MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 04/06 - 10/06] Chứng khoán Việt hồi phục mạnh mẽ, TTCK thế giới đồng thuận tăng điểm trừ châu Âu và Trung Quốc

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá trầm lắng và thận trọng, mang tâm lý dè dặt với các hoạt động trading. Trước sự hồi phục của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh long với khối lượng lớn vào đầu tuần.

1.TTCK Việt Nam nối dài tuần lễ "hồi phục"

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch "tràn đầy hứng khởi" khi chỉ số VN-Index tiếp tục có sự hồi phục mạnh mẽ trong những phiên giao dịch tuần qua đã lấy lại cột mốc 1.030 điểm đã để vụt mất trước đó.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.039,01 điểm (tăng 4,66%) và HNX-Index chốt phiên ở 119,86 điểm (tăng 3,56%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong tuần qua đã cùng đồng thuận khi các chỉ số đều đồng loạt tăng điểm mạnh mẽ trong những phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cũng chứng kiến thanh khoản cải thiện đồng đều trên cả 2 sàn.

[Điểm nóng TTCK tuần 04/06 - 10/06] Chứng khoán Việt hồi phục mạnh mẽ, TTCK thế giới đồng thuận tăng điểm trừ châu Âu và Trung Quốc - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng

Ngay trong những phiên mở cửa đầu tuần mới, kịch bản tạo đáy hình chữ V đang dần trở thành hiện thực. Sự hưng phấn kéo dài sang phiên thứ ba liên tiếp. Các chỉ số tiếp tục tăng mạnh với số cổ phiếu tăng giá áp đảo hoàn toàn số cổ phiếu giảm giá. Hai chỉ số đều đóng cửa ở mức giá cao nhất trong hầu hết các phiên giao dịch đầu tuần, cho thấy bên mua chưa có dấu hiệu "chùn tay". Không chỉ vậy, sức nóng từ nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn như VJC, VNM, BVH, HPG, VPB, VCB, ACB, MBB… trong những phiên giao dịch đầu tuần đã lan tỏa mạnh sang nhóm các cổ phiếu Midcap. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng rất mạnh như AAA, NLG, HSG, NKG, SKG, HBC, HNG, HCM, PNJ … Nhóm cổ phiếu Smallcap cũng xuất hiện nhiều cổ phiếu tăng trần.

Sau những phiên tăng điểm mạnh mẽ đầu tuần thì ở những phiên giao dịch gần cuối tuần, dường như tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất tích cực khiến thị trường chỉ chững lại đôi chút chứ không điều chỉnh sâu. Các cổ phiếu lớn tiếp tục thay nhau nâng đỡ thị trường. Dòng tiền trong phiên cuối tuần tiếp tục tập trung vào những mã tài chính có ảnh hưởng lớn đến chỉ số như VCB, VPB, TCB, SSI và DXG.... Nhiều khả năng nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong tuần tới.

Theo các chuyên gia VDSC nhận định, VN-Index đã ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, và đây cũng là một trong những giai đoạn hồi phục rõ ràng nhất của chỉ số kể từ kì biến động mạnh tháng 4 đến nay. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân những cổ phiếu mạnh có nền tảng tốt.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá trầm lắng và thận trọng, mang tâm lý dè dặt với các hoạt động trading. Trước sự hồi phục của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh long với khối lượng lớn vào đầu tuần.

Tuy nhiên ở những phiên giao dịch giữa tuần, khi chỉ số VN30 vênh với chỉ số hợp đồng VN30F1806 tới tận xấp xỉ 15 điểm thì trong những phiên giao dịch phái sinh, lệnh long cũng không thật sự dứt khoát vì nghi ngờ có sự điều chỉnh sau hơn 1 tuần tăng liên tiếp của cơ sở. Về phía chiều short, cũng xảy ra hiện tượng tâm lí "e dè" khi VN30 chạm nhiều mức kháng cự nhưng cổ phiếu trụ vẫn thay phiên nhau đỡ khiến cho VN30 không thể giảm sâu.

Chính điều này đã tạo nên tâm lí giằng co, biên độ phái sinh khá hẹp và không xảy ra quá nhiều biến động dữ dội. Dòng tiền đẩy vào phái sinh cũng yếu đi khi xu thế chưa thật sự rõ ràng đến từ tâm lí 2 đội Long – Short. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự giảm sút đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 76.352 hợp đồng (giảm gần 18% so với tuần liền trước).

2.TTCK thế giới cùng đồng thuận tăng điểm trừ thị trường châu Âu và Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm vững chắc trong tuần. Dữ liệu về việc làm và sản xuất mạnh mẽ của tuần trước đã giúp thị trường tăng điểm trong đầu tuần. Tin tức tốt tiếp tục vào thứ ba, khi một số khảo sát cho thấy có sự mở rộng ​​trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.Sự suy giảm của đồng đô la Mỹ trong tuần cũng thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư khi đồng bạc xanh yếu đi làm tăng triển vọng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Mỹ và tăng giá trị lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài của các công ty Mỹ.

Cuối tuần chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.645 điểm (+0,99%), Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.316 điểm (+2,38%), và S&P 500 đóng cửa ở 2.779 điểm (+1,39%). Trong các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng hoạt động tốt nhất trong khi các cổ phiếu dịch vụ tiện ích bị giảm mạnh.

Đối với Châu Âu, thị trường chứng khoán tuần qua bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại trong hội nghị thượng đỉnh G-7 của Mỹ và sáu nước phát triển lớn nhất thế giới. Tổng thống Trump đã đăng các tweet cáo buộc Canada và Liên minh châu Âu lập ra rào cản thương mại không công bằng.

Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.766 điểm (-0,57%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.681 điểm (-0,26%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.450 điểm (-0,86%). Tâm lý các nhà đầu tư tại châu Âu vẫn tiếp tục căng thẳng khi họ vẫn đang lo lắng về việc liệu Mỹ có tiếp tục đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu của châu Âu hay không.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong tuần, với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 22.694 điểm (+1,47%) và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.781 điểm (+0,9%). Đồng Yên đã có chút thay đổi, đóng cửa ở mức 109,4 yên /đô la Mỹ, cao hơn khoảng 2,8% so với mức 112,7 vào cuối năm 2017. Dữ liệu được công bố hôm thứ Tư cho thấy thu nhập thực tế của người lao động Nhật Bản sau khi điều chỉnh lạm phát đã tăng chút ít trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán đã giao dịch không mấy tích cực trong tuần qua khi các mối quan tâm của nhà đầu tư hướng về căng thẳng thương mại giữa nước này và Mỹ. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.067 điểm (-0,52%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.958 điểm (+0,4%). Việc các cổ phiếu của Trung Quốc được lọt vào rổ chỉ số chứng khoán toàn cầu của MCSI được kỳ vọng sẽ lôi kéo được dòng vốn đầu tư vào nước này. Tuy nhiên kết quả thực tế lại gây thất vọng khi các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh hơn khoảng 6 - 7% so với chỉ số Dow Jones của Mỹ tính từ đầu năm tới nay.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên