MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch 2.000 trang tài liệu, Bộ Tài chính vừa chính thức Công bố Bộ thuật ngữ IFRS để chuẩn bị áp dụng vào năm 2022

Bộ Tài chính vừa chính thức đăng tải Bản dịch Bộ thuật ngữ IFRS sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia.

Nằm trong chương trình Đề án triển khai áp dụng IFRS vào Việt Nam theo Quyết định số 480/QĐ- TTg, ngày 18/03/2013 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo đó Bộ Tài chính đã và đang gấp rút triển khai cập nhật, bổ sung Chuẩn mực BCTC Việt Nam theo hướng phù hợp, tiệm cận với Chuẩn mực BCTC Quốc tế (IFRS) đồng thời nhanh chóng triển khai việc áp dụng IFRS vào Việt Nam.

Theo lộ trình, từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022, như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…Từ năm 2022 đến 2025, việc áp dụng IFRS là tự nguyện hoặc do Bộ Tài chính lựa chọn để áp dụng lập báo cáo tài chính hợp nhất tại các công ty mẹ của Tập đoàn Nhà nước quy mô lớn có khoản vay quốc tế, hoặc công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn. Sau năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết bắt buộc lập báo cáo hợp nhất theo IFRS.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo Bộ Tài chính, để áp dụng rộng rãi IFRS tại Việt Nam cần phải chuẩn bị một núi công việc khổng lồ, đầu tiên phải được phía Ủy Ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế chấp thuận cho áp dụng, dịch thuật bộ tài liệu 2.000 trang, và các văn bản hướng dẫn 3000-4000 trang. Sau đó Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các chuyên gia về "Bản dịch bộ thuật ngữ IFRS" trước khi trình Chính phủ thông qua và đăng ký với Ủy Ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IASB trong thời gian tới.

Đối với những doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS, trước ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính ban hành mới hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo hướng phù hợp với IFRS, yêu cầu quản lý, điều hành của Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng dựa trên hệ thống IAS/IFRS theo nguyên tắc tiếp thu tối đa những quy định của thông lệ quốc tế phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng IFRS nhằm thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tính minh bạch của các thông tin tài chính hữu ích, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, nhà đầu tư, góp phần tạo điều kiện để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng trang web IFRSVietnam.vn để cập nhật các thông tin mới nhất về lộ trình áp dụng IFRS.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên