MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và "một màu", các ứng dụng fintech "thừa thắng xông lên" vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng

08-05-2019 - 13:37 PM | Tài chính quốc tế

Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng quản lý tài chính cho thấy dịch vụ của các ngân hàng truyền thống Hàn Quốc cực kỳ nhàm chán.

Yu, một sinh viên 25 tuổi đang sinh sống và học tập tại Seoul, đang gặp khó khăn khi trả lời một câu hỏi đơn giản: anh gửi tiền ở ngân hàng nào? Câu trả lời là 3 nơi khác nhau, thực ra là 6 tài khoản đã được kích hoạt. 1 ngân hàng được yêu cầu sử dụng cho việc trợ cấp học bổng, 1 ngân hàng khác được đề nghị khi anh thực hiện nghĩa vụ quân sự và ngân hàng thứ 3 là tài khoản công ty cũ trả lương. Hơn nữa, Yu còn một số tài khoản không hoạt động khác và có "quá nhiều thẻ, không thể nhớ hết". 

Một trong số những chiếc thẻ đó được anh đăng ký vì muốn nhận một khoản khuyến mại và chỉ được sử dụng đúng 1 lần duy nhất. Yu chia sẻ: "Một nhân viên giao dịch đến văn phòng tôi và nói rằng nếu tôi chuyển 300 nghìn won (300 USD) vào thẻ đó thì tôi sẽ được tặng 100 nghìn won."

Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và một màu, các ứng dụng fintech thừa thắng xông lên vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng - Ảnh 1.

Tại Hàn Quốc, việc một cá nhân sở hữu nhiều thẻ ngân hàng là hoàn toàn bình thường. Trung bình, một người trưởng thành sở hữu 5,2 tài khoản ngân hàng và 3,6 thẻ tín dụng. Các sản phẩm tài chính được sử dụng không phải vì khách hàng thấy phù hợp hay ngân hàng đó cung cấp dịch vụ rất tốt, mà hầu hết là bởi những mối liên kết cá nhân. Thẻ tín dụng được nhiều đơn vị thứ 3 cung cấp cho người quen. 

Những "lỗ hổng" trong việc thu hút khách hàng như thế này cho thấy ngành ngân hàng Hàn Quốc từ lâu đã tạo ra trải nghiệm không mấy suôn sẻ cho người dùng. Các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động vẫn nghèo nàn hay thậm chí là không có. Việc thanh toán trực tuyến thường "tốn" tới 40 cú click và 4 mật khẩu. Tuy nhiên, "cơn sóng" kỹ thuật số đã tràn vào thị trường nước này trong vài năm qua.

Năm 2015, Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) quyết định rằng việc khuyến khích các công ty fintech sẽ mang đến sự thay đổi lớn cho các ngân hàng, cũng như cải thiện dịch vụ khách hàng. Một trong những "ma mới" với đầy tham vọng đó là Viva Republica. Tháng 12, start-up này trở thành "kỳ lân" fintech đầu tiên của Hàn Quốc, huy động được 80 triệu USD trong vòng huy động vốn trị giá 1,2 tỷ USD.

Viva Republica được Lee Seung-gun, từng là một nha sĩ, thành lập vào năm 2013. Start-up này đã thực hiện một số dự án khác trước khi "lấn sân" sang mảng thanh toán kỹ thuật số với Toss - hiện đã phát triển thành một ứng dụng quản lý tài chính toàn diện. Người dùng có thể sắp xếp các tài khoản, thẻ ngân hàng và các khoản vay chỉ trong một chế độ xem (single view), các loại chi phí được phân loại theo danh mục. Ngoài ra, họ còn có thể đăng ký sử dụng các sản phẩm tài chính và Toss sẽ được hưởng hoa hồng. Sinh viên Yu chia sẻ: "Nếu bạn đang tìm kiếm sự tiện lợi, hãy dùng Toss. Tôi có thể nắm rõ mình đã chi bao nhiêu tiền hay thậm chí là đầu tư chứng khoán nước ngoài và cho vay ngang hàng."

Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và một màu, các ứng dụng fintech thừa thắng xông lên vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Toss cho thấy dịch vụ của các ngân hàng truyền thống ở Hàn Quốc là quá nhàm chán. Toss hiện có 11 triệu người dùng đã đăng ký, tức là 1/4 dân số Hàn Quốc. Tuy nhiên, tham vọng của họ lại xa hơn thế. Công ty đang trong quá trình xin giấy phép thành lập một ngân hàng số. 

Theo ông Lee, mục tiêu của họ là trở thành một "siêu ứng dụng" thống trị Hàn Quốc đối với tất cả mọi thứ liên quan đến tài chính. Ông nói thêm, các ngân hàng không coi Toss là một mối đe doạ mà là một đối tác giúp họ cắt giảm chi phí trong việc thu hút khách hàng. Tuy nhiên, về dài hạn thì các ngân hàng có thể sẽ không được hưởng lợi như thế nữa, ông nói: "Chúng tôi sẽ lôi kéo sự trung thành của khách hàng và ngân hàng sẽ trở thành các nhà cung ứng."

Bank Salad, thuộc start-up Rainist, một công ty fintech thành lập vào năm 2012, hiện đang thực hiện cách tiếp cận với quy mô hẹp hơn. Tương tự như Toss, ứng dụng 4 triệu người dùng này cũng cung cấp dịch vụ quản lý tài chính và tổng hợp tài khoản. CEO Kim Tae-Hoon cho biết họ mong muốn trở thành một phiên bản tư vấn tài chính của Jarvis - trợ lý AI của siêu anh hùng Ironman. Thế mạnh của Rainist là hệ thống giới thiệu bán hàng (referral system) dựa trên dữ liệu, gợi ý các sản phẩm dựa trên thói quen tiêu dùng của khách hàng.

Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và một màu, các ứng dụng fintech thừa thắng xông lên vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng - Ảnh 3.

Bank Salad và Toss là 2 ứng dụng đang "khuấy đảo" cả ngành ngân hàng ở Hàn Quốc, bởi họ hợp lý hoá cách thức thu hút khách hàng, tạo ra những kỳ vọng mới về chất lượng dịch vụ. Các ngân hàng có thể sẽ thấy run sợ nếu Toss trở thành một ngân hàng và cạnh tranh trực tiếp với họ. Tuy nhiên, vẫn còn một thách thức đáng chú ý khác. 94% người Hàn Quốc đều sử dụng Kakao Talk, ứng dụng tin nhắn của KaKao, một "gã khổng lồ" truyền thông và phát triển game trên điện thoại di động. Cũng như WeChat, ứng dụng này được tích hợp chức năng thanh toán trên đó là Kakao Pay - hiện có 28 triệu người dùng. Kakao Pay đã được sử dụng cho các giao dịch với hơn 20 nghìn tỷ won (1,75 tỷ USD) trong năm 2018.

Một "nhân vật" sừng sỏ trong giới truyền thông thành công với việc phát triển ứng dụng thanh toán rõ ràng là mối lo ngại đối với các công ty fintech khác. Tháng 2/2017, Ant Financial đã mua gần 40% cổ phần của Kakao Pay với 200 triệu USD. Shin Won-Keun, giám đốc chiến lược của Kakao Pay, coi đây là sự hợp tác mang đến cho cả 2 bên rất nhiều lợi ích.

Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và một màu, các ứng dụng fintech thừa thắng xông lên vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng - Ảnh 4.

8 nhân vật Kakao Friends.

Hiện tại, KaKao đang thực hiện một "cuộc tấn công" toàn diện vào các ngân hàng truyền thống của Hàn Quốc. Năm 2017, một liên doanh, trong đó có Kakao Corporation, đã giành được 1 trong 2 giấy phép đầu tiên của quốc gia này để mở một ngân hàng số. KaKao Bank đã chứng kiến sự thành công rực rỡ: 2 triệu người đăng ký cho tài khoản hiện tại trong vòng 13 ngày và hiện đã có 8,9 triệu khách hàng. FSC đang cân nhắc việc cho phép các công ty phi tài chính nắm giữ lượng cổ phần lớn hơn trong các ngân hàng (ví dụ Kakao Corporation chỉ nắm giữ 10% cổ phần của KaKao Bank, đây là mức tối đa cho phép) và cấp thêm 2 giấy phép bản quyền số. Toss hy vọng sẽ giành được 1 trong 2 giấy phép này.

Thay vì mang đến bầu không khí cứng nhắc và nghiêm nghị như các ngân hàng truyền thống, Kakao Bank tạo trải nghiệm vui vẻ và thân thiện cho khách hàng. Thẻ ghi nợ của Kakao Bank và Kakao Pay đều được in hình 8 nhân vật Kakao Friends được sử dụng làm emoji trong Kakao Talk.

Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và một màu, các ứng dụng fintech thừa thắng xông lên vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng - Ảnh 5.

Một câu hỏi khác đặt ra, là liệu người Hàn Quốc sẽ thay đổi việc quản lý thói quen tài chính hàng ngày của họ bằng tài khoản Kakao hay không. Thực ra, khi bạn đã có 5 tài khoản ngân hàng, thì có thêm một cái thứ 6 cũng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, nhóm người dùng đã đăng ký lại cho thấy mong muốn của khách hàng đang dần thay đổi. Thay vì chọn một giám đốc ngân hàng cứng nhắc, thì họ lại hứng thú với một thương hiệu cùng chú sư tử Ryan màu nâu hiền lành và dễ thương hơn.

Hương Giang

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên