MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 05/08 - 11/08] Chứng khiến Việt giằng co mạnh, Chứng khoán thế giới lao dốc

Thị trường chứng khoán Việt giằng co mạnh trong tuần qua. Bên cạnh đó, TTCK thế giới đồng loạt bị nhấn chìm trong cơn bão gió…

1. TTCK Việt Nam diễn ra phân hóa và giằng co mạnh

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giằng co. Chính vì thế khả năng bứt phá mạnh mẽ tại vùng này vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở VN-Index kết thúc tuần giảm 0,23% đạt mức 991,1 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần giảm 1,7% dừng tại 974,34 điểm.Thị trường nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn phân hóa mạnh, khó dự đoán. Có thể thấy VN-Index trong tuần vừa rồi giao dịch khá phức tạp và chưa rõ xu hướng, điều đó đa phần khiến cho tâm lý nhà đầu tư tuần qua khá dao dộng và lo lắng.

[Điểm nóng TTCK tuần 05/08 - 11/08] Chứng khiến Việt giằng co mạnh, Chứng khoán thế giới lao dốc - Ảnh 1.

VN-Index 3 tháng gần đây


Thị trường chung trong tuần qua vẫn đi theo xu hướng giằng co. Một số cổ phiếu lớn như GAS,VIC, VHM, VNM, SAB, MSN đều có xu hướng giảm điểm khiến thị trường đôi chút lao đao mất đi lực đỡ. Trái ngược với những mã trụ thì nhóm ngành cảng biển lại có những phiên gần cuối tuần bứt phá.

Theo các chuyên gia VDSC, tính đến cuối tuần vừa qua, nhịp hồi phục của VN-Index đã được mở rộng và chạm vùng kháng cự. Dự kiến, chỉ số sẽ tiếp tục thử thách gần đường EMA(26) trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng rủi ro đảo chiều đang gia tăng. Sự phân hóa vẫn diễn ra ngày càng rõ nét giữa các nhóm ngành. Dự kiến thị trường sẽ còn tiếp tục rung lắc trong thời gian tới.

Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch sôi động. Trong khi đó rủi ro vẫn được đánh giá ở mức cao đối với các vị thế giữ lệnh trong trung hạn do diễn biến phức tạp giằng co trên thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 89.054 hợp đồng.

2. Chứng khoán thế giới lao dốc

Thị trường chứng khoán Mỹ sau một tuần biến động đã kết thúc ở mức thấp hơn tuần trước, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh vào ngày thứ 2. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.485 điểm (giảm 0,75%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.918 điểm (giảm 0,48%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.959 điểm (giảm 0,56%).

Nhóm cổ phiếu năng lượng có diễn biến tồi tệ nhất trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản và hàng tiêu dùng lại có diễn biến tích cực hơn. Nguyên nhân của sự sụt giảm vào ngày thứ 2 là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vượt mức 7,0 nhân dân tệ/đô la Mỹ, một ngưỡng chưa từng bị phá vỡ trong thập kỷ qua, khiến các nhà đầu tư lo lắng về bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu. Đồng thời Nhà Trắng đã chính thức cáo buộc cho Trung Quốc thao túng tiền tệ, khiến tâm lý các nhà đầu tư càng thêm tiêu cực.

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm trong tuần khi các biến động của thị trường ngày càng tăng cao. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.253 điểm (giảm 2,08%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.693 điểm (giảm 1,51%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.327 điểm (giảm 0,6%). Tuy nhiên khối lượng giao dịch ở thị trường châu Âu không sôi động, cho thấy sự thiếu nhiệt tình của nhà đầu tư.

Dữ liệu vĩ mô được công bố vào thứ Tư cho thấy sản lượng công nghiệp của Đức đã giảm 1,5% trong tháng 6, mức giảm lớn hơn nhiều so với ước tính. Chỉ số sản xuất công nghiệp đáng thất vọng đã làm dấy lên lo ngại rằng xung đột thương mại leo thang sẽ đẩy nền của Đức vào tình trạng suy thoái. Hậu quả là lợi suất trái phiếu chính phủ Đức đã tiếp tục giảm sâu. Trong khi đó GDP của Anh đã giảm 0,2% trong quý II. Đây là sự suy giảm lần đầu tiên trong bảy năm qua.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng sụt giảm trong tuần, với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 20.648 điểm (giảm 1,9%). Đồng yên đã trở nên mạnh hơn trong tuần và đóng cửa ở mức 108,48 yên/đô la Mỹ vào cuối tuần.

Dữ liệu thống kê vĩ mô của Nhật Bản tiếp tục có những dấu hiệu trái chiều khi thu nhập của người lao động đã yếu đi trong tháng thứ sáu liên tiếp, trong khi tiêu thụ nội địa tăng 2,7% so với năm ngoái. Theo các chuyên gia, tiêu thụ nội địa có thể bù đắp được một phần trong tăng trường của Nhật Bản trước đây vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua đã giảm mạnh nhất trong ba tháng trở lại đây, khi các nhà đầu tự lo ngại về khả năng chiến tranh kinh tế ngày càng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.774 điểm (giảm 3,2%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.939 điểm (giảm 3,64%).

Các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc là nhóm giảm mạnh nhất trong tuần sau khi phía Mỹ không chịu xuống thang trong vấn đề hạn chế hợp tác công nghệ đối với Huawei.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên