MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 06/05-12/05] "Bóng ma" chiến tranh thương mại ám ảnh thị trường

Sau một tuần giao dịch, nhà đầu tư có phần bình tĩnh hơn trước thông tin áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Rủi ro sẽ vẫn hiện hữu, nhưng áp lực lên chỉ số là bao nhiêu sẽ vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

1. TTCK Việt Nam lao đao vì chiến tranh thương mại

Những gì diễn ra trên bảng điện đã cho thấy một tuần giao dịch khó khăn với nhà đầu tư trên thị trường. VN-Index chốt tuần giao dịch 952,55 điểm, giảm hơn 20 điểm so với thời điểm mở cửa đầu tuần (974,14 điểm). VN30-Index giảm từ mức 895 điểm mở cửa phiên giao dịch 6/5 xuống 876,45 điểm. HNX-Index cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chốt tuần giảm hơn 1 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 06/05-12/05] Bóng ma chiến tranh thương mại ám ảnh thị trường - Ảnh 1.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với sắc đỏ. Biến động tiêu cực từ thị trường quốc tế khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến những nhà đầu tư lo ngại về sự theo thang của chiến tranh thương mại. Những thị trường chứng khoán lớn, đặc biệt là Trung Quốc rơi vào cảnh bán tháo trên diện rộng với những chỉ số chủ chốt mất từ 5 đến 7% giá trị. Việt Nam cũng không tránh khỏi "cơn bão" khi sắc đỏ bao trùm thị trường. Một loạt những cổ phiếu dẫn dắt giai đoạn trước trở thành cái tên dẫn đầu đà sụt giảm. Từ nhóm vốn hóa lớn (bluchips) cho tới nhóm trung bình (midcap) hay vốn hóa nhỏ (penny), sắc đỏ đều là màu chủ đạo của thị trường.

Những phiên tiếp sau đó, "bóng ma" chiến tranh thương mại tiếp tục ám ảnh thị trường khiến những chỉ số chính lần lượt mất các mốc hỗ trợ quan trọng. VN-Index từ ngưỡng 970 điểm, lần lượt mất mốc 960 rồi 950, tương tự, VN30-Index cũng lùi về những ngưỡng thấp hơn.

Bất chấp đà giảm không phanh, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Dòng tiền bắt đáy tỏ ra thận trọng, chọn lọc cổ phiếu và không mua đuổi. Trong khi bên bán cổ phiếu giữ thế chủ động nhưng không đẩy giá quá thấp. Trạng thái giằng co ở vùng giá dưới tham chiếu duy trì trong nhiều phiên sau đó khiến tâm lý nhà đầu tư, phần đông, đều chán nán. Các công ty chứng khoán đều khuyến nghị quan sát, tìm cách hạ danh mục và chờ đợi một xu hướng xác định.

Phiên cuối tuần trở lại với sắc xanh, đồng điệu với những thị trường lớn, nhưng sự phục hồi không quá chắc chắn. VN-Index trở lại ngưỡng 950 nhưng kèm theo những rủi ro vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là thanh khoản của thị trường vẫn còn rất yếu.

Dầu khí có thể xem là tia sáng hiếm hoi của thị trường khi những mã cổ phiếu họ P lần lượt bứt phá, bất chấp xu hướng chung của thị trường. Trong khi đó, những mã chủ chốt dòng bất động sản, tài chính, ngân hàng vẫn trong cảnh đìu hiu.

Tuần mới sẽ bắt đầu với những thông tin tiêu cực về tình hình thương mại thế giới khi Tổng thống Mỹ liên tục phát tín hiệu cho thấy sẽ tạo áp lực lên Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một tuần giao dịch, nhà đầu tư có phần bình tĩnh hơn. Rủi ro sẽ vẫn hiện hữu, nhưng áp lực lên chỉ số là bao nhiêu sẽ vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

2. TTCK Thế giới giảm mạnh

Sự sụt giảm vào các phiên cuối tuần đã khiến các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.942 điểm (giảm 0,83%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.881 điểm (giảm 0,93%), và chỉ số Nasdaq Composite với tỷ trọng lớn cổ phiếu công nghệ đóng cửa ở 7.916 điểm (giảm 0,81%).

[Điểm nóng TTCK tuần 06/05-12/05] Bóng ma chiến tranh thương mại ám ảnh thị trường - Ảnh 2.

Cổ phiếu công nghệ, công nghiệp và vật liệu đều suy giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về các rào cản thương mại gia tăng. Các cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu thu hút dòng tiền theo chiến lược phòng thủ. Nỗi sợ chiến tranh thương mại gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump đăng bài tweet vào ngày 5/5 rằng thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 25% vào nửa đêm ngày thứ Năm. Tuy nhiên phản ứng của thị trường đối với việc tăng thuế không mạnh như một số người đã lo ngại, các cổ phiếu đã có chút hồi phục vào cuối phiên giao dịch thứ Sáu. Các nhà phân tích cho rằng những sự đe dọa về thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc chỉ là một cách gây áp lực trong đàm phán.

Khi mùa báo cáo kinh doanh quý 1 dần qua đi thì nỗi lo ngại rủi ro thương mại lại quét qua các thị trường châu Âu, khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt suy giảm. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.203 điểm (giảm 2,01%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.059 điểm (giảm 0,92%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.327 điểm (giảm 2,26%).

Đồng bảng Anh cũng bị ảnh hưởng giảm 1,3%, do quá trình Brexit vẫn chưa được giải quyết trong khi rủi ro thương mại tiếp tục tăng cao. Trong khi đó đồng euro đã giảm vào đầu tuần nhưng đã tăng trở lại 1,6% so với đồng đô la Mỹ vào cuối tuần khi các thông tin vĩ mô tích cực xuất hiện. Vào thứ Sáu, Đức đã báo cáo sự gia tăng bất ngờ trong xuất khẩu với mức tăng 1,5% so với tháng trước và 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng công nghiệp của Đức cũng bất ngờ tăng. Tuy nhiên, trước đó Ủy ban châu Âu (EC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng eurozone xuống còn 1,2% vào năm 2019 so với dự báo trước đó là 1,3%. EC cũng lưu ý rằng thâm hụt ngân sách của Ý đang trên đà đạt 3,5% vào năm 2020, cao hơn mức trần 3.0% theo quy định tài khóa của Liên minh châu Âu.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã đóng cửa vào thứ Hai, ngày cuối cùng của việc đóng cửa nghỉ lễ kéo dài 10 ngày, và giao dịch trở lại vào thứ Ba. Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.344 điểm (giảm 3,71%).

Đồng yên đứng ở mức 109,72 mỗi đô la Mỹ, mạnh hơn đáng kể trong hai tuần qua do dòng tiền tìm đến nó như một kênh trú ẩn trước các bất ổn của thị trường. Về các chỉ số vĩ mô PMI đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 4 từ mức 49,2 điểm của tháng 3. Điều này cho thấy sự tích cực trở lại trong hoạt động sản xuất của Nhật Bản. Các công ty đã tăng cường thuê công nhân và lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu mới đang sụt giảm do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

Tuần qua thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ lại tăng lên. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.939 điểm (giảm 1,51%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 28.550 điểm (giảm 2,7%), gần mức thấp nhất ba tháng qua. Hành động tăng thuế quan mới nhất của Mỹ đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý nhà đầu tư trong thời gian ngắn. Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích, nó ít có tác động lâu dài đến các nền tảng kinh tế của Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn nhiều so với hầu hết mọi người nhận ra. Mặc dù là một nước xuất khẩu lớn, nhưng xuất khẩu ròng của Trung Quốc chiếm khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội năm 2017. Hơn nữa, Trung Quốc hiện cũng đang giao dịch nhiều hơn với các nước khác so với Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.


Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên