở.

Như vậy, đến năm 2020 tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ xây dựng 50 thiết chế công đoàn tại 50 khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô khoảng 50 ngàn căn hộ gắn với 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 nhà đa năng và các dịch vụ thiết yếu khác, tạo nơi ở có chất lượng cho khoảng 200 ngàn đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Khi Đề án triển khai thực hiện tốt, đoàn viên, công nhân lao động sẽ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần giảm ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm, giúp con công nhân lao động được bố mẹ chăm sóc, tăng mức độ gắn kết trong mỗi gia đình công nhân.”, ông Phan Anh nhấn mạnh.

Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 - 45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu/đồng/tháng, trong khoảng 5 đến 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, NLÐ đang làm việc tại DN, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng): “Cần vốn và đất đai”

Theo báo cáo của các địa phương thì nhu cầu nhà ở của công nhân khu công nghiệp, tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), Tp.HCM (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)… “Mặc dù nhu cầu nhà ở của đối tượng công nhân, người thu nhập thấp còn rất lớn nhưng lại không có sản phẩm để bán, thuê, thuê mua”, ông Ninh nhấn mạnh.

Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đi tìm giải pháp xây nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện căn nhà 150 triệu đồng phủ sóng các khu công nghiệp - Ảnh 2.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.

Giải pháp ở giai đoạn này là cần có nguồn vốn và quỹ đất. Về quỹ đất, theo ông Ninh đề nghị các địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. Về vốn: bổ sung từ nguồn dự phòng trung hạn 2019-2020 để cho vay nhà ở xã hội; UBND các địa phương bố trí nguồn ngân sách địa phương theo thẩm quyền (trong đó có tiền SD đất 20% dành để XD nhà ở xã hội đối với các dự án dưới 10 ha.

Ông Ninh cũng cho ý kiến, cần bố trí sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo, người thu nhập thấp tại các đô thị trên địa bàn theo quy định.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành: “Cho phép doanh nghiệp xây nhà dưới 20m2 để cho thuê”

Hiện nay đủ thứ cái khó cản bước nhà giá rẻ. Trong đó, thủ tục xin dự án nhà ở xã hội khó hơn nhà thương mại, đó là một nghịch lý. Cái khó thứ hai là về dân số, nhà ở xã hội có diện tích nhỏ hơn so với nhà thương mại, khi quy hoạch thì số lượng căn hộ nhiều hơn số lượng cư dân quy hoạch. Ngoài ra, dự án nhà xã hội phải cùng nhà nước làm hạ tầng trong khi nhà thương mại không phải tham gia.

Bên cạnh đó, khi làm nhà ở cho công nhân, phải tìm đặc trưng của công nhân, có 2 vấn đề là ở làm cho công ty một thời gian rồi chuyển đi nơi khác, hai là khi làm một thời gian thì họ sẽ an cư tại nơi làm việc. Theo ông Nghĩa, hiện nay người dân không thích mua nhà dưới 30m2 mà lựa chọn nhà trên 40m2. Công nhân không thích mua nhà diện tích nhỏ, người mua nhà giá rẻ phải chịu nhiều chi phí cao hơn so với nhà thương mại.

Đi tìm giải pháp xây nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện căn nhà 150 triệu đồng phủ sóng các khu công nghiệp - Ảnh 3.

“Theo tôi, nhà nước nên cho phép doanh nghiệp xây nhà dưới 20m2 để cho thuê”, ông Nghĩa kiến nghị.

Cũng theo ông Nghĩa, người dân ở nhà ở xã hội hiện nay đang phải đóng phí xử lý nước thải gấp 2 lần người ở nhà phố. Bởi người ở nhà phố khi đóng tiền nước đã có luôn khoản phí xử lý nước thải. Còn người ở nhà ở xã hội cũng phải đóng khoản này rồi nhưng còn phải đóng thêm một khoản nữa là phí xây bể, vận hành bể xử lý. Vì sao người giàu chúng ta chỉ đóng phí xử lý nước thải có một lần còn người nghèo lại phải đóng đến 2 lần. Như thế là bất hợp lý.

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM: “Cần có các mô hình KDC quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh Tp.HCM”

Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư. Trong đó, có gần 300.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh khoảng 190.000 người, chiếm 69% tổng số lao động.

Người có thu nhập cao, người có thu nhập khá và người nước ngoài có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình. Nhưng, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của Tp.HCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Đi tìm giải pháp xây nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện căn nhà 150 triệu đồng phủ sóng các khu công nghiệp - Ảnh 4.

Cần tạo ra các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số 1 triệu người sau 5 năm của Tp.HCM. Trong đó, mô hình phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh Tp.HCM.

Theo ông Châu, hơn 20 năm qua, nhiều địa phương trong “vùng thành Tp.HCM” đã có tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp rất nhanh, như các tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Nhiều khu vực giáp ranh hoặc gần Tp.HCM như các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An); Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai); Phú Mỹ, Tân Thành, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đã thực sự tạo thành các đô thị vệ tinh, như vùng ngoại ô của Tp.HCM, góp phần cơ cấu lại sản xuất, dân cư trong toàn vùng và làm giảm bớt áp lực của dòng người nhập cư vào thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM: “Chăm lo đời sống cho người lao động chính là cách đầu tư khôn ngoan và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng bền vững”

Ông Minh thông tin, đến cuối tháng 8/2019, NHNN cho vay tiêu dùng hơn 350.000 tỷ đồng trong tổng dư nợ, trong đó 38% vay mua nhà ở, nguồn tiền trả từ tiền lương, tiền công. Để đáp ứng nhu cầu của công nhân vẫn là vốn tín dụng NH. Cơ chế chính sách không có sự phân biệt giữa người thu nhập thấp và thu nhập cao.

Về số tiền cho vay tùy theo nhu cầu người vay và giá trị thị trường căn hộ mà người vay muốn mua. NH cho vay từ 70-80% căn nhà, kể cả sửa chữa. Về lãi xuất cho vay, theo thống kê, hiện nay lãi cho vay cá nhân phổ biến từ 9-12%.

Đi tìm giải pháp xây nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện căn nhà 150 triệu đồng phủ sóng các khu công nghiệp - Ảnh 5.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ công nhân lao động sở hữu nhà ở, ông Minh đề xuất, cần xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường; phát triển đồng bộ quy hoạch nhà ở và các tiện ích công như trường học, bệnh viện, giao thông, siêu thị, giải trí… tạo dựng môi trường thích hợp cho công nhân lao động an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội…

“Tp.HCM đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quy hoạch vị trí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội”, ông Minh thông tin.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên