MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 04/03 – 10/03] Chứng khoán Việt Nam và thế giới tăng giảm trái chiều

Trong khi thị trường chứng khoán thế giới đã trở lại với sắc xanh, thì thị trường Việt Nam tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp, lùi sâu dưới ngưỡng 1.000 điểm.

1. Chứng khoán Việt Nam giằng co

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch gần nhất với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Chốt tuần, VN-Index ở ngưỡng 980,76 điểm, giảm 0,8% so với đóng cửa tuần trước đó. HNX-Index cũng trong trạng thái tương tự khi đóng cửa ở mức 107,44 điểm, giảm 0,6 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 04/03 – 10/03] Chứng khoán Việt Nam và thế giới tăng giảm trái chiều - Ảnh 1.

Về mặt chỉ số, tuần giao dịch vừa qua có phần "yên bình" khi cả hai chỉ số đại diện cho HoSE và HNX dao động trong biên độ hẹp, tuy nhiên diễn biến cụ thể trong tuần lại theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Trạng thái giằng co, thực tế, đã được đẩy lên cao khi VN-Index lùi sâu xuống dưới ngưỡng quan trọng 1.000 điểm. Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, nhưng phiên sau đó biên độ giao dịch giảm xuống chỉ còn vài điểm mỗi phiên, bên cầm cổ dù vẫn giữ ưu thế nhưng không còn trạng thái "bán bất chấp giá", trong khi bên cầm tiền tỏ ra thận trọng hơn trước xu thế của thị trường.

Điểm nhấn của thị trường xuất hiện ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày thứ Hai khi VN-Index giảm gần 2%, về ngưỡng 970 điểm. Cộng với phiên thứ Năm tuần trước đó, chỉ số đại diện cho HoSE đã giảm hơn 30 điểm, lùi sâu xuống dưới mốc 1.000 điểm. Ngoại trừ những biến động trên thị trường tài chính quốc tế thì khoảng trống thông tin khiến nhà đầu tư không lý giải được tại sao VN-Index lại rơi mạnh như vậy. Từ nhóm cổ phiếu lớn, midcap cho tới penny đều rơi vào cảnh điều chỉnh, dòng tiền có sự phân hóa mạnh khi đà tăng chỉ xuất hiện ở một vài cổ phiếu "có game".

Sau phiên giảm mạnh, thị trường rơi vào trạng thái giằng co, chỉ số chỉ được kéo lên ngưỡng 980 điểm trong hai phiên cuối tuần, tuy nhiên biên độ mỗi phiên chỉ ở mức vài điểm. Bên bán không muốn ép xuống quá thấp trong khi cầu bắt đáy không mua đuổi ở mức giá cao khiến thị trường không tìm được điểm ăn khớp.

Một số cổ phiếu đáng chú ý trong tuần qua như VCG hay YEG. VCG đã có phiên giảm sàn 10% vào thứ Năm sau thông tin mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông lớn tại về nghị quyết bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, ngay phiên sau đó, lực cầu bắt đáy giúp cổ phiếu này tăng trở lại hơn 5%.

YEG trong chuỗi phiên tăng trần cuối tuần trước và thứ Hai tuần này đã nhanh chóng trở lại với nhịp "giảm sàn" quen thuộc. Cổ phiếu này đến phiên giao dịch gần nhất chỉ còn 100.000 đồng, sắp đánh bay toàn bộ thành quả của đợt phục hồi vừa qua.

2. Chứng khoán thế giới ổn định trở lại

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng và bù đắp được hết sự sụt giảm trong tuần trước. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.928 điểm (tăng 1,67%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.729 điểm (tăng 1,14%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.834 điểm (tăng 1,21%).

[Điểm nóng TTCK tuần 04/03 – 10/03] Chứng khoán Việt Nam và thế giới tăng giảm trái chiều - Ảnh 2.

Cổ phiếu ngành công nghiệp hồi phục tốt trong tuần, sau khi hãng Boeing công bố sửa lỗi phần mềm cho máy bay 737 Max khiến giá cổ phiếu của công ty tăng điểm trở lại. Các nhà đầu tư tại Mỹ hiện tại đang rất mong chờ các thông tin mới nhất trong mùa báo cáo thu nhập Quý 1 trong một vài tuần tới.

Đối với châu Âu, thị trường đã trở lại ổn định, trong bối cảnh Quốc hội Anh đã từ chối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May lần thứ ba và Chủ tịch ECB Mario Draghi cam kết thực hiện các biện pháp để chống lại rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.279 điểm (tăng 1%), chỉ số CAC 40 đóng cửa ở 5.350 điểm (tăng 1,54%), và chỉ số DAX 30 đóng cửa ở 11.526 điểm (tăng 1,43%).

Tuần qua lợi tức trái phiếu 10 năm của Đức đã có những tín hiệu tiêu cực sau khi ông Draghi nói rằng ECB có thể trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất nếu nền kinh tế châu Âu tiếp tục xấu đi. Ông cũng đề cập rằng định hướng cho điều chỉnh lãi suất có thể được thực hiện thông qua hoạt động tái cấp vốn dài hạn, được gọi là TLTRO-III, liên quan đến việc cung cấp cho các ngân hàng châu Âu các khoản vay dài hạn rẻ hơn, để giảm thiểu tác động tiêu cực của lãi suất thấp đối với các ngân hàng.

Đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.205 điểm (giảm 1,95%). Đồng Yên ít thay đổi trong tuần và đóng cửa ở mức 110,77 yên/đô la Mỹ. Về chính trị, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành được sự chấp thuận của Hạ viện cho khoản ngân sách tài chính 2019 lên tới 101,46 nghìn tỷ yên. Đây là lần đầu tiên ngân sách Nhật Bản vượt quá 100 nghìn tỷ yên.

Trong đó, khoảng một phần ba được dành cho an sinh xã hội, như chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Chi tiêu quốc phòng lại là một bước nhảy vọt trong ngân sách với tổng trị giá hơn 5 nghìn tỷ yên và các biện pháp kích thích chiếm khoảng 2 nghìn tỷ yên để bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng yếu do tăng thuế tiêu dùng.

Các chỉ số chứng khoán tại thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm nhẹ trong tuần qua với chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.090 điểm (giảm 0,45%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 29.051 điểm (giảm 0,21%).

Hôm thứ Sáu, Bloomberg đưa tin rằng đại diện đàm phán thương mại của cả Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận để thống nhất các từ ngữ trong phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của bản thỏa thuận thương mại. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy cả hai nước đang tiến rất gần tới việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh thương mại kéo dài nhiều tháng qua.


Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên