MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm đổi mới đáng chú ý tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào sáng nay

20-05-2019 - 08:38 AM | Xã hội

Trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào sáng nay, có việc đổi mới theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, giúp các đại biểu Quốc hội thuận tiện hơn trong công việc.

Sáng 20/5 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 sẽ chính thức khai mạc. Dự kiến kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày, bế mạc vào ngày 14/6.

Quốc hội sẽ dành 60% thời gian cho công tác cho xây dựng pháp luật, với việc thông qua 7 dự án Luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án Luật khác.

Trong sáng nay, trước khi khai mạc, Quốc hội họp phiên trù bị để nghe, cho ý kiến và biểu quyết chương trình kỳ họp. Sau đó nghe báo cáo việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Lê Đình Nhường (Thiếu tướng) thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Theo chương trình dự kiến, ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Quốc hội dành thời gian nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Đáng chú ý, Quốc hội cũng nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này.

Quốc hội cũng nghe báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm đổi mới đáng chú ý nhất trong kỳ họp này là Quốc hội sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội.

Ông Phúc nêu ví dụ, như tra cứu hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến một dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quá trình xây dựng quy định về lĩnh vực đó. Việc thăm dò ý kiến của ĐBQH cũng được thực hiện qua thông tin điện tử.

Việc triển khai phần mềm mới hỗ trợ hoạt động của các đại biểu Quốc hội sẽ cho phép các vị ĐBQH không cần phải mang theo tài liệu bản giấy, mọi tài liệu cần thiết đều có thể tra cứu trên smartphone hoặc thiết bị di động khác.

Vẫn theo Tổng Thư ký Quốc hội, đây là phần mềm rất hữu ích, nhưng tại kỳ họp này chỉ là bước thí điểm, nên các cơ quan phục vụ vẫn chưa bỏ hẳn văn bản giấy.

Đến cuối kỳ họp, các đại biểu, những người sử dụng sẽ thực hiện việc đánh giá về phần mềm này và Văn phòng Quốc hội sẽ tổng hợp để làm căn cứ tiếp tục hoàn thiện phần mềm.

Việc đổi mới này theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đó là một phần trong xây dựng Quốc hội điện tử.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Quốc hội cũng sẽ xem xét tình hình kinh tế - xã hội, kết hợp thảo luận về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Về hoạt động chất vấn, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tổ chức như thông lệ, nghĩa là dành 2,5 ngày cho hoạt động này, nội dung theo nhóm vấn đề do các ĐBQH lựa chọn.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên